Hồi chuông đáng báo động

Vài năm trở lại đây, tình hình trẻ chưa thành niên phạm tội trên địa bàn TP Hà Nội diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng. Để hạn chế tình trạng đáng báo động này cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa từ các cơ quan chức năng và sự phối hợp tích cực giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Thống kê đáng lo ngại

Thủ đô Hà Nội là địa bàn có nhiều trẻ em từ các tỉnh, thành phố khác theo cha mẹ đến cư trú hoặc lao động tự do kiếm sống. Đây là đối tượng rất dễ bị tác động từ mặt trái của xã hội và dễ bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo dẫn đến phạm tội. Báo cáo của Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội tại Hội nghị tổng kết chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015, triển khai chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020 do Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa tổ chức cho thấy: Trong vòng 5 năm (2011-2015), toàn thành phố phát hiện 886 vụ với 1.284 trẻ em chưa thành niên phạm tội. Công an TP Hà Nội xử lý hình sự 677 vụ với 944 đối tượng; xử lý hành chính 209 vụ với 340 đối tượng.

Nếu như trước đây, trẻ em chưa thành niên phạm tội thường liên quan đến các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích hoặc trộm cắp tài sản với mức độ ít nghiêm trọng, thì nay tính chất, mức độ và hành vi ngày càng nguy hiểm như: Giết người, cướp tài sản, hiếp dâm. Cũng trong vòng 5 năm (2011-2015), toàn thành phố có tới 23 vụ trẻ em chưa thành niên phạm tội giết người; 129 vụ cướp tài sản; 30 vụ cưỡng đoạt tài sản… Đơn cử như vụ giết người ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội: Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong quán bia giữa hai nhóm thanh niên mà Đỗ Văn Việt đã cầm kiếm tự tạo đâm chết anh Nguyễn Anh Minh, sinh năm 1989… Đáng lo lắng không kém là tình trạng học sinh trong các trường học chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà đánh nhau gây chết người gây tâm lý lo ngại cho cha mẹ học sinh và gây bức xúc dư luận xã hội.

Cũng theo Báo cáo tại Hội nghị tổng kết chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015, triển khai chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020, trong vòng 5 năm (2011-2015) trên địa bàn thành phố có 85 trẻ em dưới 18 tuổi nghiện ma túy. Tất cả số trẻ em này đều được công an các cấp cơ sở lập hồ sơ để quản lý tại địa phương nơi cư trú. Đáng chú ý, số đối tượng trẻ em nghiện ma túy không giảm mà có chiều hướng gia tăng (năm 2011 phát hiện 2 em; năm 2012 có 16 em; năm 2015 đã lên tới 26 em).

Cần dành cho trẻ sự quan tâm đúng mức

Ông Hoa Việt Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho hay, qua công tác điều tra thực tiễn cũng như những nghiên cứu phân tích đánh giá có thể thấy trẻ em chưa thành niên vi phạm pháp luật liên quan chặt chẽ đến nhiều vấn đề khác nhau và nó được xem như một hệ lụy. Hệ lụy từ gia đình thiếu quan tâm, buông lỏng giáo dục, quản lý, chăm sóc con cái, đến việc nhà trường chưa thực sự làm tốt việc giáo dục pháp luật, đạo đức, kỹ năng sống cho lớp trẻ. Bên cạnh đó sự phát triển bùng nổ của văn hóa phẩm độc hại, các chương trình trò chơi trực tuyến, mạng xã hội trên internet có nội dung không lành mạnh cũng có tác động không nhỏ đến nhận thức hành vi, làm giới trẻ có những suy nghĩ lệch lạc về nhân cách và lối sống. “Việc phối hợp trao đổi thông tin giữa gia đình và nhà trường chưa được quan tâm đúng mức, trong khi các đối tượng xấu luôn tìm cách lôi kéo, rủ rê, ép buộc, đe dọa, khống chế các em đi vào con đường phạm tội”, ông Hoa Việt Thắng cho biết.

Thực trạng trẻ em chưa thành niên phạm tội với chiều hướng ngày càng gia tăng đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Để ngăn chặn tình trạng này, gia đình, đặc biệt là cha mẹ cần quan tâm đúng mức đến nguyện vọng của các em trong từng giai đoạn trưởng thành, cho các em con đường học tập rộng mở để không bị ảnh hưởng, lôi kéo bởi bạn bè và internet. Bên cạnh đó, nhà trường, ngành chức năng cần tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho trẻ chưa thành niên thông qua hình thức ngoại khóa, câu lạc bộ, xây dựng môi trường học tập, vui chơi, rèn luyện lành mạnh, định hướng cho các em lý tưởng sống...

Các ngành chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, có biện pháp răn đe, xử lý các trường hợp vi phạm, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của trẻ chưa thành niên, góp phần giảm thiểu mức độ phạm tội trong trẻ chưa thành niên.

Quỳnh Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Gioi-tre/855738/hoi-chuong-dang-bao-dong