Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao NATO mong muốn tăng cường quan hệ với Nga

Tại hội nghị ở Brussels, Bỉ, Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao của 28 quốc gia thành viên NATO đã đạt được đồng thuận về một số vấn đề liên quan đến chiến lược mới của liên minh quân sự này.

Theo bản dự thảo "quan niệm chiến lược" mới, NATO sẽ chuẩn bị để đối phó với những mối đe dọa mới và mở rộng nhiệm vụ của mình ra bên ngoài lãnh thổ các nước thành viên NATO. Tuy nói là mới nhưng quan niệm chiến lược này đã được xây dựng cách đây 11 năm. Điểm đáng quan tâm nhất là trở ngại trong quá trình xây dựng "quan niệm chiến lược" mới của NATO. Trong khi Đức, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Na Uy muốn Mỹ rút kho vũ khí hạt nhân đặt trên lãnh thổ của mình thì Pháp, Anh và một số nước Đông Âu lại ủng hộ việc này. Giới chuyên môn quan tâm tới lời kêu gọi của Mỹ - thúc giục các đồng minh đầu tư vào hệ thống phòng thủ tên lửa chung, tránh cắt giảm chi phí quốc phòng trong thời gian tới. Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đều mạnh mẽ ủng hộ một NATO nhanh nhạy, có khả năng bảo vệ và đối phó với các vụ tấn công mạng cũng như tên lửa đạn đạo. Ông Anders Fogh Rasmussen và Ngoại trưởng Hillary Clinton. Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, các bộ trưởng đã nhất trí với kế hoạch cải tổ và cắt giảm số cơ quan của NATO để tiết kiệm (hàng chục triệu USD/năm) do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính. Việc giảm số trụ sở và cơ quan của NATO đồng nghĩa với số nhân viên làm việc tại tổ chức này sẽ bị cắt giảm từ 13.000 người hiện nay xuống còn 9.000 người. Ông Anders Fogh Rasmussen cũng cho biết, hội nghị đạt sự đồng thuận về hệ thống phòng thủ tên lửa chung bảo vệ lãnh thổ của tất cả các nước thành viên. Nội dung chiến lược mới của NATO được các đại biểu thảo luận hôm 14/10 sẽ được thông qua và công bố tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lisbon, Bồ Đào Nha (diễn ra từ ngày 19 đến 20/11). Tuy nhiên, ông Anders Fogh Rasmussen cũng nhấn mạnh, "quan niệm chiến lược" mới của NATO cần xác định các nguyên tắc phát triển của tổ chức này trong 10 năm tới, đồng thời đề ra những nhiệm vụ cơ bản và nêu lên những mối đe dọa chính đối với an ninh của các nước thành viên. Tổng Thư ký Anders Fogh Rasmussen hy vọng Nga sẽ tham gia xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa này. Pháp cho rằng, việc tham vấn Nga trong quá trình xây dựng "quan niệm chiến lược" mới của NATO đóng vai trò quan trọng. Trong một diễn biến liên quan, quân đội Nga đang có kế hoạch triển khai tên lửa chiến thuật Iskander-M tại cả 4 khu vực quân sự trong tương lai. Trong tương lai, các khu vực quân sự sẽ được thay thế bằng Bộ Tư lệnh chiến lược thống nhất. Đây là tuyên bố hôm 14/10 của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Nga, tướng Nikolai Makarov. Theo giới quân sự, tên lửa Iskander của Nga có những tính năng độc nhất vô nhị, khả năng ưu việt và hiệu quả gấp từ 5 đến 8 lần so với các tên lửa cùng loại của các nước khác

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/quocte/2010/10/138504.cand