Hơn 100 ngày nhậm chức của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và những kỳ vọng

Suốt hơn 3 tháng qua, với nhiều sự kiện chính trị, xã hội, ngoại giao nóng bỏng của cả nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có nhiều quan điểm, chỉ đạo quan trọng về lãnh thổ quốc gia, công tác phòng chống tham nhũng, tổ chức cán bộ.

Đặc biệt, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, ông luôn để lại ấn tượng bằng những phát ngôn sắc sảo, tấn công trực diện vào tệ nạn quan liêu, tham nhũng và tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

100 ngày nhậm chức của Đại tướng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang để lại nhiều dấu ấn

CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐẠI QUANG ĐÃ LÀM GÌ SAU KHI NHẬM CHỨC?

Ngày :4/4 - 2 ngày sau nhậm chức

Việc cơ quan chức năng Việt Nam chỉ cấp thị thực cho công dân Mỹ nhập cảnh 3 tháng (theo Luật Xuất, Nhập cảnh 2014) từ lâu đã gây nhiều khó khăn cho việc đi lại giao thương giữa công dân hai nước, đặc biệt là kiều bào ta ở Mỹ. Trước thực trạng này, trên cương vị là người có quan hệ trực tiếp với các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trực tiếp đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn “Công hàm thỏa thuận về cấp thị thực 1 năm cho công dân Mỹ”. Quốc hội Việt Nam rất tán thành và đã đồng ý với đề nghị này. Quyết định này không chỉ là tin vui cho kiều bào ta sống tại Mỹ mà còn mở ra cơ hội rất tốt để chúng ta thực hiện chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Ngày 15/4 - 13 ngày sau nhậm chức

Ngày 2/4 Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa tuyên thệ nhậm chức, thì đến ngày 15/4 Chủ tịch nước đã tiến hành bàn giao công tác cho tân Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm để tiếp nhận trọng trách lớn hơn ở vai trò nguyên thủ quốc gia. Chủ tịch nước bắt tay ngay vào công việc trên hầu khắp các lĩnh vực từ đối nội, đối ngoại cho đến an ninh quốc phòng.

Ngày 29/4 - 27 ngày sau nhậm chức

Chủ tịch nước đến thăm và làm việc với cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5. Chủ tịch nước lưu ý thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, bất trắc, khó lường. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”...Do đó, nhiệm vụ quốc phòng đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi lực lượng Quân đội Nhân dân nói chung, trong đó có lực lượng vũ trang Quân khu 5 phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an và các đơn vị liên quan tập trung xây dựng các tỉnh, huyện trên địa bàn thành khu vực phòng thủ cơ bản, liên hoàn, vững chắc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Ngày 12/5 - 41 ngày sau nhậm chức

Suốt 3 ngày liền (Từ 9 - 12/5), Chủ tịch nước dành trọn thời gian đến tiếp xúc cử tri các quận 1, 3, 4, TP.Hồ Chí Minh để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước luôn để lại ấn tượng bằng những phát ngôn sắc sảo, tấn công trực diện vào vấn nạn quan liêu, giặc nội xâm (tham nhũng) và tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc như: Phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân là mục đích tối thượng; Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển phải bảo vệ, hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; Kiên quyết đấu tranh ngoại giao với những tàu nước ngoài tấn công phá hoại ngư dân và xâm hại chủ quyền quốc gia; Sẽ chú trọng xây dựng các hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể thích hợp để Nhân dân bày tỏ chính kiến và thực hiện quyền làm chủ của mình; Dù ở bất cứ cương vị nào, trước hết hãy là công dân tốt, đảng viên gương mẫu, kiên quyết chống lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.

Ngày 18/5 - 47 ngày sau nhậm chức

Chủ tịch nước đến thăm và nói chuyện với các giáo sư, viện sĩ, cán bộ nhân viên của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nhân kỷ niệm ngày Khoa học Việt Nam 18/5. Để lắng nghe những đề xuất, kiến nghị, hiến kế từ các nhà khoa học tâm huyết cho tiền đồ phát triển đất nước. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, coi đây là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 23/5 - 52 ngày sau nhậm chức

Chủ tịch nước đại diện cho đất nước chủ trì đón tiếp, hội đàm về những vấn đề lớn của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ với Tổng thống Barack Obama nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của người đứng đầu Nhà Trắng. Tuyên bố “Hoa Kỳ xóa bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam” được phát đi ngay sau buổi hội đàm được đánh giá là dấu mốc rất quan trọng cho quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Nó cũng khẳng định giữa Hoa Kỳ và Việt Nam không còn mâu thuẫn lợi ích chiến lược, mà ngược lại, có sự tương đồng rộng lớn về lợi ích chiến lược. Và Chủ tịch nước Trần Đại Quang được truyền thông quốc tế lớn đánh giá đã nắm bắt cơ hội để đưa quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ sang một kỷ nguyên mới. Chủ tịch nước Trần Đại Quang ca ngợi việc mở rộng quan hệ hợp tác thương mại và an ninh giữa “những kẻ thù cũ đã trở thành bạn” và kêu gọi Mỹ đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam. Thông điệp này đã được truyền đi thế giới trong sự đón nhận và quan tâm của rất nhiều quốc gia.

Ngày 16/6 - 73 ngày sau nhậm chức

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thực hiện hoạt động đối ngoại đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước với chuyến thăm và làm việc tới Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia. Trong 5 ngày (Từ 12 – 16/6) thăm Lào và Campuchia, Chủ tịch nước đã có các cuộc hội đàm, hội kiến quan trong với lãnh đạo hai nước và nhiều hoạt động khác trải kín lịch trình. Những kết quả đạt được trong chuyến thăm có ý nghĩa hết sức to lớn đối với quan hệ giữa ta với Lào và Campuchia. Tạo cơ sở vững chắc để đưa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa ta với Lào và mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia lên một tầm cao mới.

Ngày 23/6 - 80 ngày sau nhậm chức

Chủ tịch nước gặp đại biểu các doanh nghiệp, doanh nhân tham dự Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt: Kết nối và hội nhập trong kỷ nguyên FTA thế hệ mới” để lắng nghe những đề xuất, kiến nghị, hiến kế từ các doanh nghiệp, doanh nhân tâm huyết cho tiền đồ phát triển kinh tế đất nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ rõ, hội nhập quốc tế và tham gia các FTA thế hệ mới với mức độ tự do hóa sâu, phạm vi rộng với các đối tác thương mại hàng đầu thế giới đã mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời đề nghị, các bộ, ngành chức năng, cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh việc tham gia các thể chế thương mại-tài chính-tiền tệ khu vực và toàn cầu; xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, có đủ năng lực, trình độ để tham gia tích cực vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu…

Ngày 27/6 - 84 ngày sau nhậm chức

Chủ tịch nước thăm và làm việc tại Bình Định và Phú Yên từ ngày 26 – 27/6. Ông dành trọn buổi sáng 26/6 để đến thăm và kiểm tra công tác huấn luyện tại Trung đoàn Không quân 925 (Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không – Không quân) đóng tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Đây là trung đoàn có nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Trong bối cảnh chủ quyền đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức mới, Chủ tịch nước đặc biệt căn dặn, Lực lượng Không quân nói chung, Trung đoàn Không quân 925 nói riêng phải chuẩn bị tốt về mọi mặt, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong bất cứ tình huống nào. Tại Phú Yên sáng 27/6, Chủ tịch nước xuống tận các tàu cá để kiểm tra tình hình đời sống, đồng thời lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con ngư dân Làng chài Phú Thọ 3. Trước những kiến nghị của bà con ngư dân, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh cần tổ chức lại sản xuất, thành lập thêm nhiều tổ liên kết sản xuất, thành lập các nghiệp đoàn, hợp tác xã… giúp bà con trang bị tàu, thuyền hiện đại để đánh bắt xa bờ. Lo lắng trước việc còn nhiều tai nạn, rủi ro xảy ra với ngư dân trên biển, Chủ tịch nước yêu cầu Lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng Phú Yên tổ chức tập huấn, trang bị cho ngư dân những kiến thức, kinh nghiệm để đối phó với những tình huống xấu.

Ngày 14/7 - 100 ngày sau nhậm chức

Trước thực tiễn ở Việt Nam, gây bạo loạn lật đổ là một âm mưu rất nguy hiểm đã, đang được các thế lực thù địch, phản động lợi dụng. Thời gian qua, lợi dụng các vấn đề “nóng” của đời sống xã hội và tình hình căng thẳng leo thang ở biển Đông, lực lượng phản động bên ngoài biên giới đã câu kết với các phần tử cực đoan chính trị trong nước, ráo riết lợi dụng công nghệ thông tin, nhất là mạng xã hội để xuyên tạc, kích động, lôi kéo người dân tụ tập, biểu tình chống Đảng, Nhà nước. Bản chất của cái gọi là “tinh thần yêu nước” do Việt Tân và lực lượng phản động lưu vong kích động là thủ đoạn đánh vào lòng tin của nhân dân nhằm thực hiện mưu đồ gây rối loạn chính trị, khi thời cơ chín muồi thì kết hợp vũ trang lật đổ chế độ. Tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Quán triệt, thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng về bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong giai đoạn hiện nay”, Chủ tịch nước đặc biệt đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu phản bác có căn cứ khoa học những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang.

Ngày 16/7 - 102 ngày sau nhậm chức

Trước thực trạng tội phạm tham nhũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, điều tra được đã khó thu hồi tài sản tham nhũng càng khó gấp bội, điều này đã gây thất thoát lớn đối với ngân sách, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế đất nước. Nhân dịp tham dự Lễ kỷ niệm 70 ngày truyền thống thi hành án dân sự (19/7/1946 – 19/7/2016) và đón nhận Huân chương lao động hạng nhất. Chủ tịch nước nhấn mạnh yêu cầu: “Thi hành án dân sự phải xây dựng và thực hiện các giải pháp giảm số lượng án tồn đọng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của hệ thống pháp luật và cơ quan tư pháp”.

CHỦ TỊCH NƯỚC TRONG MẮT CÁC VỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

CÁC VỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NÓI VỀ CHỦ TỊCH NƯỚC, ĐẠI TƯỚNG TRẦN ĐẠI QUANG

Có thể nói, hơn 100 ngày nhậm chức của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là hơn 100 ngày của niềm tin được xác lập, hơn 100 ngày nỗ lực đổi mới hoạt động chỉ đạo. Con đường phía trước còn rất dài, rất gian nan nhưng chúng ta có quyền tin tưởng vào một Chủ tịch nước sâu sát, mạnh mẽ, quyết liệt, hết lòng cùng các cộng sự phụng sự đất nước và Nhân dân.

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi-su/hon-100-ngay-nham-chuc-cua-chu-tich-nuoc-tran-dai-quang-va-nhung-ky-vong-203370.html