Hồi ký, tự truyện, ghost-writer và chủ nghĩa cá nhân

Thời gian gần đây, newsfeed trên Facebook của tôi xuất hiện thường xuyên những đoạn quảng cáo về “ghost-writer”, tức “dịch vụ viết thuê”. Nó mới mẻ đến nỗi cụm từ tiếng Anh vẫn chưa được “Việt hóa”.

Chấp bút - công việc giúp biến ý tưởng hay chất liệu “thô” của “thân chủ” thành tác phẩm hoàn chỉnh, dường như đang dần trở thành một “nghề” mới, mà đằng sau nó là những chỉ dấu dịch chuyển xã hội thú vị đang diễn ra từng ngày.

Nếu bạn đến một thành phố phương Tây, bước vào nhà sách bất kỳ, trên kệ sách đầu tiên, được trưng bày ấn tượng nhất và hút ánh nhìn trước nhất của bạn, ắt hẳn là những bìa sách mới nhất với gương mặt của những “celebrity” (người nổi tiếng). Dòng sách tự truyện, hồi ký của “người công chúng” - diễn viên, ca sĩ, người mẫu, cầu thủ, chính trị gia... - từ lâu đã luôn là con ngỗng đẻ trứng vàng của ngành kinh doanh xuất bản phẩm.
Cũng dễ hiểu, chuyện đời tư người nổi tiếng, bất kể thời nào, bất kể ở đâu, cũng là nguồn cơn tò mò vô tận của công chúng. Mang tính giải trí cao, dễ đọc với độc giả phổ thông, tự truyện, hồi ký người nổi tiếng, dĩ nhiên luôn ngự trị vị trí mặt tiền của mọi nhà sách.

Nhưng bạn sẽ hỏi, diễn viên, ca sĩ, người mẫu, ngôi sao thể thao..., đâu phải ai cũng có khiếu văn chương, để chuyển tải câu chuyện đời ly kỳ của họ lên trang sách. Có cầu ắt có cung, “thị trường” dịch vụ viết thuê thành hình. Một nghề nghiệp mới ra đời - “ghost-writer” - những người chấp bút thuê để biến ý tưởng, lời kể, câu chuyện của “sao” thành những cuốn sách thực thụ.

Ở Hà Nội hay Sài Gòn, từ nhiều năm trước, đã có những nhà sách mà sự hào nhoáng và cách trưng bày cũng như số lượng ấn phẩm của nó không khác nhiều với các nhà sách ở các thành phố phương Tây. Nhưng một điểm khác biệt dễ thấy, bước chân vào những nơi đó, chúng ta hiếm khi bắt gặp gương mặt của những “người của công chúng” trên những kệ sách mặt tiền.

Vì sao vậy, con ngỗng đẻ trứng vàng của ngành xuất bản thế giới, sao vắng bóng ở Việt Nam? Đời sống văn hóa, giải trí đã có xu thế thương mại hóa từ lâu, thị trường giải trí đâu thiếu những gương mặt đình đám? Ở một đất nước chuộng chữ nghĩa, chúng ta đâu có khan hiếm những người “chấp bút thuê”? Và người Việt, tâm tính hiếu kỳ cũng đâu có thua kém gì ai?

Chấp bút - công việc giúp biến ý tưởng hay chất liệu “thô” của “thân chủ” thành tác phẩm hoàn chỉnh, dường như đang dần trở thành một “nghề” mới, mà đằng sau nó là những chỉ dấu dịch chuyển xã hội thú vị đang diễn ra từng ngày: sự thể hiện con người cá nhân.

Vậy nên, nếu có một lý do, ắt hẳn là do “người nổi tiếng” còn ngại ngần đưa chuyện đời mình lên trang sách. Bởi một câu chuyện đời, muốn “ăn khách”, hẳn nhiên phải “thật”. Tất cả những mảng màu sáng, tối, những cao cả, đớn hèn, những tốt xấu thị phi, không thể né tránh mà cần chân thật bày ra trước công chúng. Nhưng chính tại đây, một bức tường vô hình án ngữ, không dễ vượt qua - những định kiến văn hóa đã ăn sâu dài lâu trong tâm thức người Việt: ‘‘Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”. Những mảng màu xám của đời sống đâu có dễ phô ra, “vạch áo cho người xem lưng” xưa nay vốn là thứ tối kỵ. Sự khác biệt Đông - Tây, đến đây mới lộ ra mồn một. Phương Tây, nơi chủ nghĩa cá nhân đã hình thành và phổ biến từ vài trăm năm nay, sự thể hiện con người cá nhân - tốt và xấu, hoàn toàn chân thực - là sự bình thường. “Người của công chúng”, do đó không gặp nhiều khó khăn để thể hiện cái tôi vốn có của chính mình. Và công chúng, trong một xã hội quen thuộc tôn trọng con người cá nhân, việc đón nhận những câu chuyện người khác cũng hoàn toàn thoải mái.

Vậy nên, với tôi, việc bắt gặp những mẩu quảng cáo về “ghost-writer” là cả một sự ngạc nhiên thú vị. Và nhìn sâu vào thị trường sách, càng hào hứng hơn, bởi đi cùng với sự manh nha của nghề “chấp bút thuê”, một loạt tự truyện và hồi ký, dù chưa nhiều, nhưng lần lượt lên kệ - chỉ dấu cho một con sóng đã thực sự bắt đầu. Hơn mười năm nhìn lại, từ Lê Vân yêu và sống đến Thương Tín, một đời giông bão, quả thực là một bước đi dài.

Viết đến đây, những hồi tưởng lan man đưa tôi trở lại với câu chuyện về Phạm Văn Quyến, cậu bé vàng của làng bóng đá, “thần tượng” của không ít người ở thế hệ tôi. Đó là năm 2003, lúc Quyến ghi bàn duy nhất và Việt Nam quật ngã Hàn Quốc - một chiến thắng “không tưởng” lúc bấy giờ. Trong niềm hân hoan chiến thắng, khi chuẩn bị để trả lời báo chí, những “người lớn” có trách nhiệm ở đội tuyển hỏi anh, một câu cũ rích như “sách giáo khoa” mà họ biết chắc chắn giới phóng viên sẽ hỏi: “Quyến sẽ dành bàn thắng này tặng ai?”. Rất thành thật, Quyến trả lời ngay, bàn thắng tặng cho “mẹ Niềm” - người quan trọng nhất trong cuộc đời của anh. Nhưng lập tức, Quyến được “gợi ý” rằng, một bàn thắng đẹp như thế, một chiến thắng vang dội như thế tất nhiên phải dành tặng cho đất nước, cho toàn thể người hâm mộ Việt Nam. Mọi chuyện trong phòng họp báo sau đó đã diễn ra đúng “kịch bản” định sẵn. Báo chí hỏi, và Quyến đáp” “bàn thắng dành cho đất nước, cho người hâm mộ”. Những cảm xúc riêng tư và thành thực nhất của Quyến đã phải gác sang một bên để làm “đẹp” cho “màu cờ, sắc áo”.

Tôi không ngạc nhiên khi cũng trong khoảng thời gian đó, năm 2005, tự truyện Lê Vân yêu và sống vừa ra đời đã gây sóng gió dư luận. Lê Vân sớm phải hứng chịu nhiều “gạch đá”. Quyển tự truyện, mà người chấp bút là nhà thơ Bùi Mai Hạnh, lần đầu tiên đưa ra trước bàn dân thiên hạ những câu chuyện thực rất con người, rất trần trụi với nhiều gam màu tối của một gia đình nghệ sĩ nổi tiếng bậc nhất đương thời.

Dù cuốn sách trở thành một hiện tượng xuất bản, và một loạt nghệ sĩ, được khích lệ bởi người mở đường Lê Vân, đã tuyên bố ý định ra tự truyện riêng của mình. Nhưng rốt cuộc, họ dần chùn bước, kể cả khi “showbiz” và thị trường văn hóa “giải trí thương mại” thực sự đã hình thành, giới nghệ sĩ không thiếu người “sở hữu” những chuyện đời tư ly kỳ, thậm chí còn “nóng” hơn Lê Vân... Khi văn hóa tập thể, chủ nghĩa cộng đồng vẫn còn ngự trị ở vị trí ưu tiên, con người cá nhân phải chấp nhận lùi xuống. Con sóng “tự truyện”, dù có quả bộc phá Lê Vân yêu và sống dữ dội mở đường, rốt cuộc đã chưa thể thành hình.

Sự gián đoạn đó kéo dài gần mười năm. Đánh dấu khoảng giữa mười năm đó, Facebook vào Việt Nam và sớm trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của đa số lớp trẻ Việt. Chẵn mười năm sau Lê Vân, lại một diễn viên khác, Thương Tín, tiếp bước con đường. Thương Tín, một đời giông bão ồn ào và nặng màu sắc “thương mại”, được chấp bút bởi nhà báo Đinh Thu Hiền, cũng nhận về không ít tranh cãi, thị phi, nhưng giới nghệ sĩ đã không còn chùn bước như mười năm trước. Không phải một mà là một loạt chuyện đời người nổi tiếng hối hả lên kệ. Dẫn đầu vẫn là những nghệ sĩ thành danh có đông đảo người ái mộ: nghệ sĩ sân khấu Thành Lộc có Tâm thành và Lộc đời, nghệ sĩ sân khấu Kim Cương ra Sống cho người, sống cho mình, ca sĩ, diễn viên Ái Vân ra Để gió cuốn đi. Từ giới nghệ sĩ, con sóng vươn xa sang những người nổi tiếng ở các lĩnh vực khác. Những học giả, thương nhân... không còn ngại ngần đưa chuyện đời vào trang sách: học giả Trần Văn Khê, doanh nhân thành đạt Lý Quí Trung. Hồi ký chính trị, dè dặt và khó khăn hơn nhưng cũng theo bước “trình làng”, bằng cách này cách khác, dù không lên được kệ sách vẫn tìm đường tiếp cận độc giả trực tuyến.

Đối với tôi, sự phổ biến của dòng sách tự truyện, hồi ký - ở cả hai khía cạnh, sự “dũng cảm” của cá nhân người kể, lẫn sự tiếp nhận đã bớt hẳn khắt khe và định kiến từ người đọc, cho thấy những dấu hiệu khởi sắc của chủ nghĩa cá nhân. Con sóng toàn cầu hóa kinh tế, không biết rốt cuộc có thể (và nếu có thì đến bao giờ) đánh sụp những thành trì văn hóa của chủ nghĩa tập thể hay không. Nhưng ít nhất hôm nay nó đã làm xói mòn đáng kể những định kiến và nếp nghĩ kéo dài hàng ngàn năm của người Việt.

Tôi tự hỏi, nếu một ngày Quyến viết tự truyện, câu chuyện thăng trầm của đời anh, cả những bàn thắng và khoảnh khắc bùng nổ trái tim của hàng triệu người yêu bóng đá, lẫn những cám dỗ và những ngày đen tối trong vòng lao lý sẽ được kể lại thế nào. Miễn là Quyến muốn kể và dám kể, những “ghost-writer” sẽ giúp anh làm việc đó. Bao giờ điều đó xảy ra là điều không ai dám chắc. Tôi chỉ dám chắc một điều, nếu “cậu bé vàng” Văn Quyến ngày nào ghi bàn thắng “vàng” hôm nay, trên Facebook cá nhân của anh, bàn thắng đó chắc chắn sẽ được dành tặng người mẹ của mình!

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/156042/hoi-ky-tu-truyen-ghost-writer-va-chu-nghia-ca-nhan.html/