Hồi sinh đế chế quân sự Nhật - Ấn?

Tokyo và New Delhi có thể phải đối phó với một Trung Quốc đang lên mà thiếu vắng Hoa Kỳ.

Chuyến thăm ba ngày của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sang Nhật Bản gần đây (từ ngày 11-13/11) là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Nhật Bản đang hướng tới một tầm cao mới. Quan trọng hơn, động thái này dường như là một tiến trình chắc chắn không chỉ hướng tới sự tái cấu trúc cán cân quyền lực khu vực mà còn nhằm hồi sinh một hướng kết nối tại châu Á.

Hải quân Ấn - Nhật trong cuộc tập trận Malabar 2016. (Nguồn: Wikimedia Commons/ US navy)

Bước tiến lớn trong chuyến thăm

Hiện tại, Nhật Bản và Ấn Độ đang thúc đẩy việc tái cấu trúc lại vị thế địa chính trị châu Á thông qua sự hợp tác về mặt kinh tế, chính trị và chiến lược. Ấn Độ đã thúc đẩy sự hỗ trợ của Nhật Bản trong việc gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG), hai bên đạt được tiến bộ dù chưa lớn nhưng chắc chắn đối với dự án tàu cao tốc Mumbai-Ahmedabad, còn Nhật Bản nới lỏng việc cung cấp thị thực cho sinh viên Ấn Độ và tạo thuận lợi cho việc đào tạo 30.000 người Ấn Độ tham gia các ngành sản xuất tại Nhật Bản.

Bên cạnh đó, hai bước tiến khác, cũng diễn ra trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Nhật Bản, có thể cải biến mối quan hệ Ấn-Nhật thành một liên minh địa chiến lược vững chắc ở châu Á. Một là quyết định của cả hai nước nhằm hợp nhất các hành lang hàng hải tiếp giáp lãnh hải của họ để tạo ra một vùng biển địa chiến lược rộng lớn đơn nhất nối từ Viễn Đông đến phía tây Ấn Độ Dương. Động thái này xây dựng nền tảng cho sự kết hợp "Chính sách hành động hướng Đông" của Ấn Độ với "Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mở cửa và tự do" của Nhật Bản.

Điều thứ hai là sự tiến bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán về việc bán máy bay tìm kiếm và cứu hộ US-2i Shinmaywa của Nhật Bản cho Ấn Độ. Thỏa thuận hiện đang được tiến hành này mang đến cơ hội to lớn cho việc mở rộng vành đai an ninh của Ấn Độ đến phía đông cũng như tăng cường khả năng của Ấn Độ trong việc tìm kiếm, cứu hộ và giám sát các vùng biển của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Cả hai bước tiến trên có thể điều chỉnh cán cân quyền lực châu Á bằng cách tái cấu trúc sức mạnh hàng hải trong vùng biển khu vực – đã ngày càng nghiêng về phía Trung Quốc kể từ đầu thập kỷ này.

Tiến trình tái sinh kết nối Ấn Độ-Thái Bình Dương

Khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đã nằm trong tính toán địa chiến lược của cả hai nước kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Abe nêu ra sự hợp tác khu vực trong bài phát biểu năm 2007 nổi tiếng của ông trước Quốc hội Ấn Độ.

Và cam kết hợp tác cùng nhau giữa Ấn Độ và Nhật Bản vì "hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và thế giới" trong tháng 12/2015 cũng bước đầu đánh dấu một mối quan hệ song phương mới – sức mạnh có thể thay đổi trật tự khu vực.

Trong khi chính phủ của ông Modi đã thay đổi "Chính sách nhìn về hướng Đông" thành "Chính sách hành động hướng Đông" và Nhật Bản cũng đã nhìn thấy sự hội tụ trong mục tiêu chung là duy trì sự ổn định của các vùng biển trên khắp châu Á, hợp tác trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương là cực kỳ quan trọng và sẽ là có lợi cho cả hai bên, đặc biệt là khi sự mở rộng hoạt động hàng hải đang kết nối Thái Bình Dương, Biển Đông và Ấn Độ Dương thành một liên kết duy nhất.

Đối với Nhật Bản, chiến lược trên sẽ giúp tăng cường "ba nguyên tắc luật pháp trên biển" được Thủ tướng Shinzo Abe vạch ra: Nguyên tắc đầu tiên là các quốc gia phải tuyên bố và làm rõ những yêu sách của mình dựa trên luật pháp quốc tế. Thứ hai là các quốc gia không được sử dụng vũ lực hoặc sự áp bức để cố gắng thúc đẩy các yêu sách của mình. Nguyên tắc thứ ba là các quốc gia phải tìm cách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Về phía Ấn Độ, thông qua hợp tác với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á như Malaysia và Việt Nam, Ấn Độ đang thể hiện cam kết trong Tầm nhìn chiến lược chung Mỹ-Ấn Độ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương.

Chuẩn bị đối phó diễn biến bất ngờ

Có những lo ngại chính đáng đến cả từ Nhật Bản và Ấn Độ trước một trật tự châu Á mới – khi người dẫn đầu Mỹ ngày càng xa rời trong khi Trung Quốc ngày một lớn mạnh. Điều này đang dần được hiện thực hóa khi có nhiều thông tin đề cập đến việc nước Mỹ dưới thời ông Trump thậm chí có thể tham gia vào sáng kiến “Nhất đới nhất lộ” (OBOR) của Trung Quốc tại châu Á.

Cùng với những lo ngại nghiêm trọng khác rằng ông Trump sẽ đưa nước Mỹ rời khỏi châu Á, cả Nhật Bản và Ấn Độ đang có một cơ hội thực sự để đánh giá sự hợp tác trong tương lai của họ và tìm cách lấp đầy khoảng trống Mỹ có thể để lại tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Lúc này Nhật Bản có thể cân nhắc về một trật tự khu vực thiếu vắng chiến lược "xoay trục sang châu Á" của Mỹ còn Ấn Độ có thể xem xét việc kết nối với các nước phía đông và khởi động lại chiến lược hành động về hướng Đông.

Theo các bước này, cả Nhật Bản và Ấn Độ có thể tái định vị lại sức mạnh kết hợp song phương tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương để cùng theo đuổi lợi ích chung từ Viễn Đông đến bờ biển Đông Phi.

Theo một giả định khác, nếu chính quyền ông Trump vẫn duy trì cam kết của Hoa Kỳ với châu Á, có thể sáng kiến quốc phòng bốn bên (QDI) sẽ hồi sinh, một lần nữa liên kết Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ dù với mục tiêu, khả năng và các cam kết khác.

Cho tới nay, Ấn Độ đã bày tỏ mong muốn tham gia QDI bằng cách chấp nhận Nhật Bản như là một thành viên thường trực của cuộc tập trận hải quân Malabar – cuộc diễn tập quân sự song phương lớn nhất giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ.

New Delhi cũng cho thấy sự sẵn sàng chưa từng có trong việc thể hiện vai trò trong vấn đề Biển Đông. Ấn Độ và Nhật Bản đã nêu vấn đề Biển Đông trong tuyên bố chung song phương sau khi ông Modi đến thăm Nhật Bản hồi đầu tháng này. Cả hai nước đã khẳng định rằng tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết dưới sự bảo trợ của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Trong khi đó, Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh kết nối với Việt Nam, Myanmar và Bangladesh thông qua các dự án cơ sở hạ tầng và hỗ trợ vốn nhằm mở rộng vai trò an ninh trong khu vực.

Còn Nhật Bản, bên cạnh việc diễn giải lại hiến pháp cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) có một vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ đồng minh, đã phân bổ 700 tỷ USD trong kế hoạch 5 năm để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới theo sáng kiến “Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng” (EPQI).

Với những bước đi này, sự gắn kết của Ấn Độ với Nhật Bản trong lĩnh vực hàng hải chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lan tỏa “đối chọi” với chiến lược Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc và mang tới một cơ hội đối phó với sự gia tăng hiện diện quân sự trái phép nhằm khẳng định đường chín đoạn của Bắc Kinh tại Biển Đông và sức mạnh cả ở Ấn Độ Dương.

Bên cạnh đó, tuyên bố chung Ấn Độ-Nhật Bản vừa qua cũng đề cập đến lợi ích của hai nước trong việc cùng nhau phát triển cảng Chabahar ở Iran; một tín hiệu cho thấy hợp tác song phương nhằm làm giảm sự lan tỏa của OBOR cũng có thể đang được xem xét. Điều này đặc biệt quan trọng khi cả hai nước đang mở rộng sự hợp tác của họ tại châu Phi. Nhìn chung, triển vọng cho một liên minh Ấn Độ-Nhật Bản đã được tăng cường sau chuyến thăm của ông Modi tới Nhật Bản.

(Theo NI)

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/hoi-sinh-de-che-quan-su-nhat-an-220412.html