Hơn 80.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, Bộ Y tế họp khẩn

THCL - Trước diễn biến bệnh dịch sốt xuất huyết quá phức tạp tại Hà Nội. Chiều ngày 10/8, Bộ Y tế có họp khẩn với đơn vị liên quan nhằm tăng cường đáp ứng phòng chống dịch.

THCL - Trước diễn biến bệnh dịch sốt xuất huyết quá phức tạp tại Hà Nội. Chiều ngày 10/8, Bộ Y tế có họp khẩn với đơn vị liên quan nhằm tăng cường đáp ứng phòng chống dịch.

Theo số liệu báo cáo từ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế tại cuộc họp, hiện trên cả nước có hơn 80.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó đã có 22 ca tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc đã tăng 33%. Nếu tính theo số ca mắc tuyệt đối, Hà Nội đứng thứ 2 trên cả nước, chỉ sau TP.HCM.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, từ trước tới nay, tỉ lệ mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội là thấp nhất cả nước. Nhưng trong những tuần gần đây, số bệnh nhân sốt xuất huyết lại có xu hướng tăng lên, khiến các bệnh viện quá tải nghiêm trọng.

Tính đến 09/8/2017, toàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 1.538 ổ dịch, tổng số bệnh trong ổ dịch là 3.580 bệnh nhân (chiếm 25.6%); trong đó hầu hết là các ổ dịch nhỏ, cụ thể: 1191 ổ (77%) có 1-2 bệnh nhân; 272 ổ (18%) có 3-5 bệnh nhân; 50 ổ (3%) có 6 - 10 bệnh nhân; 25 ổ có trên 10 bệnh nhân. Hiện tại còn 285 ổ dịch chưa kết thúc, phân bố chủ yếu tại Đống Đa và Hoàng Mai.

Trước tình trạng ra tăng bất thường số người mắc sốt xuất huyết, Bộ trưởng Tiến chất vấn các đơn vị: “Những người mắc bệnh sốt xuất huyết đa số sẽ tự khỏi bệnh, không cần điều trị gì, chỉ cần uống thuốc hạ sốt, uống nhiều nước orezone là tự khỏi. Nhưng tại sao vẫn để tình trạng quá tải xảy ra tại các bệnh viện? Để bệnh nhân phải nằm ghép, nằm ngoài hành lang, thậm chí là trong phòng họp”?

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã cho họp khẩn nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch

Đối với Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đặt ra đúng vấn đề mà người dân đang quan tâm: Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội cao nhất miền Bắc vì nhiều người mắc, số nhập viện nằm quá tải ở các BV tuyến cuối. Tại sao quyết liệt mà vẫn mắc nhiều, áp dụng hết các bài rồi mà không dập được, số lượng mắc không khống chế được. Tại sao vẫn để tình trạng quá tải? Tại sao nỗ lực nhiều nhưng không giải quyết được? Để giảm số mắc và khống chế tối đa tử vong, phải làm thế nào?

Trả lời Bộ trưởng, Phó Giám Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, số ca mắc là 13.275 trường hợp, tử vong 7 ca. Gần đây vẫn tăng, cứ tuần sau lại cao hơn tuần trước, chưa có dấu hiệu giảm. Các biện pháp làm rất đầy đủ, đã kiểm tra, phối hợp với ban ngành đầy đủ nhưng vẫn gia tăng, lý do có yếu tố khách quan và chủ quan.

Trước những thông tin trên, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, phải thay đổi phương pháp phòng chống dịch, phải tiến hành 'chiến dịch phun'. Lập ngay bản đồ khu vực dịch, cử người vào phun ở tất cả khu chợ, bệnh viện, trường học, khu lán trại, nhà trọ, công trình, nhưng nơi là ổ dịch bệnh.

Bộ trưởng cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội phải lập tức huy động thêm 20 xe lắp máy phun để phun thuốc trên toàn bộ địa bàn thành phố, nhưng nơi đang là ổ dịch, kể cả nhưng nơi đang có nguy cơ. Sở Y tế và các bệnh viện phải lập tức di chuyển người bệnh ra các bệnh viện vệ tinh xung quanh, không được để cho bệnh nhân phải tiếp tục nằm ghép.

Ngọc Linh

Nguồn TH&CL: http://thuonghieucongluan.com.vn/hon-80-000-truong-hop-mac-sot-xuat-huyet-bo-y-te-hop-khan-a40813.html