Hội nước mắm Phú Quốc kêu gọi trả lại uy tín cho nước mắm truyền thống

Hội nước mắm Phú Quốc kiến nghị khẩn làm rõ vụ nước mắm nhiễm Asen để trả lại uy tín cho nước mắm truyền thống Việt Nam.

Ngày 22/10, bà Hồ Kim Liên, chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc, cho biết vừa gửi công văn cho chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và các cơ quan hữu quan của tỉnh nhằm yêu cầu hỗ trợ “minh oan” cho nước mắm truyền thống Phú Quốc.

Theo bà, việc Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINATAS) tổ chức họp báo và đưa ra thông cáo báo chí cho biết toàn bộ doanh nghiệp nước mắm truyền thống Phú Quốc đều bị nhiễm Asen đã làm cho người tiêu dùng hoang mang, ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu nước mắm Phú Quốc.

Ông Nguyễn Văn Nam - chủ doanh nghiệp nước mắm Nam Hương (TT. An Thới, PQ) đang kiểm tra chất lượng nước mắm trong nhà thùng của mình.

Ông Nguyễn Văn Nam - chủ doanh nghiệp nước mắm Nam Hương (TT. An Thới, PQ) đang kiểm tra chất lượng nước mắm trong nhà thùng của mình.

Trong công văn này, Hội nước mắm Phú Quốc kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Phú Quốc nhanh chóng chủ trì, tổ chức cuộc hội thảo khẩn cấp trong thời gian sớm nhất và mời các nhà khoa học chuyên ngành, các cấp lãnh đạo của các Bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ cùng các cơ quan báo đài để đánh giá khách quan, đúng bản chất về sự có mặt của Asen trong nước mắm truyền thống. Việc làm này nhằm chứng minh nước mắm Phú Quốc là sản phẩm truyền thống đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), đạt chuẩn được khối EU công nhận.

Bà Hồ Kim Liên cho rằng, VINATAS công bố danh sách 150 doanh nghiệp nước mắm bị nhiễm Asen, trong đó toàn bộ nước mắm truyền thống của PQ đều bị “dính” đã làm ảnh hưởng ghê gớm đến thương hiệu nổi tiếng này. Theo Hiệp hội nước mắm PQ, Asen có hai loại vô cơ và hữu cơ. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn kim loại nặng trong thực phẩm chỉ qui định

Bà Châu Ngọc Phụng - chủ doanh nghiệp nước mắm Phụng Hưng (PQ) đang kiểm tra mẫu mã trước khi xuất bán.

“Asen vô cơ” trong thực phẩm chứ không có qui định về “Asen tổng” và quy chuẩn này qui định mức giới hạn cho phép của Asen vô cơ trong nước mắm là 1mg/lít.

Bên cạnh đó, trong hồ sơ công bố sản phẩm nước mắm được Sở Y tế cấp thực hiện dựa theo Tiêu chuẩn VN cho từng doanh nghiệp tại địa phương thì không có qui định chỉ tiêu này. Và hơn nữa, tiêu chuẩn quốc tế CODEX STAN 302-2011 cũng không có qui định chỉ tiêu Asen.

“Việc VINATAS ra thông cáo về kết quả khảo sát nước mắm toàn quốc đã công bố 95,65% nước mắm có độ đạm từ 40% đạm trở lên được đánh giá là có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng qui định. Với việc công bố này, họ đã có ý gì khi đưa ra một kết luận thiếu căn cứ gây hoang mang cho người tiêu dùng và làm hại ngành sản xuất nước mắm truyền thống khi người tiêu dùng quay lưng lại với loại nước mắm có truyền thống hàng trăm năm này trong mỗi bửa ăn?”, Hội nước mắm PQ đặt câu hỏi.

Một nhà thùng sản xuất nước mắm cá cơm truyền thống ở Phú Quốc, Kiên Giang đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau vụ VINATAS công bố thông tin toàn bộ doanh nghiệp nước mắm truyền thống ở Phú Quốc (trong danh sách khảo sát) nhiễm Asen.

Chủ tịch Hội nước mắm PQ cho biết, tất cả các doanh nghiệp làm nước mắm tại PQ đều làm theo qui trình truyền thống có bề dày lịch sử hơn 200 năm. Năm 2001 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) tại Việt Nam, năm 2006 tiến hành đăng ký CDĐL tại Châu Âu và đến năm 2012 đã được EU công nhận. UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã ban hành qui chế sử dụng sản phẩn nước mắm PQ, đồng thời lập ra ban kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm. Tất cả các doanh nghiệp đều được chứng nhận, xác nhận đủ điều kiện ATVSTP trong sản xuất, kinh doanh thủy sản.

“Nước mắm PQ là sản phẩm du lịch của địa phương, đồng thời cũng là sản phẩm đạt Chỉ dẫn địa lý tại EU, sản phẩm có giá trị vô hình của nét văn hóa vùng miền, là thương hiệu quốc gia mà tất cả các doanh nghiệp nước mắm tại huyện PQ đang giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của đặc sản này. Vì vậy, để làm sáng tỏ vấn đề nhiễm thạch tín Asen trong nước mắm PQ nói riêng và nước mắm truyền thống nói chung cần được đánh giá đầy đủ và chính xác từ các cơ quan có chức năng. Việc tồn tại Asen hữu cơ trong nước mắm truyền thống không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, chủ tịch Hội nước mắm PQ Hồ Kim Liên nhấn mạnh.

Ngày hội nước mắm Phú Quốc được tổ chức để quảng bá hình ảnh các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý đến gần hơn với người tiêu dùng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm đã có chỉ dẫn địa lý.

Vào năm 2014, để tôn vinh thương hiệu đặc sản nước mắm PQ, tỉnh Kiên Giang và UBND huyện đảo Phú Quốc, Hội nước mắm Phú Quốc đã tổ chức hoành tráng Ngày hội nước mắm. Đây là chương trình nằm trong Tuần lễ truyền thông chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm. Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài trong số 38 sản phẩm được bảo hộ trong nước và nước ngoài của Việt Nam, đứng thứ hai trong khu vực ASEAN.

Việc tổ chức Tuần lễ nước mắm trên nhằm phổ biến các quy định mới về quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý đã thể hiện sự quan tâm của Việt Nam trong việc bảo hộ và phát triển chỉ dẫn địa lý nhằm đạt được sự công nhận rộng rãi hơn đối với các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm và thủ công mỹ nghệ đặc thù của Việt Nam. Việc đó cũng để quảng bá hình ảnh các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý đến gần hơn với người tiêu dùng; chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm đã có chỉ dẫn địa lý; giúp các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có cơ hội tiếp cận với nhiều thị trường hơn ở khu vực châu Á – EU, góp phần phát triển chuỗi giá trị, quảng bá sản phẩm xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam với thị trường châu Á và EU.

Vì thế, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng làm rõ vụ việc “nước mắm nhiễm asen” mà VINATAS đã công bố nhằm trả lại uy tín cho nước mắm truyền thống Việt Nam.

Những hình ảnh sản xuất nước mắm truyền thống ở Phú quốc:

Phương Nguyên

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/hoi-nuoc-mam-pq-keu-goi-tra-lai-uy-tin-cho-nuoc-mam-truyen-thong-d101864.html