Hội thảo 'Xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam'

Sáng 16/11/2016, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam”. Đây là cuộc hội thảo có ý nghĩa quan trọng, nhằm tập hợp ý kiến của các nhà báo lão thành, đại diện các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan báo chí hàng đầu của cả nước để tiến tới hoàn chỉnh Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam dự kiến đưa vào áp dụng từ ngày 1/1/2017 cùng với thời điểm Luật Báo chí 2016 bắt đầu có hiệu lực.

Video:

Tham dự hội thảo có các nhà báo lão thành, các nhà báo là lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ như: Hà Đăng, Phan Quang, Hồng Vinh, Phan Khắc Hải, Hà Minh Huệ; lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; lãnh đạo các Liên Chi hội nhà báo lớn ở TƯ, đại diện các cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo báo chí; các đồng chí lãnh đạo các ban đơn vị, chuyên môn trong cơ quan TƯ Hội Nhà báo Việt Nam và đông đảo các nhà báo- phóng viên đến đưa tin. Các đồng chí lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam: Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực; Mai Đức Lộc và Nguyễn Bé- Phó Chủ tịch Chuyên trách đồng chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo “Xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam”.

Được biết, sau khi Hội Nhà báo Việt Nam có chủ trương xây dựng Bộ Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam phù hợp với Hiến pháp 2013 và Luật Báo chí 2016, đáp ứng với tình hình mới của đời sống xã hội và đời sống báo chí, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, các công việc chuẩn bị đang được Ban soạn thảo xúc tiến khẩn trương, theo đúng lộ trình.

Cho đến nay, hầu hết các cấp Hội đã tiến hành sinh hoạt và gửi ý kiến tâm huyết đóng góp về cơ quan TƯ Hội. Ban soạn thảo của TƯ Hội gồm 13 thành viên được thành lập và Hội giao cho Ban Kiểm tra làm đơn vị Thường trực. Ban soạn thảo đã tiến hành 2 cuộc họp. Từ tất cả các đóng góp của các cấp hội gửi về, bộ phận thường trực đã chắt lọc, tập hợp được 10 bộ ý kiến. Tại cuộc họp lần thứ nhất, Ban soạn thảo đã phân tích, tổng hợp thành 2 phương án. Và tại cuộc họp lần thứ hai, trên cơ sở văn bản đề xuất các điều cụ thể của 13 thành viên, Ban soạn thảo đã phân tích sâu và xây dựng thành 1 phương án.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, nhà báo Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Hiện nay Ban soạn thảo đã cân nhắc, chắt lọc và đưa ra bản dự thảo Quy định gồm 9 Điều và sẽ phải tiếp tục lắng nghe thêm những ý kiến đóng góp. Bộ Quy định mới được xây dựng lên dựa trên 3 yếu tố chính: Một là, có sự kế thừa Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo VN ban hành năm 2005; Đồng thời, có tham khảo từ các bộ Quy định đạo đức báo chí của các nước khác.

Hai là, dựa trên cơ sở nhận thức về mối quan hệ giữa luật pháp và đạo đức. Do đó, 2 phạm trù này luôn có sự gắn kết, thống nhất với nhau. Đây là điểm mới và rất cơ bản của Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo lần này. Nghĩa là, tuy không thể bê nguyên si toàn bộ những điều quy định trong Luật Báo chí vào Quy định, nhưng những gì thuộc về nền tảng, cơ bản, cốt lõi của hoạt động báo chí phải được thể hiện, đặc biệt vấn đề liên quan trực tiếp đến đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của nhà báo thì phải được đưa vào; Ba là, căn cứ vào những biến động, thay đổi, nét mới của đời sống xã hội, đời sống báo chí và thời đại truyền thông kỹ thuật số… mà bộ Quy định trước đây chưa đề cập tới. Mục tiêu của bộ quy định này có giá trị dẫn dắt lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút”.

Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Với tinh thần làm việc hết sức trách nhiệm, tích cực, khẩn trương và khoa học, hội thảo đã được nghe 15 ý kiến phát biểu với các nội dung xác đáng, thiết thực, cụ thể và sâu sắc. Như ý kiến của Nhà báo Phan Quang- Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Hà Đăng- Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa TƯ; nhà báo Hồng Vinh- Nguyên TBT Báo Nhân Dân, Chủ tịch HNBVN; Phan Khắc Hải- Nguyên Phó Chủ tịch HNBVN; Nhà báo Vũ Đình Thường- Vụ trưởng Vụ Báo chí- Xuất bản (Ban Tuyên giáo TƯ); NB Lưu Đình Phúc- Cục trưởng Cục Báo chí, NB Thanh Lâm- Cục trưởng Cục PT-TH, nhà báo Bùi Sĩ Hoa- Phó Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông); cùng các nhà báo là lãnh đạo các LCH nhà báo lớn ở TƯ như: LCH nhà báo Ban Tuyên giáo TƯ, LCH nhà báo Bộ Công an, LCH nhà báo Báo Quân đội Nhân dân…

Và quy tụ lại, thứ nhất, hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao tinh thần chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc của Hội Nhà báo Việt Nam mà trực tiếp là cơ quan TƯ Hội và sự tham gia hết sức nhiệt tình, trách nhiệm của các cấp Hội trong cả nước đã đóng góp vào công việc hết sức cần thiết và quan trọng- bổ sung, điều chỉnh, hoàn chỉnh bộ Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Thứ hai, các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết, tầm quan trọng của việc ban hành Quy định mới về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Trong đó đều nhấn mạnh đến tính chính trị của Quy định, tuy nhiên các Điều cần được thể hiện bằng những ngôn từ mềm mại, uyển chuyển và mang tính tập trung cao để thu hút được sự quan tâm đông đảo các hội viên Hội Nhà báo VN với tinh thần vì đất nước, vì nhân dân, vì chế độ XHCN, và vì chế độ XHCN thì đương nhiên trong đó có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đặc biệt, các ý kiến đều tập trung nhấn mạnh đến khía cạnh nghề nghiệp, đặc thù nghề nghiệp của Bộ Quy định này, trong đó cần gắn liền với lương tâm đạo đức của người làm báo. Bởi có những vấn đề được thể hiện rất rõ ở trong Luật Báo chí 2016 (như 13 Điều cấm của hoạt động báo chí mà Luật đã quy định), thì không thể bê nguyên si vào Bộ quy định này mà cần phải lựa chọn, chắt lọc những cái gì trực tiếp liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của người làm báo để nó phân biệt với vấn đề đạo đức của các ngành nghề khác.

Nhà báo Hà Đăng- Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa TƯ góp ý tại Hội thảo.

Cùng với đó, các ý kiến tại hội thảo đều phân tích hết sức là sâu sát những điều gì thuộc về nền tảng cần khái quát và những gì có tính đặc thù phải cần được thể hiện một cách cụ thể. Do đó ở đây có 2 luồng ý kiến: một là cần thể hiện ở chính trong các Điều của Bộ Quy định, hai là nhiều ý kiến cũng đề nghị xem xét bên cạnh những Điều quy định cụ thể, rõ ràng ở trong Bộ Quy định thì nên có một văn bản nữa có tính giải thích như một bản ghi chú (hay có thể gọi là cẩm nang…) làm sao cho các nội dung được thể hiện một cách cụ thể, để khi thực hiện các nhà báo không hiểu nhầm, không hiểu sai và dễ xử lý, mà lại tránh việc không đưa quá nhiều nội dung cụ thể vào trong các Điều quy định…

Các đại biểu đánh giá, đây là một gợi ý cũng rất cần được xem xét, tuy nhiên, để làm được việc này cũng không phải dễ, điều này rất cần sự tham gia ý kiến thêm của các đại biểu và các đồng chí ở các cơ quan quản lý và chỉ đạo báo chí. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng không nên đưa vào trong Bộ Quy định những khái niệm còn gây mơ hồ và có thể có sự hiểu khác nhau.

Nhà báo Phan Quang – Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Về số lượng Điều của Quy định, có ý kiến đề xuất 5, có ý kiến là 7, 8 hoặc là 10, bởi các đại biểu cho rằng nếu để 9 Điều thì tính nhận diện hơi khó…(so với bản Quy định đang hiện hành cũng gồm 9 Điều)…

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đã cảm ơn và trân trọng ghi nhận các ý kiến đóng góp quan trọng, sâu sắc và thiết thực của các đại biểu. Đồng chí cho biết: sau cuộc họp này, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn chỉnh dự thảo để gửi xin ý kiến các cơ quan chức năng. Sau đó sẽ trình ra Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, xin ý kiến của Ban Chấp hành để thông qua- coi đây như là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của Hội Nhà báo Việt Nam, để sớm hoàn thiện Quy định và ban hành cùng với thời điểm Luật Báo chí có hiệu lực (1/1/2017)

Bài: Ngọc Lành; Ảnh: Nguyễn Mạnh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/hoi-thao-xay-dung-quy-dinh-dao-duc-nghe-nghiep-nguoi-lam-bao-viet-nam/