Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp: Chính phủ kiến tạo, doanh nghiệp sáng tạo

Sáng 17/5, gần 2.000 đại biểu, đại diện doanh nghiệp đã đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Hội nghị lần này được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo động lực để “Chính phủ kiến tạo, doanh nghiệp sáng tạo”.

Ngay sau Hội nghị, chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ họp với các Bộ, ban, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp. Ảnh: C.T

Gần 2000 đại biểu tham dự

So với Hội nghị lần thứ nhất tổ chức vào tháng 4/2016 thì số doanh nghiệp tham dự Hội nghị lần thứ 2 năm nay cao gấp 4 lần. Trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI khoảng 200 người, khối doanh nghiệp Nhà nước có khoảng 100 đại biểu tham dự... Ngoài ra, Hội nghị có kết nối trực tuyến với các tỉnh thành nên tính chung cả lãnh đạo các tỉnh thành, doanh nghiệp tham gia hình thức trực tuyến, số đại biểu lên đến khoảng 10.000 người.

Theo Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp và sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, từ tháng 2/2017 đến nay VCCI đã tập hợp thêm 188 kiến nghị mới từ doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp và đã chuyển các Bộ, ngành, địa phương giải quyết. Các Bộ, ngành đã xử lý, giải quyết, trả lời 98 kiến nghị (đạt tỷ lệ 52,1%), còn 90 kiến nghị chưa trả lời, trong đó có một số kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ.

Cũng theo VCCI, các nội dung kiến nghị chủ yếu của cộng đồng doanh nghiệp tập trung vào các nhóm vấn đề chính như: Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp: Tập trung vào việc cải tiến thủ tục thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, thanh tra, kiểm tra, môi trường; tinh thần, thái độ phục vụ của các công chức làm việc trong lĩnh vực trên; yêu cầu các cơ quan Nhà nước cũng phải tuân thủ pháp luật, bình đẳng với các doanh nghiệp…

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ cho biết, đây là hội nghị quy tụ lực lượng doanh nghiệp đông đảo nhất từ trước đến nay.“Chính phủ hiểu rằng, những kết quả sau một năm thực hiện Nghị quyết 35/ NQ-CP của Chính phủ chỉ là những bước đi đầu tiên, kết quả khiêm tốn. Doanh nghiệp còn nhiều rào cản. Chính phủ cần nhận được sự hợp tác, góp ý của doanh nghiệp một cách thẳng thắn, chân thành, xây dựng”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Vẫn còn chậm trễ trong thực thi chính sách

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh những kết quả đạt được về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Cụ thể là đã cắt giảm 24 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; triển khai Chính phủ điện tử trong nhiều thủ tục hành chính như thuế, hải quan, đăng ký doanh nghiệp…

Đồng thời, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí và phòng chống tiêu cực, tham nhũng; đã có 63 tỉnh, thành phố đã ban hành các chương trình hành động; thành lập đường dây nóng, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp theo nhiều mô hình đa dạng. Ví dụ như Hội nghị “Lắng nghe và đổi mới” của TP Hồ Chí Minh; cà phê doanh nhân (Quảng Ninh, Trà Vinh, An Giang, Sóc Trăng…), khởi nghiệp - doanh nhân (Kon Tum), bác sỹ doanh nghiệp (Bắc Ninh)…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng ghi nhận kết quả trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng như: Các tổ chức tín dụng đã thực hiện cân đối vốn, ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; đồng thời, đề xuất gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp công nghệ cao…

Ngành tài chính cũng đã thực hiện chủ trương giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; điều chỉnh việc thu phí và giảm các khoản phụ thu bất hợp lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, ngành công thương đang xây dựng đề án phát triển thị trường trong nước…

Các Bộ: Công an, LĐTB&XH, KH&CN, Y tế, TN&MT, NN&PTNT, Tư pháp, Nội vụ, TT &TT, GD&ĐT, Xây dựng và các địa phương đang triển khai tích cực những nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35.

Mặc dù đã ghi nhận được những kết quả tương đối khả quan, song qua khảo sát ý kiến và những phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng khó khăn. Hiệu suất sinh lợi trên tài sản của các doanh nghiệp trong nền kinh tế đã giảm từ 6,6% năm 2012 xuống còn 3,2% năm 2015.

Trong các tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tuy có tăng nhưng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cũng bằng một nửa số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Nguyên nhân chính vẫn là do môi trường kinh doanh vẫn còn vướng mắc cần được giải quyết, tháo gỡ. Những kết quả đã đạt được mới chỉ là bước đầu so với những bất cập đang còn tồn tại, đã tích tụ từ nhiều năm.

Theo ông Lộc, môi trường kinh doanh chậm cải thiện nói trên, một mặt là do sự chậm trễ trong cải cách thể chế, một số quy định bất hợp lý trong các văn bản pháp luật đã không được bổ sung, sửa đổi kịp thời. Việc thực thi chính sách còn thiếu nhất quán. Chưa kể sự thay đổi chính sách đột ngột, thiếu lộ trình chuyển đổi...

Đồng tình với những quan điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, công tác cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa giải quyết triệt để sự không thống nhất giữa các luật về: Đầu tư, bảo vệ môi trường, đất đai, xây dựng… và dẫn đến vướng mắc trong thực thi.

Thêm nữa, sự liên thông trong giải quyết thủ tục đầu tư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp và các thủ tục khác còn chưa thông suốt, hiệu quả. Vẫn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề, gây khó khăn và gia tăng gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp; quy định và hướng dẫn về thủ tục thuế và hải quan, phân loại mã số hàng hóa xuất nhập khẩu chưa đủ rõ ràng.

Thủ tục cấp chứng nhận trong phòng cháy chữa cháy, đo khí thải, chất thải, bảo vệ môi trường; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khoáng sản, tài nguyên… theo phản ánh còn gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, số doanh nghiệp thành lập mới tuy tăng cao nhưng thực chất hiệu quả hoạt động còn rất thấp, chưa tập trung vào sản xuất vật chất, thậm chí chưa đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Cao Tuân

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/hoi-nghi-thu-tuong-chinh-phu-voi-doanh-nghiep-chinh-phu-kien-tao-doanh-nghiep-sang-tao-20170518082604037.htm