Hội do Nhà nước chỉ đạo thành lập được cấp kinh phí

Đây là nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật về hội, được Quốc hội thảo luận tại hội trường trong ngày làm việc hôm nay 25-10.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu ý kiến về dự thảo Luật về hội.

Không cứng nhắc mô hình về hội từ trung ương tới địa phương

Giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật về hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Dự thảo Luật trình Quốc hội (khóa XIII) quy định “Đối với các hội thành lập do nhu cầu của Đảng và Nhà nước, được ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động”. Về vấn đề này có hai loại ý kiến:

Ý kiến thứ nhất đề nghị thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (năm 2015), có như vậy mới bảo đảm sự bình đẳng giữa các hội, tránh cơ chế xin cho;

Ý kiến thứ hai tán thành quy định của dự thảo Luật.

Theo báo cáo giải trình, về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, để thể chế hóa Kết luận số 102-KL/TW ngày 22-9-2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng và bảo đảm thống nhất với Luật Ngân sách Nhà nước, dự thảo Luật đã quy định chính sách đối với hội phù hợp với chủ trương của Đảng và thống nhất với Luật Ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, đối với các hội do Đảng, Nhà nước có nhu cầu, chỉ đạo thành lập và giao thực hiện các nhiệm vụ thì Nhà nước tiếp tục cấp kinh phí.

“Luật Ngân sách Nhà nước đã quy định việc cấp kinh phí cho hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội là nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương và địa phương”, ông Nguyễn Khắc Định phân tích.

Liên quan đến các hội đã được giao biên chế, ông Nguyễn Khắc Định cho biết: Kinh phí hoạt động giữ ổn định đến hết năm 2016; từ năm 2017 đến năm 2020 từng bước thực hiện khoán kinh phí hoạt động cho hội theo lộ trình phù hợp, tiến tới thực hiện nguyên tắc tự trang trải kinh phí, Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo nhiệm vụ được giao.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Luật Ngân sách Nhà nước quy định nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương và địa phương là hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Riêng các hội còn lại hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải kinh phí hoạt động, Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được giao.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, thể chế hóa chủ trương của Đảng, dự thảo Luật quy định “một trong những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội là hội phải tự trang trải kinh phí hoạt động (khoản 2 Điều 5), Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động để hội thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao (khoản 4 Điều 7)”- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chốt nội dung giải trình về cơ chế chính sách tài chính đối với hội.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) cho rằng: Không nên “cứng nhắc” là hội nào cũng có mô hình từ cấp Trung ương đến địa phương để bộ máy đỡ cồng kềnh, và hạn chế sử dụng kinh phí.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhận xét: Quy định về chính sách tài chính đối với hội được tiếp thu, giải trình rõ ràng, phù hợp thực tế.

Hội không nhận tài trợ của nước ngoài?

Vấn đề gia nhập, liên kết với các hội nước ngoài cũng nhận được sự quan tâm thảo luận của nhiều đại biểu.

Khoản 5 Điều 8 của dự thảo Luật quy định “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.

Về vấn đề này có hai loại ý kiến:

Ý kiến thứ nhất, tán thành quy định của dự thảo Luật nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá Nhà nước và chế độ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ (cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội), hiện nay cả nước có khoảng 63.000 hội có đăng ký và đang hoạt động thì số lượng hội có liên kết, gia nhập, nhận tài trợ nước ngoài không nhiều; do đó, đối với các trường hợp đặc biệt này sẽ do Chính phủ quy định cụ thể là hợp lý.

Ý kiến thứ hai cho rằng, quy định này của dự thảo Luật là không phù hợp với chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, khép lại kênh quan hệ quốc tế rất quan trọng của ngoại giao nhân dân, mất đi cơ hội huy động và tiếp nhận một nguồn kinh phí đáng kể phục vụ hoạt động của các hội trong điều kiện hội hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự trang trải kinh phí. Việc quy định các trường hợp đặc biệt có thể dẫn tới sự bất bình đẳng giữa các hội và tạo nên cơ chế xin- cho, phức tạp thêm thủ tục hành chính.

“Dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo loại ý kiến thứ nhất”- ông Nguyễn Khắc Định báo cáo trước Quốc hội.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng: Quy định cứng như dự thảo nếu được thông qua sẽ mâu thuẫn với thực tế hiện nay. Bởi thực tế, như Hội chữ thập đỏ Việt Nam vẫn thường xuyên tiếp nhận viện trợ nước ngoài, và có cả việc Hội chữ thập đỏ Việt Nam viện trợ nhân đạo đối với một số nước. Theo đại biểu: “Các hội liên quan đến lĩnh vực y tế vẫn nhận tài trợ từ nước ngoài như thuốc men, vật tư y tế phục vụ khám chưa bệnh cho nhân dân”.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét thấu đáo đối với quy định khoản 5 điều 8 (Các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội) để quy định đưa ra vừa ngăn chặn được các tổ chức có nguy cơ xâm hại an ninh quốc gia nhưng cũng phải mở nhằm phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước.

Theo chương trình làm việc, Quốc hội dành cả ngày hôm nay để thảo luận các vấn đề liên quan đến Luật về hội.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hoi-do-nha-nuoc-chi-dao-thanh-lap-duoc-cap-kinh-phi.aspx