Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 khai mạc ngày 21/1

“Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017” sẽ diễn ra từ ngày 21/1 - 11/2 (tức ngày 24/12 đến ngày 15/1 âm lịch), tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Chiều ngày 16/1, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ban liên lạc các câu lạc bộ thư pháp Hà Nội thông báo kế hoạch tổ chức "Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017".

Toàn cảnh buổi họp báo "Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017" chiều ngày 16/1.

Theo đó, "Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017" sẽ diễn ra từ ngày 21/1 đến 11/2 (tức 24/12 đến 15/1 Âm lịch). Lễ khai mạc sẽ được tổ chức vào 9h ngày 21/1. Ngày 30 Tết âm lịch, Hội chữ Xuân sẽ hoạt động đến 2h sáng hôm sau; các ngày mùng 1 và mùng 2 Tết âm lịch, Hội chữ hoạt động từ sáng đến 22h.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, Hội chữ Xuân năm nay có sự tham gia khoảng 50 lều (mỗi lều 2 người viết) dành cho 13 câu lạc bộ và một số người viết thư pháp tự do. Tất cả các câu lạc bộ và cá nhân tự do muốn tham gia hội chữ đều phải đăng ký với Ban Tổ chức; đồng thời phải trải qua việc thẩm định trình độ thư pháp.

Ban Tổ chức cho biết thêm, đến nay, việc thẩm định trình độ thư pháp của người viết chữ đã hoàn thành; đã chọn được 90 người viết chữ và 30 tác phẩm thư pháp để trưng bày.

Các cá nhân và câu lạc bộ sau khi được lựa chọn sẽ tự bốc thăm xác định vị trí ngồi viết chữ. Đặc biệt, Ban Tổ chức cũng dành một số vị trí cho người viết chữ trên 70 tuổi, đã tham gia giảng dạy, triển lãm thư pháp và có nhiều đóng góp cho hoạt động thư pháp Hà Nội từ năm 2000 đến nay, được các các câu lạc bộ thư pháp Hà Nội suy tôn như: Cung Khắc Lược, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Thế Lục, Nguyễn Như Phách, Nguyễn Minh Châu…

Triển lãm thư pháp trong Hội chữ Xuân năm nay sẽ xoay quanh chủ đề "tôn sư trọng đạo", một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Bên cạnh một số hoạt động thường niên như: Biểu diễn thư pháp, cho chữ, triển lãm thư pháp, năm nay "Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017" còn có thêm khu vực làng nghề truyền thống trưng bày các sản phẩm làng nghề Hà Nội như gốm sứ, thêu dệt, giấy, tranh dân gian, chạm khắc gỗ, đúc đồng….

Và khu vực giới thiệu tranh dân gian và thiếu nhi trải nghiệm vẽ tranh “Cùng bé sáng tạo - khám phá tranh Tết” và khu vực các trò chơi dân gian như nặn tò he, vẽ tranh, ô ăn quan...

Nguyễn Hồng

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/hoi-chu-xuan-dinh-dau-2017-khai-mac-ngay-21-1-d34061.html