Hội Kiến trúc sư Tp.HCM muốn chỉnh trang nhà ven sông như Venice hay Amsterdam

Ngày 28/11, Hội Kiến trúc sư TP HCM tổ chức hội thảo “Nhà ở trên kênh rạch: Thực trạng và giải pháp”. Có ý kiến cho rằng không nên giải tỏa trắng nhà và dân cư ven kênh mà nên chỉnh trang thành các thành phố nổi như tại Venice (Ý) hay Amsterdam (Hà Lan).

Từ năm 1993 đến nay, TPHCM đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho khoảng 36.000 hộ gia đình sinh sống trên và ven kênh rạch, tập trung vào 5 tuyến kênh rạch chính là Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi - Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện TPHCM vẫn còn hơn 20.000 căn nhà lụp xụp trên và ven những tuyến kênh ô nhiễm nặng. Thành phố phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hoàn tất công tác di dời toàn bộ số căn nhà này, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch.

Theo kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPH CM để chỉnh trang đô thị, giải tỏa nhà ở trên và ven kênh rạch, đưa dòng kênh xanh trong trở lại, giữ lại nét văn hóa “trên bến dưới thuyền” của TP HCM thì bài toán cốt lõi là các chính sách triển khai của TP phải phù hợp với quan điểm, tiếng nói chung của các nhà làm quy hoạch, các chuyên gia về kinh tế, xã hội, các nhà đầu tư và nhất là với người dân thuộc diện di dời.

KTS Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, chìa khóa tháo gỡ chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch là phải bồi thường thỏa đáng, thu hút đầu tư, biến vùng đất giải tỏa thành dự án phát triển bất động sản có giá trị sinh lời cao.

Trong khi đó, theo TSKH - KTS Ngô Viết Nam Sơn muốn tháo gỡ trở ngại lớn nhất về vốn đầu tư, định hướng chỉnh trang đô thị, thành phố cần có đổi mới một số cơ chế nhất định, trong đó khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia.

Về định hướng chỉnh trang, cần đảm bảo không gian cách ly không cho ô nhiễm thoát ra kênh rạch, tổ chức giao thông thủy công cộng dọc ven kênh, phát triển khu vực tiềm năng như phố dịch vụ thương mại hoặc phố đi bộ ven kênh rạch cũng như bảo tồn không gian quy hoạch kiến trúc mang đặc trưng sông nước.

Về phương án kiến trúc, KTS Nguyễn Hữu Thái cho hay kinh nghiệm của các nước trên thế giới khi giải tỏa các nhà trên kênh rạch, nếu có đến 60%-70% người dân ở lại là thành công. Như vậy, làm sao ít nhất 50% người dân ở lại, làm sao cho nét đẹp của TP, nét đẹp đặc thù ở miền Nam là sống trên kênh rạch được tồn tại.

“Trên thế giới vẫn có nhiều kênh mà nhà cửa sát mép kênh, phát triển du lịch đi thuyền trên kênh rất đẹp. Vì vậy, các kiến trúc sư phải nghiên cứu thêm. Không phải giải tỏa sạch hai bên là tốt. Vấn đề còn lại là làm sao để nếp sống đó sạch sẽ, kỷ luật hơn” - KTS Thái nêu ý kiến.

TS-KTS Nguyễn Thiềm cho rằng việc chừa hành lang giao thông - cây xanh ven kênh Đôi đường Phạm Thế Hiển (và một số nơi khác) là khá đơn điệu. Bởi chỉ có mảng cây xanh xuyên suốt kênh. Không những vậy phương án này còn phi kinh tế do việc đầu tư quá lớn mà không mang lại hiệu quả xã hội đáng kể.

Theo TS-KTS Nguyễn Thiềm thì chưa thấy nước nào quy định về hành lang sông, rạch vì đất đai hai bên sông, rạch là các khu đất vàng, được khai thác nhằm đem lại lợi ích cho địa phương và nhà đầu tư. Duy trì hành lang sông, rạch vừa làm lãng phí đất đai và làm giảm giá trị kiến trúc và giá trị sử dụng của công trình.

“Tại sao nhiều năm nay người dân vẫn tồn tại trong mô hình nhà ở ven kênh rạch? Chúng ta đừng nghĩ giải tỏa trắng là thành công vì trong đó có một bộ phận người dân muốn sống như vậy. Tôi cho đó là cảnh quan, nên giữ và phát huy nó, biến nó thành lịch sử phát triển của đô thị”, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở QH-KT TP HCM nêu quan điểm.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/hoi-kien-truc-su-tp-hcm-muon-chinh-trang-nha-ven-song-nhu-venice-hay-amsterdam-20161129090057597p148c163.news