Hơn 100 cây xanh đường Kim Mã đã trơ cành

Sau hơn 1 tuần bắt tay vào tiếp tục cắt tỉa, hạ tán và di dời 109 cây xanh ở đường Kim Mã, công việc cơ bản đã hoàn tất. Dự kiến đến cuối tháng 11 sẽ hoàn thành di dời số cây xanh này và bàn giao mặt bằng cho dự án đường sắt trên cao.

Sáng 11/10, sau thời gian bơm thuốc, kích thích bộ rễ hàng cây cổ thụ trên đường Kim Mã, công nhân của công ty cổ phần Beepro tiếp tục cắt tỉa, dịch chuyển 106 cây xanh, chặt hạ 2 cây đã chết và cắt tỉa 1 cây.

Ông Trần Nam Mừng (Phó Tổng giám đốc Công ty Beepro) cho biết: “Đến nay, phần cắt tỉa cơ bản đã xong, chỉ còn một vài cây do vướng đường dây điện. Ngày 18/10 lực lượng điện lực mới đến hỗ trợ, tháo dỡ cho anh em làm tiếp”.

Cây đa trước đền Voi Phục không cần di chuyển vì nằm trong khúc cua, không ảnh hưởng đến việc thi công tuyến đường sắt.

Khu vực cây di dời được quây lại

Để xây dựng dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn – Ga Hà Nội, 109 cây xanh ở đoạn từ đối diện ngõ 575 Kim Mã đến đền Voi Phục sẽ được tỉa hết cành lá, bứng gốc chuyển đến vườn ươm Văn Giang (Hưng Yên) để chăm sóc thay vì chặt hạ.

Giai đoạn đầu tập trung vào cắt tỉa cành, hạ tán

Trong giai đoạn đầu sẽ thực hiện cắt tỉa là chính. Dự kiến từ 7-10 ngày sẽ hoàn tất việc tỉa cành, hạ tán 106 cây xanh.

Theo tiến độ thi công trung bình mỗi ngày di chuyển được 5-6 cây về vườn ươm, trong đó có 2-3 cây xà cừ.

Những gốc cây được đào sẵn, chờ đánh lên, di chuyển về vườn ươm

Vào ban ngày (từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều) sẽ thực hiện cắt tỉa tán cây, thu dọn hiện trường. Từ sau 9 giờ tối đến khoảng 5 giờ sáng, khi các phương tiện vận tải đã vãn, đơn vị thi công sẽ tiến hành đào quanh gốc, bứng cây lên và dùng cẩu chuyển về vườn ươm.

Đội thi công điều phối giao thông trong khi cắt tỉa cành cây

Mỗi cây xà cừ cỡ lớn cần 2-3 ngày để đánh chuyển. Trong số 106 cây xanh được quyết định di dời, nằm trên tuyến đường Kim Mã có 24 cây xà cừ cổ thụ đường kính từ 40 – 100cm.

Dọn dẹp hiện trường mỗi khi tỉa cành

Tổng cộng lực lượng thi công và lực lượng hỗ trợ lên tới 60 người, trong đó chia thành nhiều tổ. Mỗi tổ đội có 4 người, đảm nhận một trọng trách chuyên biệt: điều phối giao thông, giữ gìn an ninh trật tự, đào bới đất, chuyên về bộ rễ, cắt tỉa, hay vận chuyển, dọn dẹp.

“Thường sẽ có 2 đội làm ca tối. Một đội chuyên dọn dẹp, chuyển cây đi, Một đội bới gốc, đào đất. Đã có 7-8 cây bới gốc đào đất sẵn rồi. Lẽ ra đêm 17/10 đã chuyển đi 3 gốc cây nhưng thấy đài báo bão đổ bộ vào đất liên nên phải tạm dừng, đợi bão tan mới tiếp tục” – ông Mừng thông tin.

Người thợ này được mệnh danh là “người nhện” vì giỏi leo trèo và thành thạo trong việc tỉa tán hạ cành

Theo ông Mừng, tính từ ngày 11/10, quá trình cắt tỉa, di chuyển cây được thực hiện trong 40 ngày. Khoảng cuối tháng 11 sẽ hoàn tất công việc, sau đó sẽ tiến hành bàn giao lại mặt bằng cho bên dự án đường sắt trên cao.

Tỉ lệ cây sống sót sau khi di dời theo cam kết của Công ty Beepro với UBND TP Hà Nội là 80%. “Nhiều người chưa có niềm tin sẽ cứu được cây xanh, nên có họ tỏ ra tiếc nuối. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nỗ lực chứng minh và thực hiện theo cam kết với UBND Tp Hà Nội” – ông Mừng thông tin.

Cắt nhỏ tán, cành cây để tiện thu dọn

Theo ông Mừng, nếu di chuyển những cây ở ngoài vùng đô thị, khu vực dân cư, tỉ lệ sống sót của cây có thể hơn 90%. Nhưng do chưa nắm rõ vấn đề bộ rễ của tuyến cây ở Kim Mã, sợ rằng trong những lần cải tạo, xây dựng các đường ngầm có thể làm tổn hại đến bộ rễ nên công ty không dám cam kết nhiều.

Để đảm bảo cho cây sống sót ở tỷ lệ cao nhất, đơn vị thi công cần áp dụng rất nhiều kỹ thuật, như: chăm sóc bộ rễ, dùng hóa chất hay thuốc hỗ trợ phát sinh rễ. Trước khi đào sẽ phải tưới gốc bằng cách bơm thuốc kích thích vào rễ. Đến khi bứng, nhổ cây lên khỏi mặt đất, công việc chăm sóc bộ rễ cũng được tiếp tục.

Thu dọn hiện trường

Những cây xanh được di dời đến vườn ươm, nếu sau dự án tuyến đường sắt đô thị, không gian hạ tầng cho phép thì sẽ chuyển cây về chỗ cũ. Nếu không UBND Tp Hà Nội sẽ quyết định đưa những cây này về trồng trên một số tuyến đường trên địa bàn thành phố.

Với những cây xà cừ cổ thụ, nếu sống sót sau khi dịch chuyển thì có thể bắt đầu cho bóng mát sau 1 năm. “Và chỉ 2 năm sau thôi, tất cả những cây này lại đem bóng mát trở lại” – ông Mừng khẳng định.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-khong-gian-song/hon-100-cay-xanh-duong-kim-ma-da-tro-canh