Hôm nay, áp thấp nhiệt đới vào Nam Bộ

* Diêm dân, nhà vườn trồng hoa mai, dưa hấu, điều... lo lắng

Hồi 16 giờ cùng ngày, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 8,4 độ vĩ bắc; 109,5 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến Sóc Trăng khoảng 370 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, cấp 7 (từ 39 - 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9. Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km. Đến 4 giờ ngày 20.1, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 9,2 độ vĩ bắc; 107,6 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến Sóc Trăng khoảng 140 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (từ 39 - 49 km/giờ), giật cấp 7-8. Trong 12 giờ tiếp theo, ATNĐ tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km. Như vậy hôm nay (20.1), vùng trung tâm ATNĐ sẽ đi vào địa phận các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 20.1, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 10,1 độ vĩ bắc; 105,8 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ). Do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp với đới gió đông bắc hoạt động mạnh, nên vùng biển phía tây của khu vực nam biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Ngày 20.1, vùng ven biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau gió sẽ mạnh dần lên cấp 5, có nơi cấp 6, giật trên cấp 6. Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Các tỉnh ven biển trung và nam Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hoàn lưu của ATNĐ đã gây mưa trong suốt ngày hôm qua, từ trung Trung Bộ, Tây Nguyên đến Nam Bộ. Những nơi có mưa lớn như Ba Tơ (Quảng Ngãi), Đắk Lắk, Trị An (Đồng Nai), Trà Vinh... Dự báo mưa sẽ còn khả năng xảy ra trong 2-3 ngày tới. Trên biển, khu vực các đảo Huyền Trân, Phú Quý gió rất mạnh, sóng cao gần 5m (ở gần đảo Phú Quý) và có mưa lớn (đảo Huyền Trân có mưa 87 mm tính đến trưa hôm qua), rất nguy hiểm cho tàu thuyền. Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng Dự báo - Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ chiều hôm qua cho biết, trong lịch sử đã từng có ATNĐ và bão xuất hiện trong tháng 1, 2. Có những cơn từ ngoài khơi Philippines đi vào biển Đông; cũng có những cơn hình thành ở giữa hoặc nam biển Đông, nhưng thường "chết" ngay trên biển chứ ít khi đi vào đất liền, do vào thời kỳ này không khí lạnh tăng cường xuống, làm giảm năng lượng của ATNĐ, bão. Điều bất thường là trong những năm gần đây, ATNĐ xuất hiện vào tháng 1 thường xuyên hơn, như đã xảy ra vào các năm 2006, 2007, 2008 và nay là 2010. Bà Lan nhận định, nguyên nhân có thể do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, làm cho nhiệt độ không khí tăng, nhiệt độ trên biển tăng, là điều kiện để các nhiễu động nhiệt đới hình thành và phát triển thành ATNĐ, bão. Cũng thông tin từ thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, trong ngày hôm qua có rất nhiều nông dân, ngư dân đã gọi điện đến bày tỏ nỗi lo lắng về đợt mưa trái mùa do ảnh hưởng của ATNĐ này. Nhiều bà con lo cho những vườn mai đang chuẩn bị bán Tết gặp mưa sẽ bung nụ, nở sớm; người trồng dưa hấu Tết thì sợ dưa sẽ bị úng, thất mùa; còn nông dân miền Đông Nam Bộ thì "than trời" vì cây điều đang mùa ra hoa, kết trái gặp mưa sẽ rụng bông, đồng thời mưa cũng làm cho sâu và nấm bệnh có điều kiện phát triển. Mưa trái mùa cũng gây thiệt hại cho diêm dân, khi những ruộng muối đang trong giai đoạn kết tinh, chuẩn bị thu hoạch, bỗng chốc tan thành nước. ATNĐ xuất hiện vào thời điểm này cũng là điều bất ngờ đối với ngư dân đang ra khơi đánh bắt để kiếm thu nhập ăn Tết. Tuy nhiên, cũng có điểm lợi là ATNĐ mang đến những cơn mưa "vàng" cho những vùng đang bị khô hạn và giúp giảm nguy cơ cháy rừng. Mai Vọng

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201004/20100119230355.aspx