Hơn 300.000 học sinh chọn Lịch sử thi THPT quốc gia: Vừa mừng vừa lo

Theo thạc sĩ Trần Trung Hiếu, nhiều thí sinh lựa chọn thi Lịch sử không đồng nghĩa việc các em giỏi và yêu thích bộ môn này.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT ngày 17/4, tỷ lệ thí sinh chọn bài thi Khoa học Xã hội tăng vọt, cao hơn so với chọn môn Khoa học Tự nhiên.

Cụ thể, môn Lịch sử được thí sinh lựa chọn nhiều nhất (350.236 thí sinh), tiếp đến là Địa lý (346.648), Giáo dục công dân (307.234), Hóa học (290.492), Vật lý (289.224), Sinh học (285.278).

Như vậy, lần đầu tiên Lịch sử được xếp vào môn thi có nhiều thí sinh lựa chọn nhất. Trước đó, năm 2015, chỉ 15,3% tổng số em đăng ký dự thi Lịch sử, thấp nhất trong số các môn tự chọn trong kỳ thi THPT quốc gia. Năm 2016, nhiều hội đồng thi trắng thí sinh chọn Lịch sử.

Tín hiệu vui

Theo cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên dạy Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) - số liệu thí sinh chọn môn này tăng cao cho thấy một số tín hiệu vui.

Thứ nhất, học sinh chưa quay lưng với môn Lịch sử, thể hiện sự quan tâm đến lịch sử của đất nước.

Cô Huyền Thảo - giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM. Ảnh: NVCC.

Thứ hai, nhiều năm qua, việc dạy và học Lịch sử rất nặng nề với phương pháp học thuộc lòng dễ gây nhàm chán. Chưa kể đến việc, học sinh thi Sử sẽ được quản lý dưới barem chấm điểm chung, các em làm không như đáp án dẫn đến điểm số thấp. Vì vậy, nhiều bạn trẻ quay lưng với môn học này, bởi suy cho cùng các em mong muốn thi cử đạt kết quả cao.

Cô Huyền Thảo khẳng định năm 2017, việc chuyển đổi hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm ảnh hưởng lớn việc nhiều thí sinh chọn Lịch sử. Với hình thức trắc nghiệm, các em không phải học thuộc lòng mà cần hiểu vấn đề, biết phân tích, suy luận. Quan trọng hơn, các em có thể tự học, tự đọc và tự ôn tập.

Bên cạnh đó, việc thi bằng hình thức trắc nghiệm hiện khá phổ biến ở nước ta nên ít nhiều các em đã có kinh nghiệm.

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu - giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu - cũng đồng tình tỷ lệ thí sinh chọn Lịch sử nhiều là tín hiệu đáng mừng.

Lý giải về điều này, thầy Hiếu cho rằng phần lớn nguyên nhân thí sinh chọn Lịch sử do chuyển hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm. Học sinh có tâm lý dễ "ăn" điểm hơn, tránh nguy cơ bị điểm liệt.

Đồng thời, môn Lịch sử thuộc tổ hợp Khoa học Xã hội (cùng với Địa lý và Khoa học Xã hội) nên thí sinh chọn môn này là cách chọn “ăn theo”.

Thầy Đào Tuấn Đạt - hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh, Hà Nội - chia sẻ: Nhiều thí sinh không dám mạo hiểm với tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên gồm (Vật lý, Hóa học, Sinh học) nên đành đi “đường vòng” bằng cách chọn tổ hợp Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân) để đỗ tốt nghiệp trước, đại học tính sau.

Trước đó, trong năm 2015-2016, trường THPT Anhxtanh không có thí sinh nào lựa chọn môn Lịch sử. Năm 2014, nhà trường có duy nhất một thí sinh chọn môn thi này.

13 trường đại học có nhiều hồ sơ đăng ký xét tuyển tính đến ngày 16/4. Đồ họa: Nguyễn Sương.

Thi Lịch sử là phương án an toàn

Tuy nhiên, theo thầy Trần Trung Hiếu, nhiều thí sinh chọn Lịch sử cũng là điều đáng lo. Bởi, số lượng thí sinh chọn nhiều môn Lịch sử không tương xứng việc dạy và học môn này tốt hơn, không đồng nghĩa việc thí sinh yêu Lịch sử hơn. Cách lựa chọn này mang tính chất thực dụng, chỉ phục vụ thi cử.

“Nếu trước kia học sinh học gì thi đó thì nay tâm lý chung là thi gì học đấy. Bởi, hình thức thi cử luôn được thay đổi qua mỗi năm. Một mặt, cách suy nghĩ này sẽ khiến các em học vẹt, học nông, ra khỏi phòng thi là quên ngay kiến thức. Mặt khác, đây là lựa chọn an toàn cho những thí sinh có học lực trung bình và trên mức trung bình", thầy Hiếu nhận định.

Thầy Trần Trung Hiếu cho rằng thí sinh phải nắm chắc kiến thức, có kỹ năng làm bài tốt, nhanh khi trả lời 40 câu trong vòng 50 phút.

Quyên Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hon-300000-hoc-sinh-chon-lich-su-thi-thpt-quoc-gia-vua-mung-vua-lo-post738544.html