Hội nhập từ... chuyện dân gian

Đã là người Việt Nam, ai cũng biết câu chuyện cổ tích Thạch Sanh. Trong câu chuyện này, nhân vật chính diện là Thạch Sanh, nhân vật phản diện là Lý Thông.

Thạch Sanh là người hiền lành, trung thực và có tài, là hiện thân của cái thiện. Lý Thông là kẻ bất tài nhưng gian manh, xảo quyệt, nhiều lần cướp công và rắp tâm hãm hại Thạch Sanh. Lý Thông là hiện thân của cái ác.

Cũng như tất cả câu chuyện cổ tích khác, chuyện Thạch Sanh có một cái kết rất có hậu, nói lên ước mơ ngàn đời của những người chân chính. Đó là cái thiện được tri ân và tôn vinh; cái ác phải bị trả giá và trừng trị.

Ở đâu đó cái ác chưa bị trừng trị và cái thiện chưa được tôn vinh thì người đời lại than rằng:

Trời ơi trời có biết không?

Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều!

Thạch Sanh có đức, không bao giờ trả thù kẻ đã hãm hại mình, ngược lại còn tha thứ và gia ân. Ngoài Lý Thông ra, kẻ thù xâm lược khi đã bị đánh bại, Thạch Sanh cũng cho họ một lối thoát. Chỉ với một niêu cơm Thạch Sanh, hàng vạn quân xâm lược được ăn uống no nê trước khi về cố quốc. Hay khi bị hãm hại trong ngục tối, với ngón đàn tài hoa của mình, Thạch Sanh đã gióng lên một thông điệp của tình yêu và ước mơ hạnh phúc đến muôn người…

Thạch Sanh được hưởng vinh hoa phú quý và được thiên hạ giao trọng trách trị vì muôn dân, âu cũng là ước mơ ngàn đời của nhân loại… Lý Thông bị trừng trị, âu đó cũng là lẽ công bằng. Vì tình nghĩa Thạch Sanh đã tha bổng cho Lý Thông nhưng lưới trời lồng lộng, Lý Thông bị lưỡi tầm sét của nhà trời trừng trị. Đó là lời cảnh tỉnh cho bất kỳ ai có tâm địa như Lý Thông.

Kho tàng chuyện cổ tích dân gian Việt Nam thật chí lý và giàu triết lý, không những mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp mà còn mang ý nghĩa pháp trị và thiên trị vĩnh hằng.

Ngày nay, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thông điệp của những câu chuyện cổ tích dân gian Việt Nam cũng cần được hội nhập để bạn bè năm châu bốn biển hiểu rõ về giá trị đạo lý và ước mơ ngàn đời của tổ tiên chúng ta…

Trước hết, bằng chuyện cổ tích, chúng ta tự răn chúng ta. Bằng chuyện cổ tích, chúng ta cảnh tỉnh với đối tác… Chẳng hạn, trường hợp “thượng nguồn tích thủy, hạ nguồn khan” nếu lặp lại, mẹ thiên nhiên sẽ nổi giận…

Luật gia Trần Thúc Hoàng (Bộ Thông tin và Truyền thông)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/hoi-nhap-tu-chuyen-dan-gian-20160322231318683.htm