Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX- 2016: Kỳ vọng nhiều vấn đề của người viết trẻ được mổ xẻ

Sau rất nhiều mong đợi, Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27 đến 29-9-2016. 5 năm kể từ Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII diễn ra tại Tuyên Quang (2011), điều đáng mừng là văn đàn nước nhà đã chứng kiến sự thành danh của nhiều cây bút trẻ.

Những năm qua, Hội nhà văn Việt Nam với Ban nhà văn Trẻ trực thuộc, cùng nhiều tổ chức hội nghề nghiệp, cơ quan quản lý văn học nghệ thuật ở các tỉnh, thành đã thường xuyên có hoạt động nghề nghiệp như mở các lớp bồi dưỡng sáng tác, tổ chức trại viết, đi thực tế, giao lưu văn học, tổ chức Sân thơ Trẻ trong Ngày thơ Việt Nam… góp phần bồi dưỡng, động viên, cổ vũ, ghi nhận và tôn vinh những tác giả trẻ có tác phẩm hay, có tiềm năng sáng tạo.

Điểm nhìn thấy nổi trội chính là các cây viết trẻ hoạt động mạnh mẽ, lao động nghề nghiệp ngày càng chuyên nghiệp hơn, trưởng thành hơn, thường xuyên đăng tải, công bố, ấn hành tác phẩm mới, được trong và ngoài giới văn chương đánh giá tốt… Nhiều tác giả trẻ thuộc các thể loại thơ, văn, lý luận phê bình, dịch thuật, tham gia tích cực vào các diễn đàn văn học. Hay nhiều gương mặt đã giành được những giải thưởng văn học uy tín, và được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam hoặc các hội văn học nghệ thuật tỉnh, thành.

Hội nghị lần này được chuẩn bị từ tháng 6. Với tinh thần lựa chọn các tác giả thuộc các thể loại văn, thơ, lý luận phê bình, dịch thuật, sinh năm 1980 trở về sau, đã có tác phẩm được xuất bản, đã đăng tải tác phẩm trên báo chí, đặc biệt là các báo chí chuyên ngành văn học uy tín của trung ương, chú trọng hơn nữa đối với với các tác giả đã nhận được giải thưởng văn chương từ các tổ chức hội nghề nghiệp, cơ quan báo chí – xuất bản uy tín… Danh sách đại biểu được Hội bổ sung và thông qua là 113 tác giả, và thuộc tất cả các vùng miền và hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Hội nghị là dịp để các cây bút trẻ gặp gỡ, giao lưu với các bạn đồng nghiệp cùng thế hệ trong cả nước, cùng nhìn lại và nhận diện rõ hơn về bức tranh văn học trẻ; cùng lắng nghe, ghi nhận những ý kiến, nguyện vọng của các đại diện cho người viết trẻ toàn quốc…Để rồi, ít nhiều, Hội nhà văn Việt Nam, các tỉnh, các tổ chức xã hội hướng tới những chương trình, cơ chế, hoạt động, cơ chế nhằm bồi dưỡng, hỗ trợ tốt hơn cho những người viết trẻ.

Ngày 28-9, vào 20h, tại Nhà văn hóa học sinh, sinh viên Hà Nội (bên hồ Thiền Quang) sẽ diễn ra Dạ hội thơ “Bản hòa âm tháng 9” do Ban nhà văn Trẻ tổ chức, với sự tham dự của các đại biểu và lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam, các hội đồng, ban chuyên môn, cơ quan trực thuộc và đại diện một số cơ quan văn hóa, xuất bản… khác. Trong chương trình sẽ có phần đọc thơ, trình diễn thơ, giao lưu với một số gương mặt thơ, văn, lý luận phê bình, dịch thuật .Ngày 29-9, tại Bảo tàng Văn học sẽ diễn ra hai tọa đàm, trao đổi, bàn thảo một số nội dung liên quan đến ý thức, thái độ, công việc sáng tác và tác phẩm của người trẻ trước thời cuộc, trước thực tế xã hội, cũng như những vấn đề tìm tòi, đổi mới nghệ thuật và nỗ lực làm mới, làm khác trong sáng tác trẻ. Cụ thể hai tọa đàm là:“Văn trẻ – Nhập cuộc và sáng tạo”; “Thơ trẻ – Truyền thống và cách tân”. Buổi bế mạc diễn ra vào buổi trưa ngày 29-9 tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Dạ Miên

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/ky-vong-nhieu-van-de-cua-nguoi-viet-tre-duoc-mo-xe/