Hội thảo Hội Nhà báo các tỉnh miền núi, Trung du phía Bắc và Thủ đôHà Nội lần thứ XI- 2016: Mạnh dạn đổi mới để Hội Báo Xuân thật sự ấn tượng, hiệu quả!

Ngày 23/11/2016, tại TP. Hà Giang, Hội Nhà báo Hà Giang đã đăng cai tổ chức Hội thảo khu vực Hội Nhà báo các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc và Thủ đô Hà Nội lần thứ XI – năm 2016 với chủ đề: “Thuận lợi và khó khăn, những kinh nghiệm cần chia sẻ từ thực tiễn công tác tổ chức hội báo Xuân thường niên tại các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc và Thủ đô Hà Nội”.

Dự hội thảo có các đồng chí: Mai Đức Lộc- Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Sèn Chỉn Ly- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang; Trần Đức Quý- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cùng lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh Hà Giang, các đoàn đại biểu Hội Nhà báo các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc và Thủ đô Hà Nội…

Thiếu “tương tác”, thiếu “sân chơi”

Phát biểu đề dẫn hội thảo, nhà báo Lê Trọng Lập- Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang- nhấn mạnh: “Hội Báo Xuân- “sân chơi” văn hóa nhiều màu sắc từ lâu đã trở thành ngày hội của giới báo chí cả nước và công chúng báo chí, nơi tôn vinh các tác giả- quảng bá tác phẩm, tạo không khí thi đua cho các nhà báo, các cơ quan báo chí, góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí. Hội thảo này chính là một dịp tốt để sau 22 năm kể từ khi Hội Báo Xuân đầu tiên do Hội Nhà báo Việt Nam, các tỉnh thành trong cả nước tổ chức, chúng ta cùng ngồi lại Hà Giang, thành phố nơi biên cương cực Bắc Tổ quốc để đánh giá, nhìn nhận, chỉ ra những cách làm hay, làm tốt, những bài học quý, cách làm mới để các Hội Báo Xuân hàng năm đã và sẽ luôn là địa chỉ yêu thích, hấp dẫn, phải đến của công chúng báo chí”.

Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tham luận với nội dung sâu sắc, thiết thực, bên cạnh việc nêu lên những thuận lợi, những thành tích mà Hội Báo Xuân tại các địa phương đã làm được, đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế. Trong đó, hạn chế dễ thấy nhất là Hội Báo Xuân thiếu vắng sự tương tác đa chiều, không có những “sân chơi” bổ ích cho các tầng lớp độc giả; còn công tác trưng bày thường được tổ chức dưới dạng “thư viện hóa”, “tủ sách hóa” xơ cứng nên ngày một nghèo nàn, đơn điệu, nhàm chán, không đủ sức hút với công chúng, nhất là với lớp độc giả trẻ đang có xu hướng rời xa văn hóa đọc truyền thống. Không thể phủ nhận một thực tế đáng buồn là chỉ sau ít phút khai mạc, khi “đại biểu mời” ra về, phần lớn các khán phòng triển lãm báo xuân trở nên vắng lặng…

Do đó, các ý kiến cho rằng, khởi phát được một chương trình có bản sắc, thương hiệu như Hội Báo Xuân đã khó, duy trì nó một cách hiệu quả còn khó hơn nhiều nhất là trong bối cảnh ngân sách nhà nước càng ngày càng eo hẹp, tiết giảm chi còn doanh nghiệp thì thắt chặt các chương trình tài trợ, hỗ trợ các hoạt động không sinh lời vật chất…

Phải mạnh dạn đổi mới

Vì vậy, muốn kéo được công chúng trở lại với các Hội Báo Xuân, trở lại với báo chí, trong đó có làng báo địa phương và báo in, không còn cách nào khác, theo các đại biểu là phải mạnh dạn đổi mới, nâng cấp từ nội dung đến hình thức tổ chức Hội báo sao cho thật ấn tượng, thiết thực, hiệu quả, chất lượng. Trước hết, là việc lựa chọn địa điểm, không gian và thời gian; Về nội dung cần bám sát vấn đề thời sự, yêu cầu chính trị của địa phương, coi đây là một sự kiện lớn chung của tỉnh, chứ không chỉ của riêng giới báo chí, từ đó sẽ nhận được sự ủng hộ, quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ngành, xã hội và nhân dân. Cùng với đó cần làm tốt khâu lựa chọn các ấn phẩm trưng bày với nội dung phong phú, hình thức thiết kế đẹp.

Từ thực tiễn, để khắc phục tình trạng này, mỗi tỉnh trong khu vực đã có những cách làm, kinh nghiệm khác nhau. Là đơn vị tổ chức thành công nhiều Hội Báo Xuân, Hội Nhà báo Bắc Giang đã luôn tăng cường sự đổi mới trong các hoạt động của Hội báo Xuân. Bên cạnh việc trưng bày các ấn phẩm, các chương trình văn nghệ thì Bắc Giang thường tổ chức các hội thảo gắn với các chủ đề trong việc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương…

Thông qua các Hội Báo Xuân góp phần tuyên truyền, quảng bá mảnh đất, con người Bắc Giang, vì vậy, đơn vị nào trước Hội Báo Xuân cũng phấn khởi đón nhận, sau Hội Báo thì vui vẻ vì hiệu quả, thành công chung và thu hút được bạn đọc vì đã là “hội” thì phải đông vui.

Với quan điểm không bó hẹp trong “bốn bức tường” khô cứng của những khán phòng triển lãm nặng nề như trước, Hội Báo xuân Hà Giang những năm gần đây đã có những thành công bước đầu khi trở thành sự kiện văn hóa, “sân chơi” truyền thông bổ ích đối với giới báo chí và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh, vị thế của làng báo địa phương và cho chính Hội. Là nơi công chúng nên đến và phải đến. Thông qua sự kiện, nhà báo được tôn vinh, thêm tự hào, tự tin khi những đứa con tinh thần mà mình ấp ủ, dày công sáng tạo bấy lâu nay được công chúng đón nhận. Còn người dân thì hân hoan, phấn khởi vì chính họ cũng trở thành chủ thể và là người được thụ hưởng những giá trị tinh thần lớn lao mà các Hội Báo Xuân mang lại.

Còn với Hội Nhà báo TP. Hà Nội- đơn vị có rất nhiều điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức Hội Báo Xuân, việc tranh thủ sự lãnh đạo của Thành phố, sự quan tâm, phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí với tổ chức Hội là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó đã chuẩn bị các điều kiện để thu hút bạn đọc và công chúng báo chí đến thăm quan các gian trưng bày: như tổ chức các hoạt động trao giải báo chí, xét các gian trưng bày đẹp, bìa báo đẹp, bài báo hay viết về Hà Nội tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong anh chị em phóng viên các cơ quan báo chí tham gia Hội Báo Xuân; Có cơ chế phù hợp để thực hiện xã hội hóa hoạt động quảng bá báo chí trong Hội Báo Xuân…

Như kinh nghiệm của Hội Nhà báo Thái Nguyên, Hội đã chủ động phối hợp với một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức Hội Báo xuân vừa tạo không khí, không gian lễ hội với nét truyền thống độc đáo, đồng thời làm phong phú các hoạt động tại Hội Báo Xuân. Mỗi đơn vị phối hợp đều mang đến Hội Báo Xuân lợi thế của riêng đơn vị mình; Góp chung không khí vui xuân với những người làm báo còn có đông đảo anh chị em văn nghệ sĩ Thái Nguyên. Các văn nghệ sỹ mang đến Hội Báo xuân những tác phẩm văn thơ, những cuốn sách đặc sắc dành tặng cho độc giả. Sau khi tổ chức Hội Báo Xuân tại địa phương nào thì Hội Nhà báo tỉnh tặng toàn bộ ấn phẩm cho địa phương đó, góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến người dân.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm của các Hội Nhà báo như Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc … thì đã tổ chức Hội Báo xuân với hình thức hướng về cơ sở, lồng ghép với lễ hội đầu xuân của từng địa phương nên đã thu hút đông đảo công chúng báo chí, thể hiện được rõ nét và sâu sắc ý nghĩa của Hội Báo Xuân.

Đặc biệt, tại hội thảo, các đại biểu còn đưa ra các kiến nghị, đề xuất nhằm mục đích nâng cao chất lượng Hội Báo Xuân hàng năm. Như đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam hàng năm nên sớm có văn bản chỉ đạo tổ chức hoạt động này (nên ban hành trước tháng 7). Văn bản này là căn cứ để Hội Nhà báo các tỉnh xin ý kiến UBND tỉnh trước khi xây dựng dự toán ngân sách hàng năm; Về phía chính quyền địa phương, đề nghị tiếp tục có sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí cho Triển lãm Báo Xuân…

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Mai Đức Lộc- Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam- đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và thành tích mà các Hội Nhà báo trong khu vực đã làm được trong việc tổ chức các Hội Báo Xuân những năm vừa qua. Đồng chí chia sẻ những khó khăn mà các Hội Nhà báo đã và đang phải khắc phục, đồng thời gợi mở rất nhiều ý tưởng mới, thiết thực, sâu sắc giúp các Hội Nhà báo có thêm những niềm tin và giải pháp hữu hiệu hơn.

“Để Hội Báo Xuân không chỉ là hoạt động của riêng Hội Nhà báo, của giới báo chí mà phải trở thành hoạt động của mỗi chính quyền địa phương và công chúng báo chí. Cùng với đó để chúng ta khơi dậy được lòng đam mê văn hóa đọc của quần chúng nhân dân, đặc biệt trong giới trẻ hiện nay. Làm sao để Hội báo Xuân ngày càng phong phú, sâu sát đến bạn đọc nhiều hơn và tạo được sức lôi cuốn. Có như vậy các Hội báo Xuân thường niên sẽ có nhiều khởi sắc mới”, đồng chí Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

Đồng chí Lê Trọng Lập- Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang đã trao Cờ luân lưu cho đồng chí Nguyễn Thế Dũng- Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang- đơn vị tổ chức Hội thảo nghiệp vụ khu vực lần thứ XII- năm 2017.

Tại hội thảo, đồng chí Lê Trọng Lập- Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang đã trao Cờ luân lưu cho đồng chí Nguyễn Thế Dũng- Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang- đơn vị tổ chức Hội thảo nghiệp vụ khu vực lần thứ XII- năm 2017. Cũng nhân dịp này, Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang đồng thời là chủ nhà đăng cai Hội nghị Tổng kết Công tác Thi đua Cụm 6 tỉnh miền núi Tây Bắc năm 2016.

Ngọc Lành

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/manh-dan-doi-moi-de-hoi-bao-xuan-that-su-an-tuong-hieu-qua/