Hội đàm kinh tế chiến lược Trung - Mỹ: Tiền tệ và những chính sách liên quan tới cán cân thương mại

VIT - Chắc chắn trong các cuộc họp giữa những thành viên cấp cao của cả hai phía tham gia Hội đàm kinh tế chiến lược Trung – Mỹ, cán cân thương mại sẽ là chủ đề không thể bỏ qua. Và chắc chắn, những vấn đề có liên quan tới chủ đề này sẽ không đơn thuần dừng lại ở tỷ giá hối đoái.

Trong cả một thời gian dài, các nhà phân tích đã chỉ ra rằng sự thao túng của tỷ giá hối đoái chính là nguyên nhân của sự mất cân bằng cán cân thanh toán, hay chính xác hơn là sự bất cân bằng giữa những gì mà một quốc gia sản xuất ra so với những hàng hóa mà quốc gia đó đang tiêu thụ. Khi đồng yên Nhật và đồng mark Đức lên giá rất nhanh so với đồng đôla Mỹ sau khi thỏa ước Plaza (Plaza Accords) được ký kết hồi tháng chín năm 1985, rất nhiều chuyên gia phân tích đã tin rằng thặng dư thương mại của hai quốc gia này đối với Mỹ chắc chắn sẽ suy giảm. Về mặt nào đó, họ đã đúng. Thặng dư thương mại của Đức đối với Mỹ đã giảm đi, nhưng mặc dù đồng yên Nhật đã tăng giá lên gấp đôi so với lúc trước, thặng dư thương mại của Nhật Bản vẫn tăng lên. Thực tế, điều này cũng không thực sự đem lại nhiều ngạc nhiên. Nhằm đối phó với những bất lợi của thỏa ước Plaza, Nhật Bản đã thực thi chính sách tín dụng lãi suất thấp đối với các doanh nghiệp sản xuất trong khi ngầm bảo đảm cho các khoản vay của ngân hàng. Kết quả là hàng hóa dành cho xuất khẩu tiếp tục tăng lên mặc dù hàng hóa dành cho tiêu dùng bị giảm đi. Và chính vì thế, thặng dư thương mại với Mỹ vẫn tăng lên. Giờ đây, có vẻ như Trung Quốc cũng đang cố gắng lặp lại điều này. Hàng loạt các chính sách mới được ban hành trong đó bao gồm cả chính sách cho vay với lãi suất thấp dưới áp lực của ngân hàng trung ương, chính sách hỗ trợ mảng năng lượng, hàng hóa, và quan trọng hơn cả là hàng loạt quy định bảo hiểm tín dụng dành cho những khoản đầu tư vào sản xuất cũng như đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Ngay tại thời điểm này, thặng dư thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ cũng không nhất thiết phải tăng lên quá cao. Trong ngắn hạn, người tiêu dùng Mỹ vẫn đang phải chịu đựng tình trạng kinh tế trì trệ trong khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao. Trong vòng vài năm tới, sự tiêu thụ hàng hóa của Mỹ sẽ tăng trưởng chậm hơn rất nhiều so với tốc độ sản xuất, và do đó, thâm hụt thương mại sẽ giảm đi. Ngay lúc này, điều mà Mỹ nên quan tâm là những gì mà Trung Quốc đang thực hiện cho dù việc lãi suất tiết kiệm của Mỹ tăng lên tất yếu sẽ dẫn đến việc tái cân bằng giữa hai quốc gia. Kịch bản tốt nhất dành cho Mỹ là sự tăng trưởng vững chắc của GDP cả nước phải dựa vào sức tiêu thụ mạnh của người tiêu dùng và ngược lại, kịch bản tồi tệ nhất sẽ diễn ra khi mà nhu cầu tiêu thụ của người dân Mỹ giảm đi, kéo theo sự suy giảm của chỉ số GDP cả nước. Đối với Trung Quốc, kịch bản tốt nhất là sự bùng nổ của nhu cầu tiêu dùng trong nước đi kèm với tăng trưởng GDP không tăng quá cao. Kịch bản tồi tệ nhất, tất nhiên là sự sụt giảm mạnh của cả tiêu dùng và tăng trường GDP hàng năm. Cả hai quốc gia này đều sẽ phải đối mặt với việc cân bằng nhu cầu lao động trong ngắn hạn và những điều chỉnh mang tính dài hạn. Khi chính phủ Mỹ chạy đua để giải quyết những khoản nợ mà người dân Mỹ vướng vào nhờ thói quen mua bán qua thẻ tín dụng, Mỹ sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn và cho Trung Quốc thêm nhiều thời gian để điều chỉnh chính sách. Và chi phí của việc này chính là việc phải duy trì lãi suất tiết kiệm ở mức thấp. Về phía Trung Quốc, việc bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính thông qua những khoản nợ mới sẽ góp phần tạo thêm nhiều việc làm trong ngắn hạn nhưng lại tạo thêm áp lực và làm giảm bảng tổng kết tài sản của chính phủ trong dài hạn. Cả Mỹ và Trung Quốc cần phải có thời gian để điều chỉnh. Nếu như cuộc hội đàm lần này thất bại trong việc đưa ra thời gian cho sự điều chỉnh thương mại cũng như sự hợp tác về các chính sách tiền tệ, tài chính giữa hai quốc gia, chắc chắn cả hai nước sẽ được chứng kiến sự tái cân bằng kinh tế nhưng với tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn hẳn. Bên cạnh đó, một khi việc tăng cường tiết kiệm của Mỹ xung đột với sự gia tăng sản xuất hàng hóa của Trung Quốc, cả hai sẽ cùng bị cuốn vào những chính sách tiêu cực. Và hậu quả của việc này, đặc biệt với Trung Quốc, có thể sẽ rất thảm khốc. Vài năm sắp tới sẽ là khoảng thời gian khó khăn đối với cả hai phía. Những mâu thuẫn giữa các chính sách, đặc biệt là khi chúng dẫn tới những mâu thuẫn trong bảo hộ thương mại sẽ khiến mọi thứ càng thêm phần tồi tệ. Có lẽ mục tiêu quan trọng trong Hội dàm kinh tế chiến lược Trung – Mỹ lần này là cả Mỹ và Trung Quốc đều cần phải chú ý tới việc giải quyết những vấn đề tưởng chừng chỉ là những mâu thuẫn trong chính sách nội địa nhưng thực tế lại có ảnh hưởng không nhỏ tới các vấn đề tái cân bằng thương mại giữa hai quốc gia.

Nguồn VITINFO: http://vitinfo.com.vn/muctin/kinhte/la63795/default.htm