Hồi tưởng 27 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ: Cuộc đấu của các cơ quan an ninh

Tháng 9/1989 đã bắt đầu quá trình sụp đổ của bức tường Berlin và sau đó là sự tan vỡ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở CHDC Đức. Đã xảy ra nhiều chuyện bất cập xung quanh sự kiện này. Mới đây trên nguyệt san Tuyệt mật số ra đầu tháng 9 ở Moskva, cựu chiến binh an ninh Xôviết Vitali Korotkov đã nhớ lại những chi tiết ít người biết tới về cuộc đấu của các cơ quan an ninh trên lãnh thổ nước Đức và những nguyên do dẫn tới việc hai nước Đức thống nhất.

Cựu chiến binh an ninh Xôviết Vitali Korotkov.

PV: Có giả thuyết cho rằng CHDC Đức xuất hiện như một nhà nước chỉ do nhờ thái độ kiên quyết của Stalin, người muốn lập ra tại trung tâm châu Âu một thành trì chống lại các nước tư bản chủ nghĩa. Nhưng một số đồng nghiệp của ông thì lại cho rằng, ban lãnh đạo tối cao của Liên bang Xôviết lúc đó đã sẵn sàng chấp nhận việc thành lập trên lãnh thổ của nước Đức phát xít một quốc gia mang tính xã hội dân chủ, tương tự như Thụy Sĩ chẳng hạn…

Vitali Korotkov: Quyết định của Hội nghị Tehran cũng như các quyết định của Hội nghị Yalta và Hội nghị Postdam cho phép thành lập trên lãnh thổ nước Đức phát xít cũ một quốc gia dân chủ. Về số phận của nước Đức thì lãnh đạo Liên Xô, Anh và Mỹ có những ý tưởng khác nhau. Người Anh muốn phân tách nước Đức thành các vùng miền khác nhau, lãnh đạo nước chúng ta thì cho rằng nước Đức phải là một quốc gia thống nhất.

Tức là trách nhiệm chia tách nước Đức thành những vùng miền chịu ảnh hưởng của mình là ở lãnh đạo Mỹ và Anh?

- Đúng thế. Khi quân đội ta triển khai các đợt tấn công ở Đông Âu và quân đội Mỹ và Anh đã đổ bộ vào Pháp, đã xảy ra một sự kiện thú vị mà ít ai nhớ lại. Đó là tại vùng Schleswig-Holstein của Đức cũng như tại Hà Lan và Bỉ vẫn còn tập trung những lực lượng lớn của quân đội phát xít Đức và vì sao sau khi lực lượng Đồng Minh đổ bộ ở Normandy lại không chiến đấu chống lại quân đội Mỹ và Anh. Những đơn vị Đức phát xít này được phân tán đồn trú tại những khu vực khác nhau ở Tây Âu và sự có mặt của họ ở một loạt quốc gia châu Âu sau khi chiến tranh kết thúc hồi tháng 5/1945 vẫn còn được duy trì thêm hơn một tháng. Cơ quan tình báo Liên Xô đã có được thông tin đích xác rằng ban lãnh đạo Anh đã cố tình duy trì những đơn vị này để đề phòng những thay đổi tình hình chính trị ở châu Âu, cũng như coi các đơn vị này là một trong những nguồn dự trữ có thể có để tiến hành chiến tranh chống lại Liên Xô.

Thế bằng cách nào mà vị trí lãnh đạo cơ quan phản gián CHLB Đức lại được dành cho viên tướng Quốc xã, chỉ huy cơ quan quân báo trong đội quân lê dương ở mặt trận phía Đông Reinhard Gehlen?

- Ở giai đoạn cuối chiến tranh, Gehlen với cương vị là người phụ trách công tác tình báo chống lại Hồng quân Liên Xô, vẫn còn giữ được toàn bộ cơ sở dữ liệu của mình và đã mang về khu vực núi Alpes, giấu trong pháo đài ngầm Alpenfestung, cơ sở dự trữ để đặt Bộ Chỉ huy Tối cao của Hitler trong trường hợp phải đi sơ tán khỏi Berlin.

Rồi sau đó Gehlen đã ra hàng người Mỹ. Và khi người Mỹ hiểu rằng mình đang nắm được nhân vật nào thì đã đưa ông ta sang Mỹ để thẩm vấn trong suốt một thời gian dài và bàn cách tiếp tục sử dụng ông ta như thế nào. Gehlen hiểu ra rằng việc cộng tác với các cơ quan tình báo Mỹ sẽ giúp ông ta tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại Liên Xô. Người Mỹ đã giúp ông ta lập ra cơ quan an ninh mới của CHLB Đức và ông ta đã tuyển vào đó những nhân viên của tình báo và phản gián Quốc xã. Reinhard Gehlen đã lãnh đạo cơ quan an ninh này tới năm 1968. Về sau cơ quan này được mang tên BND. Cũng phải nói rằng, nhân viên BND không cố gắng khêu gợi những mâu thuẫn giữa CHLB Đức với Liên Xô. Họ chỉ giải quyết những nhiệm vụ mà các chỉ đạo viên Mỹ và Anh đặt ra cho họ trong khuôn khổ cuộc chiến tranh lạnh được triển khai chống lại Liên Xô. BND thu thập thông tin về những quá trình diễn ra trên lãnh thổ Liên Xô cũng như ở CHDC Đức.

Trong tình huống kinh tế hậu chiến mà nước Đức đã sa vào, cuộc sống của các công dân quốc gia này rất phức tạp. Những nhân viên cũ của SD và Abwehr (các cơ quan an ninh của nước Đức Quốc xã) phải đi tìm những công việc giống như trước năm 1945 ở nước Đức thời hậu chiến. Và khi họ nhìn thấy ở nước họ lại thành lập các cơ quan an ninh đổi mới, dù là do người Mỹ hậu thuẫn đi chăng nữa thì hiển nhiên là những cựu nhân viên của các cơ quan an ninh Quốc xã sẽ tìm tới làm việc cho Gehlen. Và cũng phải nói rằng, một số người trong bọn họ đã chuyển sang làm cho các cơ quan tình báo Anh và Pháp – gì thì đấy cũng là những chuyên gia rất giàu kinh nghiệm, biết rõ công việc mình làm và cũng rất biết làm việc với những người thuộc các kích cỡ chính trị khác nhau.

Cơ quan tình báo của Gehlen đã chiếm lĩnh được các bí mật quốc gia của CHDC Đức tới mức độ nào?

- Trong giai đoạn mà ranh giới giữa các khu vực kiểm soát của quân đội Liên Xô, Mỹ và Anh trong thực tế hoàn toàn để ngỏ thì việc qua lại trong các khu vực khác nhau nằm dưới quyền quản lý của các nước thuộc khối Đồng Minh chống phát xít thực tế là tự do. Tại phía Tây nước Đức nhờ tác động của kế hoạch Marshall đã bắt đầu tăng trưởng kinh tế, còn ở CHDC Đức tình hình kinh tế phức tạp hơn.

Điều đó hiển nhiên là do CHDC Đức phải thanh toán những khoản bồi thường và nhiều nhà máy mà lẽ ra các công dân của nước này có thể làm việc lại bị xóa bỏ. Và vì thế, tìm được việc làm ở Đông Đức đã là chuyện rất không đơn giản, đa số cư dân ở đây cố gắng tìm việc làm ở miền tây nước Đức. Điều đó giúp cho cơ quan an ninh của Gehlen dễ dàng hơn trong việc dụ dỗ những cư dân có trong mình những bí mật nào đó của miền đông nước Đức. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, tổ chức của Gehlen theo nhiệm vụ do CIA đặt ra đã triển khai trên lãnh thổ CHDC Đức cả một mạng lưới điệp viên đông đúc hoạt động trong khu vực đồn trú của các đơn vị quân đội Xôviết, trên các tuyến đường sắt , theo dõi hành trình di chuyển của các đơn vị và việc chuyển quân…

Và các cơ quan an ninh của CHDC Đức, và dĩ nhiên cả các đại diện các cơ quan an ninh của ta đã tiến hành hoạt động rất tích cực chống lại gián điệp của các cơ quan tình báo Tây phương, bởi lẽ trên lãnh thổ CHDC Đức đã hoạt động không chỉ là tổ chức của Gehlen mà cả các cơ quan tình báo Mỹ và Anh. Trong giai đoạn này nhờ các hoạt động tích cực của các cán bộ phản gián Liên Xô và CHDC Đức nên đã tiến hành thành công hai chiến dịch rất lớn nhằm phát hiện ra các hệ thống gián điệp của phương Tây. Chúng tôi đã tiến hành chiến dịch có tên là “Mùa xuân”, bắt giữ được hơn 600 gián điệp của các cơ quan an ninh khác nhau mà nhiều nhất là của BND. Một thời gian ngắn sau đó, khoảng nửa năm hay gần một năm, đã tiến hành chiến dịch thứ hai và lại bắt tới gần 500 gián điệp phương Tây . Dĩ nhiên là những chiến dịch đó của Bộ An ninh Liên Xô và CHDC Đức đã làm thiệt hại to lớn trước hết là cho cơ quan tình báo của Gehlen cũng như của tình báo Mỹ và Anh. Nhưng đồng thời các chiến dịch chung đó cũng làm thiệt hại tới cả khả năng của các cơ quan an ninh của chúng ta.

Vì sao?

- Cứ thử hình dung mà xem, nếu như một cơ sở nào đó trong mạng lưới gián điệp của Gehlen bị xóa sổ hoàn toàn và các tên gián điệp bị nhập kho nhưng viên chỉ huy cơ sở đó vẫn thoát thân thì hiển nhiên là trong ban lãnh đạo BND hay CIA sẽ nảy sinh ra mối hoài nghi, việc lộ thông tin về hoạt động của cơ sở gián điệp đó trên lãnh thổ CHDC Đức xuất phát từ đâu? Và phải chăng chuyện này xảy ra được vì ở đâu đó trong cơ sở gián điệp đó có điệp viên Xôviết được cài vào hoặc tệ hơn nữa, ngồi ở vị trí sếp? Và chính tôi biết một số điệp viên rất hiệu quả của chúng ta trong hệ thống tình báo của Gehlen đã bị loại ra khỏi vòng chiến và mất đi khả năng cung cấp những thông tin rất quý giá cho cơ quan tình báo của ta nhưng vẫn được sống trong tự do. Bởi lẽ lực lượng phản gián của Gehlen không có những bằng chứng trực tiếp về việc hợp tác giữa những chuyên gia đó với cơ quan tình báo Xôviết nên chỉ có thể nghi ngờ mà thôi.

Ông muốn nói tới câu chuyện của điệp viên Hunter Guillaume của cơ quan tình báo Đông Đức Stasi, thư ký của Thủ tướng CHLB Đức Willi Brandt, người đã buộc phải từ chức sau khi Guillaume bị lộ diện? Điều gì đã khiến Guillaume thất thế, vì cách cư xử cá nhân hay do sự phản bội của ai đó trong cơ quan tình báo CHDC Đức?

- Ở đây cần phân biệt rõ hai cái khác nhau, một mặt là sự sơ suất trong hành xử của chính Guillaume; mặt khác, sơ suất của những người chỉ đạo công việc của ông ấy từ CHDC Đức. Và sự kết hợp của cả hai yếu tố này đã dẫn tới thất bại của ông ấy với tư cách một điệp viên của Stasi. Thông thường thì về những điệp viên tầm cỡ như thế chỉ có rất ít người được biết. Theo những gì tôi còn nhớ, Szpilman, nhân viên cơ quan tình báo khoa học kỹ thuật CHDC Đức bỏ sang phương Tây chỉ sau khi cơ quan phản gián CHLB Đức đã bắt Guillaume rồi nên nhân vật đó không có liên quan gì tới việc Guillaume thất thế. Có lẽ đóng vai trò chính trong sự lộ diện của Guillaume là những tình tiết nhỏ, dần dà tích tụ thành lớn và hóa thành nguyên nhân dẫn tới việc điệp viên này bị bắt.

Người Mỹ nói chung không tránh né gì những nhân sự từ các cơ quan an ninh tình báo Quốc xã. Người ta nói rằng thậm chí cả các nhân viên Gestapo cũng từng làm cố vấn cho các nhân viên CIA?

- Có cả những chuyện như thế. Ở giai đoạn trước khi tại Mỹ thành lập một tổ chức như CIA, những nhân viên tình báo Mỹ mới chỉ được bắt đầu trau dồi nghiệp vụ . Và tất nhiên, sự tư vấn của các chuyên gia như các nhân viên an ninh tình báo của chế độ Quốc xã Đức đã rất hữu dụng. Phương pháp tiếp cận đối tượng cần tuyển mộ, cách thức lôi kéo hợp tác, kiến thức về tâm lý học- tất cả những thứ này đều được các chuyên gia của ngành tình báo chính trị Đức phát xít nắm chắc. Họ biết rõ cả tâm lý con người Xôviết, những gót chân Asin, biết cách tác động đúng chỗ để tuyển dụng, và tất cả những kinh nghiệm như thế dĩ nhiên là rất hữu ích đối với cơ quan tình báo Mỹ. Tôi không nghĩ rằng trong chuyện này họ có phát kiến gì mới mẻ nhưng phương thức làm việc của người Đức hiển nhiên là đã rất hữu dụng.

Như cựu lãnh đạo Bộ An ninh CHDC Đức Markus Wolf nhận định trong các bài trả lời phỏng vấn của mình, ngay cả các cựu nhân viên cao cấp của SD và SS cũng buộc cho Mỹ và Anh tội làm chia cắt nước Đức, và chính điều đó đã làm nhẹ nhàng hơn công việc của cơ quan an ninh CHDC Đức Stasi trong việc tuyển mộ họ. Liệu Tổng cục Chính trị Quốc gia (PGU) của KGB có tiến hành tuyển mộ cộng sự trong số những phần tử Quốc xã còn nhớ tới những trận không kích “bão lốc” của lực lượng không quân Mỹ và Anh xuống các thành phố Dresden, Koln và Munich, tức là những người hoàn toàn không yêu quý gì những lực lượng Anh ngữ?

- Tại toàn bộ khu vực phía tây châu Âu, thái độ đối với Mỹ luôn rất khác nhau. Ai đó cho rằng kế hoạch Marshall là cứu rỗi đối với một châu Âu đói khát. Nhưng cũng có những người làm chính trị hẳn hoi lại nhìn thấy rằng những phương thức chiến đấu của Mỹ trong chiến tranh ngay cả với chủ nghĩa Quốc xã, đôi khi cũng mang tính tội phạm, như những trận ném bom rải thảm đó, khiến nhiều người dân Đức vô tội ở các thành phố từng là ký ức lịch sử của nước Đức như Dresden, Munich, Hamburg, bị chết oan…

Và rất nhiều người dân ở Tây Đức hiểu rằng, kế hoạch Marshall không chỉ dẫn tới việc nền kinh tế Đức phát đạt mà còn dẫn tới cả sự xâm chiếm của các tập đoàn công nghiệp Mỹ trong nền kinh tế của đất nước họ. Chính Heinz Felfe, một trong những nhà lãnh đạo trong hệ thống an ninh tình báo của Gehlen tại CHLB Đức, trước đó từng là nhân viên SD, phục vụ trong Tổng cục VI của Cơ quan tình báo Quốc xã RSHA dưới trướng Walter Schellenberg rồi sau đó cộng tác với PGU của KGB cũng chính bỏi trong thời gian chiến tranh lực lượng không quân Mỹ đã xóa sạch thành phố quê hương của ông ấy Dresden. Rồi ông ấy đã phải mất hai năm đau khổ trong trại giam tù binh của người Anh với những ký ức không hề tốt đẹp gì về thái độ của quân Đồng Minh đối với dân tộc Đức của ông ấy.

Tôi cũng từng được làm việc với Heinz Felfe. Ông ấy đã cung cấp cho PGU của KGB hơ15 nghìn tài liệu mật và đã cung cấp danh sách của hơn 100 gián điệp Mỹ. Và tôi có thể nói với quý vị rằng, chính nhờ hoạt động của ông ấy với tư cách một điệp viên Xô viết mà tình báo Liên Xô đã không bị một thất bại nào ở CHLB Đức. Thái độ ác cảm đối với người Mỹ và người Anh đã tồn tại không chỉ ở mình ông ấy mà nhiều người Đức khác sống trên lãnh thổ Tây Đức. Liên Xô đã không chỉ một lần đứng ra với sáng kiến thống nhất nước Đức trong lúc phương Tây do Mỹ đứng đầu đã ngăn cản không cho thực hiện công việc này.

Theo ông đánh giá bây giờ, liệu có thực sự cần phải xây dựng Bức tường Berlin không?

- Tôi từng biết thủ đô CHDC Đức và Tây Berlin trong những thời điểm khác nhau. Và trong giai đoạn chưa có bức tường nào và chưa có sự kiểm soát giữa khu vực Tây và Đông Berlin, thì đi tầu điện ngầm hay đi bộ qua biên giới rất thuận tiện, tới bất cứ vùng kiểm soát của Liên Xô, Mỹ hay Anh đều dễ. Và việc đi qua biên giới này đã chẳng khiến ai phải lo lắng cả. Nhưng rồi dần dà đã xuất hiện sự kiểm soát giữa các khu vực.

Nạn đầu cơ lương thực thực phẩm, thuốc lá và mọi thứ khác đã hoành hành vì rằng ở Đông Berlin, những hàng hóa này có giá thấp hơn so với ở Tây Berlin. Và những người dân cư trú tại Tây Berlin đã tận dụng việc biên giới thông thương để mua rẻ tại Đông Berlin mang về bán với giá đắt gấp ba bốn lần tại khu vực cư trú của mình. Và xu thế đó hoành hành mạnh tới mức làm tổn hại cho nền kinh tế CHDC Đức. Hoạt động gián điệp cũng như việc tuyển mộ các công dân CHDC Đức làm gián điệp cũng là những nguyên nhân dẫn tới việc xây dựng bức tường Berlin. Nhưng lý do kinh tế mới là nguyên nhân chính.

Trong một số bộ phim tài liệu về phá bỏ bức tường Berlin, có một số hình ảnh về việc khi xảy ra chuyện ồ ạt chạy từ CHDC Đức sang thì những chiến sĩ biên phòng CHDC Đức đã bắn không thương tiếc thậm chí cả những người mang theo con nhỏ vượt qua tường để sang với phương Tây…

- Những sự cố như thế của chính quyền CHDC Đức không mang tính ồ ạt, mặc dù có xảy ra những trường hợp đơn lẻ. Tôi không nhớ chính xác con số nhưng trong toàn bộ giai đoạn tồn tại bức tường, từ năm 1961 tới năm 1989 đã xảy ra gần 120 vụ xả súng vào các phần tử đào tẩu hoặc vượt qua biên giới bất hợp pháp. Nếu chia con số này cho 28 năm thì sẽ thấy cũng là không quá nhiều để nói tới tính thường xuyên của những vụ xả súng như thế.

Người ta nói rằng trước khi bức tường Berlin sụp đổ, đài phát thanh Tự do ở Munich cũng như các trung tâm hoạt động phá hoại khác ở CHLB Đức đã góp tay khá nặng vào việc khêu gợi tâm lý hoảng loạn bài Xô, họ xúi bẩy những đám đông lên đồng tới phá trước tiên là bức tường Berlin rồi sau đó là trụ sở của BCH TƯ Đảng Công nhân Thống nhất Đức và Bộ An ninh CHDC Đức?

- Phải, tại Tây Berlin trong những năm 50 – 60 của thế kỷ trước đã có cơ sở của những cơ quan tình báo cũng như các đơn vị quân đội Mỹ, Anh và Pháp, đã tồn tại hàng chục những tổ chức chống lại Liên Xô, do phương Tây lập ra và hà hơi tiếp sức. Chỉ cần nhớ lại những tổ chức như Ủy ban Luật sư Tự do, Hiệp hội đấu tranh với sự vô nhân đạo, Tổ chức các nạn nhân của chủ nghĩa Stalin, Liên đoàn Nhân dân Lao động và nhiều nhiều tổ chức khác nữa. Tất cả những tổ chức này không ngừng tiến hành tuyên truyền chống lại Liên bang Xôviết và CHDC Đức, nhân viên của các trung tâm đó chuyên tìm mọi trò để lôi kéo nhân lực từ các công dân Xôviết và CHDC Đức. Các cơ quan an ninh Xôviết và các đồng nghiệp của chúng tôi từ Bộ An ninh CHDC Đức đã phải rất vất vả để chống lại tất cả những tổ chức đó. Bởi vậy nên có thể nói Berlin đã thực sự là một trung tâm gián điệp và hoạt động phá hoại.

Liệu Mikhail Gorbachev trong thời gian tiến hành thương thuyết về số phận của nước Đức đã có thể làm được việc gì đó cho các đồng minh trung thành của mình chăng, thí dụ như để các thành viên bộ máy BCH TƯ Đảng Công nhân Thống nhất Đức và Bộ An ninh CHDC Đức không bị đưa ra tòa?

- Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Gorbachev với Thủ tướng CHLB Đức Helmut Kohl tại Arkhyz, ông Kohl đã đặt ra câu hỏi: “Chúng ta sẽ làm gì với các công dân CHDC Đức? Và Gorbachev trả lời: “Đó là việc nội bộ của các vị!” Tôi xin nhắc lại là: CHDC Đức là một quốc gia độc lập, thành viên LHQ, và có thể sử dụng toàn bộ những tiềm năng phương tiện mà các quốc gia có chủ quyền có thể làm. Trong số này có các vấn đề về an ninh, các chiến dịch phản gián… Và đó là hoạt động tự nhiên của các cơ quan nhà nước của họ. Làm sao có thể sau khi đã thống nhất CHDC Đức với CHLB Đức thành một nước Đức thống nhất lại xem các công dân của CHDC Đức như những tội phạm từng hoạt động chống lại quốc gia của mình là CHLB Đức? Thực là điên khùng! Các cán bộ bộ máy Đảng Công nhân Thống nhất Đức và các nhà hoạt động chính trị ở CHDC Đức không thể bị truy bức dưới bất cứ hình thức nào và sau khi hai miền đã thống nhất, cũng được có mọi quyền lợi như các công dân CHLB Đức. Bởi lẽ đó cũng là những người bình thường, từng thực hiện chính sách của quốc gia độc lập của mình và giải quyết các nhiệm vụ của mình.

Câu nói của Gorbachev – “đó là công việc nội bộ của các vị” – đó không phải là lỡ lời. Tổng thống Liên Xô không thể khờ khạo đến mức không hiểu được rằng, quyết định của ông ấy sẽ dẫn tới những hệ lụy thế nào. Điều đó gần như một sự phản bội hay thậm chí là một tội ác.

Cũng phải nói rằng, khi những cựu công dân CHDC Đức thuộc những cơ quan nhà nước mà chúng ta vừa nói tới bắt đầu bị truy đuổi, cuộc truy đuổi mà theo tôi kéo dài rất lâu, tới hơn 10 năm, thì những cựu cán bộ Bộ An ninh, Bộ Nội vụ và Lực lượng Biên phòng CHDC Đức đã đứng ra thành lập tổ chức với các tên là Izor. Tổ chức này đã đấu tranh để nhằm chấm dứt phân biệt đối xử đối với tất cả cán bộ các cơ quan bảo vệ luật pháp của CHDC Đức.

Sự phân biệt đối xử này thể hiệtrong việc luật pháp của nước CHLB Đức thống nhất chỉ quy định cho họ những khoản lương hưu còm cõi, ít hơn lương hưu thời CHDC Đức tới mấy lần. Các cựu nhân viên cơ quan bảo vệ luật pháp và an ninh CHDC Đức bị hạn chế trong tìm kiếm việc làm và tổ chức xã hội Izor đã đấu tranh với những sự nhục mạ mà họ phải chịu do chính quyền nước Đức mới gây nên. Ngoài ra, nhiều nhân viên các cơ quan an ninh trong Bộ An ninh CHDC Đức đã bị lôi ra tòa vì các tội hình sự và bị kết án tù nhiều năm…

Liên Xô đã hỗ trợ gì cho những con người này không?

- Không. Tổ chức Izor đã không nhận được sự giúp đỡ nào từ đất nước chúng ta. Họ tự tồn tại nhờ tiền đóng góp ít ỏi của các thành viên và nhờ các hoạt động tình nguyện. Ban lãnh đạo “dân chủ” của nước Đức thống nhất đã triển khai nhiều hoạt động đàn áp chống lại các nhân viên của cơ quan an ninh CHDC Đức. Ở đây thể hiệham muốn dồn vào chân tường những người từng đấu tranh rất có hiệu quả cho nước CHDC Đức xã hội chủ nghĩa và thêm vào đó, muốn thể hiện rằng, Liên Xô và sau đó là nước Nga không thể làm gì giúp các cựu đồng minh của mình…

Từ khóa

tường Berlin hồi tưởng cơ cấu cơ quan an ninh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/hoi-tuong-27-nam-sau-khi-buc-tuong-berlin-sup-do-cuoc-dau-cua-cac-co-quan-an-ninh/133073