Hơn 24.500 bài báo khoa học được công bố quốc tế

Lần đầu tiên Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã thống kê được gần 24.500 bài báo khoa học hoặc công trình khoa học công bố đăng trên các ấn phẩm khoa học quốc tế uy tín của các tân Giáo sư và Phó giáo sư (GS, PGS) năm 2016.

Đây không đơn thuần là các bài viết khoa học của các tác giả mà là minh chứng thuyết phục nhất về những đóng góp trong nghiên cứu khoa học và cho đất nước của các GS, PGS

Theo công bố quốc tế ISI, Scopus ở 28 Hội đồng chức danh giáo sư ngành/ liên ngành (HĐCDGSN/LN) của 703 tân GS, PGS năm nay cho thấy đã công bố 24.446 bài báo khoa học, trong đó có 278 ứng viên công bố 2.413 bài báo ISI, Scopus. Đây là sự cố gắng phấn đấu vượt bậc của các ứng viên theo yêu cầu gắt gao của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN).

Bộ trưởng Bộ GD ĐT (trái) và Tổng thư ký HĐCDGSNN (phải) trao chứng nhận cho các cá nhân được nhận danh hiệu GS, PGS năm 2016.

Bộ trưởng Bộ GD ĐT (trái) và Tổng thư ký HĐCDGSNN (phải) trao chứng nhận cho các cá nhân được nhận danh hiệu GS, PGS năm 2016.

Cụ thể, trong 28 Hội đồng ngành (HĐN) có 100% ứng viên GS và PGS đều có bài báo ISI, Scopus là ngành Cơ học và Vật lý; có 10 HĐN có 100% ứng viên GS có bài báo ISI, Scopus là ngành Chăn nuôi-Thú y-Thủy sản; Cơ học; Điện-Điện tử-Tự động hóa; Hóa học-CNTP; KHTĐ-Mỏ; Luyện kim; Nông nghiệp-Lâm nghiệp; Sinh học; Sử học-Khảo cổ học-Dân tộc học và Vật lý. Có 4 HĐN có 100% ứng viên PGS có bài báo ISI, Scopus là ngành Cơ học; CNTT; Toán học và Vật lý. Như vậy, HĐN có số bài báo ISI, Scopus nhiều nhất là là ngành Vật lý với 537 bài và ngành Hóa học-CNTP có 509 bài. Đáng chú ý, vẫn có 2 trên 28 HĐN không có công bố quốc tế nào.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, số GS, PGS của nước ta so với thế giới còn khiêm tốn, chất lượng đội ngũ còn phải tiếp tục phấn đấu. Việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2016 đã tiếp tục góp phần quan trọng để nâng cao cả số lượng và chất lượng đội ngũ trí thức và giảng viên đại học, thúc đẩy việc công bố công trình khoa học trên các tạp chí có uy tín trên thế giới và đưa các sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội. Đồng thời, đây cũng là điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm các chức danh này vào các vị trí công tác trên cơ sở chiến lược phát triển đội ngũ, cơ cấu và nhu cầu nhân lực của đơn vị.

Nói về tầm quan trọng của việc công bố, đăng bài về các công trình, nghiên cứu khoa học trên các báo và tạp chí khoa học quốc tế, GS Trần Văn Nhung trong bài phát biểu tại Lễ trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2016 đã đặt vấn đề: “Thử hỏi trong những thời khắc thử thách khốc liệt trên biển Đông, chúng ta đã có được bao nhiêu bài báo khoa học và bao nhiêu bài viết đại chúng bằng tiếng Anh trên các diễn đàn khu vực và quốc tế để bảo vệ chân lý và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia?”.

Từ đó, GS Trần Văn Nhung cũng kêu gọi và khẳng định các GS, PGS của Việt Nam: “cần phải tăng cường công bố quốc tế vì sự phát triển, tăng uy tín để bảo vệ chủ quyền, an ninh tổ quốc. Đất nước đang trông đợi ở các GS, PGS. Học hàm, học vị là quan trọng nhưng không phải là tất cả. Bằng cấp, chức danh là sự ghi nhận nỗ lực của cá nhân từ ngày hôm qua. Bản thân bằng cấp, chức danh không sinh ra ý tưởng mới, không tạo ra giá trị mới thay cho chủ nhân của nó. HĐCDGSNN mong rằng các tân GS, PGS nghĩ về trọng trách của mình từ ngày hôm nay. Sau khi đạt chức danh ta sẽ làm gì, đó là mong mỏi, là kỳ vọng cao hơn của đất nước, của nhân dân”.

GS Trần Văn Nhung cũng cho rằng, Việt Nam còn có ít các nhóm nghiên cứu mạnh, ít các trường phái khoa học nổi tiếng. Đây là điểm yếu của các đại học và các viện nghiên cứu. Do đó các tân GS, PGS phải góp phần xây dựng được môi trường học thuật cho văn hóa tiến bộ.

K.Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hon-24500-bai-bao-khoa-hoc-duoc-cong-bo-quoc-te-45011.html