Học viện Chính trị CAND nỗ lực trên chặng đường trở thành trung tâm lý luận chính trị

Ngày 27-10, Học viện Chính trị CAND sẽ bước vào năm học mới với khí thế thi đua mới. Với mỗi cán bộ, giảng viên, công nhân viên của Học viện, đi qua một năm học là thêm một lần họ được rèn luyện, được trưởng thành hơn với nhiều sáng tạo mới trong công tác quản lý, bồi dưỡng và giảng dạy. Học viện Chính trị CAND tổ chức Hội thi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đảng/ Những dấu ấn nổi bật của Học viện Chính trị CAND sau 2 năm hoạt động

Nhìn lại khối lượng lớn công việc trong một năm học mà Học viện Chính trị CAND đã quyết tâm thực hiện thành công, cho thấy, họ đã thực sự “ép mình” với tinh thần trách nhiệm cao nhất, để từng ngày bồi đắp mục tiêu xây dựng Học viện Chính trị CAND thành cơ sở đào tạo có uy tín, một trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị lớn nhất của lực lượng CAND.

Chia sẻ với PV Báo CAND, Thiếu tướng, GS.TS Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Giám đốc Học viện Chính trị CAND cho hay, sau hơn 3 năm thành lập, Học viện Chính trị CAND vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí và đội ngũ. Nhưng điều mà ông hài lòng và tâm đắc nhất đó là: Học viện đã bám sát nhiệm vụ chính trị mà lãnh đạo Bộ Công an giao, chỉ trong 2 năm, Học viện đã xây dựng và hoàn thiện đủ 3 mã ngành là Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, Tham mưu chỉ huy CAND và Quản trị nhân lực.

Về đích sớm (dự kiến mở ba mã ngành trong 5 năm) cho thấy một cố gắng vượt bậc của Học viện, về đội ngũ, chương trình, giáo trình, tài liệu và đây cũng là những mã ngành mà lãnh đạo Bộ Công an tâm huyết, lãnh đạo Tổng cục Chính trị CAND coi trọng, góp phần bù đắp thiếu hụt khoảng trống về lý luận xây dựng lực lượng CAND.

Bên cạnh đó, thành công lớn của Học viện Chính trị CAND là đã quy tụ, tập hợp, cộng tác có hiệu quả với hơn 100 nhà khoa học trong và ngoài lực lượng CAND cùng tham gia nghiên cứu khoa học, giảng dạy, biên soạn giáo trình, tài liệu.

Mặt khác, Học viện Chính trị CAND luôn xác định nhiệm vụ trọng yếu là đào tạo, bồi dưỡng nên nhà trường đặc biệt quan tâm đến tiêu chuẩn, bồi dưỡng nâng cấp trình độ đội ngũ giảng viên; gắn bó các nhà khoa học lão thành, tạo thành đòn bẩy sức mạnh trí tuệ tập thể trong thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy.

“Và sau 3 năm, dù còn trẻ nhưng nhiều thầy cô giáo đã bám lớp, yêu nghề, say mê thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Đây là niềm vui, niềm hạnh phúc của tôi” – Thiếu tướng, GS.TS Trương Giang Long chia sẻ.

Học viện Chính trị CAND thường xuyên tăng cường tọa đàm trao đổi giữa giảng viên và học viên, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy.

Ngay từ khi thành lập, giữa bộn bề khó khăn nhưng chủ trương mà Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị CAND thường xuyên quán triệt tới anh em, đó là, phải tận dụng tối đa điều kiện hiện có, không thể chờ điều kiện chín muồi mới thực hiện nhiệm vụ. Khó đến đâu, gỡ đến đó. Tinh thần quyết liệt đó đã lan tỏa, thấm nhuần vào tư tưởng của cán bộ chiến sỹ trong Học viện, ai cũng thấy rõ trách nhiệm của mình với tập thể, tự đưa mình vào nề nếp, kỷ cương.

Theo chia sẻ của Đại tá, PGS.TS Đinh Ngọc Hoa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị CAND, đến Học viện điều dễ cảm nhận là một không khí làm việc vô cùng khẩn trương, quyết liệt, cả về trí tuệ và thể chất; những nhiệm vụ, phương hướng mà nhà trường đang thực hiện đều là những vấn đề lớn, đồ sộ đòi hỏi phải tập trung trí tuệ và tinh thần dân chủ, đoàn kết chặt chẽ, đặc biệt là ở đội ngũ cán bộ cốt cán, ở người thủ trưởng bản lĩnh, giàu trí tuệ, thương quý, trân trọng anh em.

Và đặc biệt hơn, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm thiết thực của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Tổng cục Chính trị CAND và một số Vụ, Cục chức năng dành cho Học viện, trường tuy “sinh sau” nhưng lại có vị trí rất quan trọng trong hệ thống giáo dục đào tạo CAND.

Năm học vừa qua, Học viện Chính trị CAND đã tổ chức thành công công tác đào tạo, bồi dưỡng với nhiều loại hình đào tạo và quy mô ngày càng tăng. Học viện đã tổ chức tuyển sinh, chiêu sinh, nhập học 69 lớp/9.010 học viên các hệ đào tạo, bồi dưỡng (so với năm học 2014-2015, tăng 5.624 học viên với tỷ lệ tăng là 166%) đảm bảo nghiêm túc, đúng tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định.

Quá trình tổ chức đào tạo, Học viện tập trung xây dựng chương trình đào tạo đổi mới về nội dung, gắn với thực tiễn; kết hợp đổi mới phương pháp giảng dạy, theo hướng giảm thời lượng học lý thuyết, tăng cường tọa đàm trao đổi, thực tế tại cơ sở; tổ chức tốt các câu lạc bộ học tập, chương trình ngoại khóa trong học viên; đồng thời đặc biệt chú trọng khâu tuyển lựa giảng viên tham gia giảng dạy đảm bảo chất lượng đào tạo của Học viện.

Phong trào dạy giỏi, duyệt giảng và thẩm định khả năng giảng dạy của giảng viên được Học viện tổ chức với nhiều đổi mới về nội dung, hình thức và cách đánh giá, đạt được kết quả đáng khích lệ, ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ giảng viên.

Nhà trường đã tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Học viện và lần đầu tiên tham gia Hội thi dạy giỏi cấp Bộ đã đạt kết quả tốt, trong đó có 4 giải nhì, 3 giải ba, 3 giải phụ cá nhân và 1 giải ba tiếng Anh. Trường đã xét và công nhận danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp Học viện đối với 11 đồng chí; đề nghị xét danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp Bộ đối với 5 đồng chí; đồng thời tổ chức duyệt giảng, thẩm định khả năng giảng dạy cho 28 giảng viên; đánh giá 24 bài dạy giỏi, giờ dạy giỏi đảm bảo yêu cầu.

Tuy ra đời muộn, nhưng công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo được Học viện Chính trị CAND đặc biệt chú trọng, trong đó tập trung xây dựng ngân hàng câu hỏi thi để đưa vào sử dụng ngay trong năm học 2016-2017. Học viện còn thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động đào tạo; lấy ý kiến phản hồi từ người học. Nhà trường tổ chức lấy 4.500 phiếu phản hồi của học viên đối với 47 giảng viên, coi đây là một “kênh phản biện quan trọng” để người thầy tự hoàn thiện mình, tự đổi mới mình để đáp ứng yêu cầu ngày càng đòi hỏi khắt khe của giáo dục đại học. Học viện còn tổ chức thành công nhiều buổi tọa đàm, trao đổi, qua đó ghi nhận ý kiến phản hồi tích cực của học viên các hệ đào tạo, bồi dưỡng về chất lượng đội ngũ giảng viên, cũng như công tác tổ chức, quản lý và chất lượng đào tạo của Học viện.

Với mục tiêu xây dựng Học viện thành trung tâm lý luận chính trị hàng đầu của lực lượng CAND, công tác nghiên cứu khoa học của trường đã đạt được những kết quả khởi sắc. Học viện đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an tổ chức thành công một hội thảo khoa học cấp quốc gia và một hội thảo cấp Bộ. Các cuộc hội thảo, tọa đàm đều có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ quan nghiên cứu và nhiều nhà khoa học thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và khoa học xã hội, được đánh giá cao về chất lượng, quy mô và hình thức tổ chức.

Cũng như nhiều trường đại học, học viện khác, Học viện Chính trị CAND đang từng bước đổi mới để xác lập thương hiệu, khẳng định vị thế và uy tín của nhà trường trong các trường CAND và trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong năm học mới 2016 – 2017, Học viện sẽ xây dựng hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép đào tạo đại học hệ dân sự ngành Xây dựng Đảng & Chính quyền nhà nước. Xây dựng chương trình và báo cáo Tổng cục Chính trị CAND, Bộ Công an cho phép đào tạo trình độ đại học chuyên ngành Công tác Đảng, công tác chính trị trong CAND (thuộc ngành Xây dựng Đảng & Chính quyền Nhà nước).

Một giải pháp đột phá nữa là Học viện sẽ ban hành, sử dụng thống nhất hệ thống ngân hàng đề thi, câu hỏi thi cho tất cả các hệ đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời triển khai hoạt động đánh giá chất lượng đối với giáo trình, tài liệu học tập, đảm bảo chuẩn đầu ra cho các hệ đào tạo mà Học viện đã công bố...

Thu Phương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/hoc-vien-chinh-tri-cand-no-luc-tren-chang-duong-tro-thanh-trung-tam-ly-luan-chinh-tri-414235/