Hội thảo quốc tế về biển Đông: Cơ hội của Việt Nam...

Hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 3 đã chỉ ra rằng, phán quyết PCA là cơ hội của Việt Nam và các nước trong đấu tranh với Trung Quốc.

Ngày 23/7, Trường ĐH Luật TP HCM phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức buổi hội thảo “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.

Hội thảo lần này có sự tham gia của hơn 50 học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên về ngành Luật trong nước, cùng 7 Giáo sư, nhà nghiên cứu đến từ 5 quốc gia trên thế giới là: Australia, Nhật Bản, Mỹ, Philippines và Nga.

Với 3 phiên, 10 tham luận và rất nhiều ý kiến phát biểu, tranh luận của các học giả trong nước, quốc tế và đại biểu tham dự, hội thảo đã tập trung phân tích, bàn luận rất sâu sắc về các nội dung được xác định trong các chủ đề mà Hội thảo đã đặt ra.

Hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 3. Ảnh: ĐH Luật TP.HCM

Phiên đầu tiên: Tổng quan về thủ tục giải quyết tranh chấp bằng tài phán theo quy định của UNCLOS.

Với 2 bài tham luận của GS.TS Donal Rothwell và GS.TS Carl Thayer, đến từ Australia, 2 diễn giả đã làm rõ các vấn đề pháp lý liên quan đến hệ thống, vai trò của các biện pháp và phương thức tài phán khác để giải quyết tranh chấp của UNCLOS.

Phiên thứ hai: Giải quyết tranh chấp bằng thủ tục trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS.

Với 4 bài tham luận của TS.Ngô Hữu Phước (Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh), GS.TS.Erick Frankx (Đại học Vrije, Vương quốc Bỉ, thành viên Tòa trọng tài thường trực PCA), PGS.TS Jay Batongbacal (Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển, Đại học Quốc gia Philippines) và GS.TS Gregory Rose (Đại học Wollongong, Australia).

Hội thảo lần này có sự tham gia của hơn 50 học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên về ngành Luật trong nước, cùng 7 Giáo sư, nhà nghiên cứu đến từ 5 quốc gia. Ảnh: ĐH Luật TP.HCM

Các diễn giả và các đại biểu tham dự Hội thảo đã nhất trí cho rằng, phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện của Philippines là một phán quyết có tính chất lịch sử, có giá trị pháp lý quan trọng và đóng góp to lớn cho sự phát triển của luật pháp quốc tế về giải quyết tranh chấp trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, vụ kiện của Philippines tại Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS là bài học kinh nghiệm cho các quốc gia khu vực và thế giới trong việc lựa chọn thủ tục tài phán để giải quyết tranh chấp.

Phiên 3: Ảnh hưởng, tác động của vụ kiện Philippines đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Với 04 tham luận của GS.TS Hideo Yamagata (Đại học Nagoya, Nhật Bản), TS.Nguyễn Ngọc Trường (Viện Nghiên cứu chiến lược ), TS.Trần Thăng Long (Phó trưởng Bộ môn Anh văn pháp lý, giảng viên Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh) và TS.Pavel Gudev (Viện nghiên cứu Primakov, Liên bang Nga).

Các diễn giả đã phân tích, làm sáng tỏ những ảnh hưởng, tác động của vụ Philippines kiện Trung Quốc mà Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS đã tuyên bố phán quyết cuối cùng vào ngày 12/7/2016 trên các bình diện chính trị, pháp lý và quan hệ quốc tế.

Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đã dành rất nhiều thời gian để thảo luận về những ảnh hưởng, tác động của phán quyết của Tòa trọng trọng tài trong vụ kiện của Philippines-Trung Quốc đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Theo đó, phán quyết này là cơ sở pháp lý quan trọng để các quốc gia trong khu vực điều chỉnh quan điểm, yêu sách và cách thức tiếp cận rõ ràng hơn về mặt pháp lý để giải quyết hòa bình các tranh chấp biển trong tương lai. Đây cũng là kinh nghiệm quý báu cho các quốc gia có tranh chấp biển trong khu vực nghiên cứu, áp dụng để giải quyết tranh chấp hòa bình các tranh chấp biển trong tương lai.

Đặc biệt, phán quyết này là cơ hội để Việt Nam cùng với các quốc gia trong khu vực biển Đông có thêm cơ sở pháp lý và động lực để bác bỏ các yêu sách về chủ quyền, quyền chủ quyền trái pháp luật quốc tế trên biển Đông của Trung Quốc. Đồng thời, mở ra cơ hội hợp tác mới cho các quốc gia trong khu vực hợp tác để quản trị biển Đông một cách hòa bình, ổn định và phát triển.

Hà Đông

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/hoi-thao-quoc-te-ve-bien-dong-co-hoi-cua-viet-nam-3314765/