'Hôm nay con đưa tôi lên chùa ở cho khỏe'...

Cơ thể ông thì suy sụp theo từng giờ từng ngày nhưng đầu óc ông vẫn minh mẫn lắm. Ông hiểu các con ông lắm. Và ông giận chính mình.

1. Ông ngồi trầm ngâm bên cánh võng. Thằng cháu nội vừa tuổi thôi nôi đang say nồng giấc trưa. Ngõ vắng hoe. Cô hàng xóm thả bầy chó cho bọn chúng chạy mấy vòng tắm nắng. Một đám chó được cưng kỹ nên ngoan lắm vì nghe được hết cả tiếng người. Đến sáu con mà con nào cũng có tên, cùng một vần. Nào là: Bơ, Be, Bờm, Bíp, Bóng và Bát chùm. À à, “thằng” nhỏ nhất đặc biệt tên được hai chữ cơ đấy. Chẳng đứa nào nhầm lẫn tên đứa nào, thiệt hay! Thế đấy, có người nuôi chó bằng cả tấm tình, chăm đủ bữa, tắm táp, đi chơi hằng ngày... Nếu lỡ có con nào “làm xấu” giữa hẻm thì chủ của nó dọn ngay, chẳng chút hằn học.

Ảnh minh họa

Nhìn đám chó hạnh phúc, ông nghe đau buốt lòng mình. Ông có năm con. Năm đứa con của ông không giàu nứt đố đổ vách nhưng cũng chẳng đứa nào khó nghèo. Chỉ có điều, năm trong số họ, chẳng có ai bận lòng vì ông - người đã đẻ ra chúng nó, vất vả nuôi nấng từ lọt lòng cho đến trưởng thành. Gẫm lại, tuy không thuộc hàng dư dả nhưng ông chẳng khi nào để các con phải thiếu đói.

Thằng Cả năm nay trên 50 tuổi, nông dân chân đất nhưng sống vững với ruộng vườn, đám con nó cũng có đứa đã lập gia đình sinh con đẻ cái. Thằng Hai thì ở cùng ông đây. Căn nhà ông đương ở nhờ là của vợ chồng nó. Gọi là ở nhờ vì đấy là nhà của bên vợ nó để cho.

Tại nó muốn ở thành phố để theo nghề tài xế taxi chứ ở quê nó cũng có nhà cửa đàng hoàng, đâu cần nhờ bên vợ. Nhưng vợ nó bàn, bán đi góp vốn lên Sài Gòn làm ăn. Hằng ngày thằng Hai chạy xe, còn vợ nó về bên ngoại phụ mua bán. Thế là ông được việc: Ở nhà trông coi thằng cháu nội. Thì thế, ở đâu cũng phải tay làm hàm nhai để ăn hột cơm của vợ chồng thằng Hai không áy náy. Con Ba, con Tư cũng lấy chồng Sài Gòn. Còn thằng Út đi bộ đội về được làm công nhân, đang lên kế hoạch lấy vợ. Nói chung năm đứa con ông đều có được cuộc sống ổn định.

Khi ông ở quê với vợ chồng thằng Cả, chẳng được bao lâu thì phát bệnh. Bác sĩ bảo ông mắc chứng xơ gan cổ trướng giai đoạn gần cuối và viết giấy chuyển ông lên bệnh viện chuyên khoa ở TP.HCM. Nói thì nghe dễ vậy chứ gần cả tháng trời ông nằm viện, vợ chồng thằng Cả không hề vác mặt vào. Mấy đứa cháu nội đem cơm cho ông được đôi ba bận rồi cũng biến mất. Ông đâu có tiền để tiếp tục điều trị như lời bác sĩ dặn, lại giận thằng Cả quá chừng nên ông trốn viện. Ông lên Sài Gòn bằng tiền xe đi... xin được mấy người nằm cùng phòng bệnh.

Lên Sài Gòn, ông tìm đến nhà con Ba, nghĩ rằng con gái tỉ mỉ hơn, không chừng được nó để mắt đến mình. Thấy cửa hàng bán gạo tấp nập của con Ba, ông mừng khấp khởi. Tưởng cuối cùng mình cũng có điểm dừng. Nào dè ở nhà nó chưa quá ba ngày, nó điện thoại gọi cho con Tư: “Bố là bố chung. Bố bệnh thì ai cũng phải lo. Mày thong dong hơn qua rước bố về chăm. Tao buôn bán cả ngày trời. Thằng chồng thì sáng say chiều xỉn, bố ở không được đâu”. Con Tư liền tức tốc chạy sang nhà chị, chỉ để sang sảng trả lời trước mặt bố: “Chị làm ra tiền mà còn không lo cho bố được huống chi tôi chỉ ở nhà nội trợ, sống nhờ đồng lương của chồng, lấy gì lo?”.

Ông biểu hai đứa con gái gọi điện cho thằng Út, dù sao nó cũng đang có đồng lương ổn định và đang tự do chưa ràng buộc vợ con. Nhưng thằng Út không thèm trả lời trả vốn gì. Rồi vợ thằng Hai taxi có ý nhờ ông về trông coi giùm thằng cháu nội, bởi tụi nó than tiền gửi trẻ hàng tháng bây giờ cao lắm. Cô con dâu này lại có tật lầm lì ít nói, không than phiền gì ông, nhưng cứ vào mâm cơm là mặt nặng như chì, ông không làm sao nuốt nổi miếng cơm.

Dâu, rể, con trai con gái, đứa nào cũng biết ông đang bệnh nặng, rất nặng nữa là khác, nhưng cũng chẳng ai lên tiếng câu nào. Lên Sài Gòn, tưởng được các con đưa đi chữa bệnh nhưng chuyện ăn ở đã khó, nói gì đến chuyện tiền nong thuốc thang.

2. Hơn ai hết ông nghe cơ thể của mình đang có chuyển biến. Biểu hiện của căn bệnh nan y giai đoạn cuối: Ông mệt liên tục, không bế nổi thằng bé. Da đen sạm, vàng mắt, đi tiểu không được. Hai tay chân ông sưng to như cột đình rồi nứt da, rồi chảy nước vàng liên tục. Đến cả cháo loãng ông cũng không húp nổi... Cô hàng xóm có bầy chó cưng thấy ông vậy hay qua lại hỏi thăm.

Ông nhờ tìm cho mình cây nha đam để sắc uống cho mát gan (việc này ông đã nói đôi lần với vợ thằng Hai, nó chẳng trả lời, cũng không làm). Vậy mà người dưng tìm giúp ông cây nha đam. Có ăn thua gì, bệnh ông nặng lắm rồi. Lại có bà hàng xóm tóc bạc trắng lớn tuổi hơn ông nhưng nom còn khỏe lắm nghe ông không tiểu được đã nhờ người tìm cho bằng được lá sa kê. Có sẵn lá sa kê nhưng ông không sắc nổi để uống.

Thấy bệnh tình tiến triển nhanh như thế, ngồi đâu, đứng đâu nước đọng đến đấy, tanh hôi vô kể nên vợ thằng Hai hết thương tiền mà đem con gửi nhà trẻ. Mà cái thằng Hai cũng lạ, vợ nó làm ngơ trước bệnh tình của ông đã đành, nó cũng vậy luôn. Còn cô hàng xóm có bầy chó cưng thì liên tục sang nhà giục ông đi bệnh viện: “Hay là con đưa bác đi nhà thương. Ở đó người ta sẽ có cách thông tiểu để tay chân đỡ sưng. Lỡ mệt quá còn có oxy để thở...”. Ông thì thào: “Cảm ơn cô, nhưng làm sao đi được...”.

Vợ chồng thằng Hai nghe tin hàng xóm đòi giúp đưa ông đi bệnh viện thì nổi cáu: “Bố đừng ra trước cửa nhà nữa đi. Miệng lưỡi thế gian biết đâu mà lường. Sao không nằm ở ghế bố, ngồi chi cho than mệt”.

Cơ thể ông thì suy sụp theo từng giờ từng ngày nhưng đầu óc ông vẫn minh mẫn lắm. Ông hiểu các con ông lắm. Và ông giận chính mình. Suốt từ sáng cho đến trưa ông cứ trằn trọc: mình đã làm gì sai trái với các con chăng? Hồi còn trẻ dại, ông có đôi lần vụng trộm lăng nhăng nhưng cơ bản ông vẫn sống với gia đình, vắt sức ra làm việc cho gia đình. Vợ ông cũng bạc mệnh. Ba năm trước ra sông giặt áo, sẩy chân chết đuối. Bây giờ ông lại muốn ra đi, quay trở lại bến sông để được gặp bà. Nhưng lực bất tòng tâm, ông hết đi nổi.

3. Một buổi sáng, nắng hanh vàng. Con ngõ vắng hoe. Lũ chó của cô hàng xóm lại chạy tung tăng tắm nắng. Ông lết ra cửa chào:

- Chào cô... Hôm nay con tôi đưa tôi lên chùa ở cho khỏe.

Cô hàng xóm ngạc nhiên:

- Ủa, bác như vậy sao không đi bệnh viện mà vô chùa? Chùa nào?

- Nghe nói chùa ở Tây Ninh.

- Bộ ở đó có bác sĩ chữa được bệnh của bác à? Ông lắc đầu thê thảm:

- Không biết.

Ông đi thật. Đi bằng taxi mà thằng con của ông đón. Bởi vợ nó không muốn để nó lấy xe nhà đưa ông đi. Bẩn! Thằng Út được giao nhiệm vụ chạy xe máy theo sau taxi. Tới Tây Ninh. Ấy là một ngôi chùa nhỏ nghèo nàn, nằm lọt thỏm giữa rẫy khoai mì. Nắng. Gió ghê gớm. Ông một mình xuống xe ôm bọc đồ nhỏ gói vào ba tấm áo quần, mò mẫm vào chùa. Vì chân sưng to quá nên không mang dép được, ông phải bước chân trần. Những kẽ thịt nứt toác ra chảy nước vàng nhầy nhụa lại đụng với gió bụi, cát sỏi bên đường khiến ông đau nhức tột cùng. Ông vừa đi vừa khóc. Có ai đó đang cứa mạnh vào trái tim ông. Tủi thân. Tức giận. Sợ hãi... Bao nhiêu cảm giác khiến ông mệt lả.

Thằng con út dừng xe từ xa xa ngó theo ông. Ông cũng ngoái đầu nhìn lại nó. Chợt thấy con mình xa lạ mông lung.

Rồi ông vấp té ở bậc tam cấp bước lên chánh điện. Nghe như ai bổ búa vào đầu. Đã đến lúc ông phải đi, về một nơi xa lắm, một nơi sẽ không có sự hiện diện của các con ông. Một nơi mà ông hy vọng sẽ được yên bình. Nhưng thực tế ông đang bị lũ ruồi đeo bám, chúng túa ra từ đám rẫy khoai mì khi đánh hơi mùi hôi tanh từ phía ông.

Thằng con út nổ máy xe khi nhìn thấy có mấy nhà sư lúp xúp chạy về phía bố mình.

Thế là nó an tâm quay về. Báo cáo với anh Hai đã hoàn thành nhiệm vụ.

Vỹ Tuyền

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/tam-su/hom-nay-con-dua-toi-len-chua-o-cho-khoe-81868/