Hơn 866 nghìn thí sinh bắt đầu... "vượt vũ môn"

Ngày 22/6, hơn 866 nghìn thí sinh chính thức bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017 với 2 môn thi bắt buộc là Ngữ văn (hình thức thi tự luận) và Toán (thi trắc nghiệm).

Nhiều thí sinh khá tự tin bước vào kỳ thi. Ảnh: HH

Đây là kỳ thi "2 trong 1" có ý nghĩa quan trọng với mỗi thí sinh vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ).

Tự tin bước vào kỳ thi

Năm nay, kỳ thi diễn ra trước nửa tháng, thời gian ôn tập ngắn hơn, nhưng do được ôn tập kỹ lưỡng cộng với việc được chọn bài thi tổ hợp có điểm cao hơn để xét tốt nghiệp nên nhiều thí sinh khá tự tin bước vào kỳ thi.

Đây cũng là năm đầu tiên tất cả các môn thi (trừ Ngữ văn) sẽ được tổ chức thi trắc nghiệm. Các môn thi sẽ không thi từng môn mà theo bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN) gồm các môn (Lý, Hóa, Sinh) và bài thi khoa học xã hội (KHXH) gồm 3 môn (Sử, Đia, Giáo dục công dân). Với cách thi mới mẻ này nhiều sĩ tử tỏ ra khá thích thú.

Em Lê Hoàng Nam, cựu học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: 3 năm học cấp 3 em theo học khối D (Toán, Văn, Anh) đây là 3 môn thi bắt buộc nên em gặp nhiều thuận lợi trong quá trình ôn tập. Em dành phần lớn thời gian học 3 môn chính để xét tuyển vào ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, đến thời gian gần thi mới ôn các môn xét tốt nghiệp. Em chọn bài thi KHXH để xét tốt nghiệp, đây là các môn học cần nhiều thời gian học để ghi nhớ, nhưng năm nay do thi trắc nghiệm nên em thấy thoải mái hơn, nếu không "trúng tủ" em vẫn có thể... "tích bừa". Với vốn hiểu biết xã hội và kiến thức đã tích lũy được em tự tin mình "vượt vũ môn" thành công.

Thí sinh xem số báo danh trước khi bước vào kỳ thi. Ảnh: HH

Tỏ ra khá điềm tĩnh trước kỳ thi lớn, Hoàng Minh Hồng, cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết: Em chọn thi khối D để xét tuyển vào ĐH Kinh tế Quốc dân, ngoài ra em còn đăng ký thêm 13 nguyện vọng vào các trường ĐH khác. Bước vào kỳ thi này em đã ôn tập kỹ nên khá tự tin sẽ làm bài tốt.

Thí sinh không nên gian lận

Nhắn gửi tới thí sinh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyên các em cần xác định tư tưởng làm bài trung thực, không gian lận.

"Mã đề thi riêng nên các em không thể dùng phương tiện hỗ trợ nào trong kỳ thi này. Thời gian làm bài rất ngắn, thí sinh nên tập trung làm bài vì muốn gian lận cũng không thể gian lận được" - Thứ trưởng nhấn mạnh.

"Em chọn bài thi KHXH để xét tốt nghiệp. Em rất thích thú với hình thức thi trắc nghiệm ở bài thi này vì thi trắc nghiệm tổng hợp nhiều kiến thức, câu hỏi trong đề thi rộng hơn nên mỗi thí sinh không thể "học tủ" cũng như quay cóp được" - Minh Hồng cho biết.

Tuy nhiên, Hồng cũng tỏ ra khá lo lắng vì thời gian làm bài thi rất ngắn, Ngữ văn 120 phút, Toán 90 phút, Ngoại ngữ 60 phút, các môn còn lại 50 phút sẽ không đủ thời gian để làm bài.

Lo giám thị coi thi không... công bằng

Lần đầu tiên kỳ thi được giao về các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì nên nhiều thí sinh và phụ huynh có tâm lý lo sợ giám thị coi thi không... công bằng sẽ làm sai lệch kết quả của kỳ thi có ý nghĩa "2 trong 1 này".

Thí sinh Kim Tú Bình, cựu học sinh lớp Chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho biết, em khá tự tin bươc vào kỳ thi vì đã ôn chắc kiến thức được 80-90%. Nhưng đứng trước kỳ thi lớn em vẫn không khỏi hồi họp, lo lắng.

Nhiều phụ huynh lo lắng nghỉ việc ngồi chờ con bước vào kỳ thi quan trọng sau 12 năm đèn sách. Ảnh: HH

Tú Bình cho biết, kỳ thi năm nay vừa để xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển ĐH, CĐ, nhưng lại được giao về cho các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Vì vậy, rất dễ xảy ra hiện tượng, "nơi coi lỏng, nơi coi chặt", như vậy sẽ ảnh hưởng đến kết quả của kỳ thi, tạo ra sự không công bằng giữa các thí sinh và các địa phương.

"Em mong muốn, kỳ thi được tổ chức chuyên nghiệp, giám thị coi thi chặt chẽ, công tâm, để tạo công bằng giữa các thí sinh" - Tú Bình bày tỏ.

Đưa con đi thi, bác Nguyễn Văn Thể (xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội) bày tỏ: Nhà bố mẹ đều làm nông, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, để có tiền cho con đi thi, gia đình đã phải dành dụm gần 1 năm trời.

Nhà cách trường thi 7km, 2 bố con đã phải đi từ rất sớm để tránh tắc đường. Với cách tổ chức năm nay, có thuận lợi hơn thí sinh và người nhà là không phải đi lại xa, đỡ tốn kém, nhưng nó cũng gây ra áp lức lớn hơn cho thí sinh nếu trượt là trượt "cả 2".

Hải Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/hon-866-nghin-thi-sinh-bat-dau-vuot-vu-mon_t114c8n120599