Hôm nay (17.11), Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội

Theo dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có 130 phút trả lời chất vấn trước Quốc hội vào sáng nay (17.11). Cụ thể là trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn với 4 vị Bộ trưởng trong ngày 2 ngày trước đó (15 - 16.11).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm rõ thêm các nội dung về giáo dục trước Quốc hội. Ảnh: Q.H

Trong ngày trả lời chất vấn thứ hai trước Quốc hội, hai bộ trưởng đã đăng đàn với hàng chục câu hỏi cho mỗi người. Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời hàng loạt vấn đề về cải cách giáo dục, đổi mới giáo dục toàn diện, đổi mới phương thức thi… Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề cập những sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ, xử lý cán bộ.

Thi trắc nghiệm là phù hợp

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn và liên tục nhận trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của bộ về những yếu kém của ngành giáo dục hiện nay.

Về tình trạng hiện 191.000 sinh viên ra trường không có việc làm, Bộ trưởng nêu rõ: Các em có việc làm hầu hết học từ các trường tốt, em thất nghiệp phần lớn rơi vào trường chất lượng yếu, trường mới thành lập. Giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, tới đây Bộ sẽ làm rất mạnh về chất lượng các trường đại học, trường mới mở, yếu kém thì làm thành phân hiệu hoặc trường thành viên của ĐH lớn. Bộ hướng tới hình thành mạng lưới và nhóm trường, nên ở quy mô vùng miền chứ không nên ở địa phương. Ngoài ra việc đào tạo chưa bám sát được nhu cầu thị trường lao động, công tác dự báo thị trường nhân lực chưa làm tốt, chương trình học chưa chú trọng kỹ năng thực tế, trải nghiệm. “Chất lượng xét về kiến thức không quá thấp, những kỹ năng như ngoại ngữ, công nghệ thông tin không đảm bảo. Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo điều chỉnh lại nội dung chương trình, nhưng chúng tôi chưa kiểm tra sát, sẽ tăng cường giám sát việc điều chỉnh này gắn với thị trường lao động”.

Về dạy thêm học thêm, Bộ trưởng cho rằng đây là là nhu cầu tự thân, nhưng chống dạy thêm học thêm tràn lan. Bộ trưởng đề nghị các địa phương và cơ sở giáo dục phải làm mạnh việc dạy thêm học thêm này. Nhưng giải pháp gốc là chỉnh lại chương trình cho gọn nhẹ. Bộ đang chỉ đạo rà soát lại chương trình SGK mới, những nội dung không nhất thiết, không phù hợp, trùng lặp để chương trình nhẹ hơn, hợp lý hơn. Bạo lực học đường là vấn đề bức xúc, có cả nguyên nhân của gia đình xã hội, nhưng ngành giáo dục nhận trách nhiệm đầu tiên. Bộ muốn đưa môn giáo dục công dân vào thi tốt nghiệp, bởi có thi thì mới họ, góp phần làm giảm bạo lực học đường. Bộ trưởng cho biết đã làm việc kỹ với giáo dạy môn này để có chương trình thiết thực, đào tạo giáo viên chuyên môn này, không kiêm nhiệm.

Giải trình thêm về vấn đề giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Phải đổi mới giáo dục đại học, trước hết là chú trọng kiểm định giáo dục đại học và kiểm định đầu ra. Tới đây sẽ có những trung tâm kiểm định giáo dục. Có trường đã kiểm định theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến. Mũi thứ hai là Chính phủ và Bộ chỉ đạo đẩy mạnh tự chủ giáo dục đại học, tự chủ cả chuyên môn, tài chính, nhân sự. Tự chủ không có nghĩa là Chính phủ cắt toàn bộ ngân sách cho các trường, mà là bớt can thiệp hành chính vào công việc nhà trường.

Phó Thủ tướng chia sẻ vấn đề thi cử làm xã hội bức xúc, vì ta có quá nhiều kỳ thi, hình thức, không trung thực, nhiều không cần thiết, thi đại học quá căng thẳng và phức tạp, nên sau khi căng thẳng vượt vũ môn thì có tâm lý buông lơi nên chất lượng học không tốt. Phó Thủ tướng ủng hộ việc Bộ Giáo dục tổ chức thi trắc nghiệm là phù hợp với mục đích đại trà, theo như kinh nghiệm của các nước, câu hỏi có chuẩn đánh giá chất lượng. Chính phủ đã yêu cầu Bộ ngay sau khi công bố kỳ thi thì ra ngay đề mẫu để mọi người biết, và sẽ 2 lần ra đề mẫu nữa để căn cứ vào dư luận điều chỉnh phù hợp.

“Tôi đã giao rồi và Bộ trưởng hứa ban hành sớm, không chỉ cho kỳ thi sang năm, mà cho những năm tới. Các phụ huynh học sinh có thể yên lòng theo dõi đề mẫu để đảm bảo thi khách quan trung thực nhẹ nhàng” - Phó Thủ tướng nói.

Không phải hưu là hết trách nhiệm

Với Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Đại biểu Hoàng Thanh Tùng, tỉnh Sóc Trăng đề nghị cho biết quan điểm về hình thức xử lý nhà nước với nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Đây là trường hợp chưa có tiền lệ vì ông Hoàng đã được miễn nhiệm chức bộ trưởng.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân - cho biết: Ban Bí thư đã có kỷ luật Đảng với nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Về mặt Nhà nước đã giao cho Bộ Nội vụ xem xét kỷ luật hành chính tương ứng. Đây là vấn đề khó chưa có tiền lệ. Bộ sẽ phối hợp các cơ quan liên quan để tham mưu cho Ban cán sự Đảng Chính phủ biện pháp xử lý ông Hoàng, theo tinh thần người đang công tác hoặc nghỉ hưu có sai phạm thì phải xử lý, không phải nghỉ hưu là hạ cánh an toàn, qua đó cảnh báo các đồng chí đang tại chức phải làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình, không phải nghỉ hưu là hết chịu trách nhiệm với Đảng, Nhà nước. Vấn đề này khó nên cần tạo hành lang pháp lý để sau này xử lý nếu có. Luật Cán bộ công chức chưa quy định, và khi chưa sửa đổi được Luật thì có văn bản quy định phù hợp để xử lý vấn đề trước mắt.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, đoàn Ninh Thuận nêu việc vừa qua xảy ra một số vụ cán bộ công chức, viên chức đánh người, đánh nhà báo, có hành vi thiếu văn hóa. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định: Đây là kỷ luật kỷ cương hành chính cán bộ công chức. Gần đây đã có Chỉ thị 26 và Chỉ thị 07 về vấn đề này. Quản lý cán bộ công chức là của cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ, trong đó có văn hóa công sở là nhiệm vụ rất quan trọng. Do đó, trường hợp như đại biểu nêu, nếu xét thấy không đủ tiêu chuẩn, đạo đức kém, thì loại ngay ra khỏi bộ máy, không xứng đáng là công bộc của dân, không để ảnh hưởng chung. Công chức 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ cũng phải xử lý nghiêm khắc.

Về thi tuyển công chức, Bộ trưởng cho biết: Để tránh việc tuyển dụng người nhà, tôi đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn nghiên cứu. Vì sao thi tuyển đầu vào công chức chỉ đạt hơn 10%, xét tuyển 90%. Thi tuyển công khai minh bạch thì lại ít người, còn xét tuyển lại đông người tham gia. Giờ đang nghiên cứu tạo, điều kiện để khuyến khích mọi người thi tuyển để đảm bảo minh bạch. Điều kiện quy định cũng đang xem xét điều chỉnh, bổ sung để khuyến khích sinh viên ra trường dự thi công bằng, hạn chế xét tuyển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội

Theo chương trình chất vấn chi tiết của kỳ họp Quốc hội thứ hai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có 130 phút trả lời chất vấn trước Quốc hội vào sáng thứ năm (17.11).

Cụ thể, theo chương trình dự kiến, từ 8h30- 11h10 ngày 17.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn với 4 vị Bộ trưởng trong ngày 2 ngày trước đó (15-16.11.2016).

Kỳ này, các nội dung đại biểu có thể chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nằm trong 10 nhóm vấn đề dành cho 4 Bộ trưởng được chọn đăng đàn (Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng TN-MT, Bộ trưởng GD-ĐT, Bộ trưởng Nội vụ). Có nhiều nội dung đã được lật đi lật lại trong các phiên chất vấn trước đây như chống buôn lậu, thủy điện xả lũ, quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, chương trình cải cách giáo dục, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương…

Nhưng cũng có những nội dung mới, thời sự được cập nhật, đưa vào chương trình chất vấn, ví như chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô; đánh giá các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả; xử lý trách nhiệm với các dự án để xảy ra sự cố môi trường; đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp; công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ… T.C.A

MỸ HẰNG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/hom-nay-1711-thu-tuong-chinh-phu-tra-loi-chat-van-truoc-quoc-hoi-611743.bld