Học viên cai nghiện ma túy bỏ trốn, luật chế tài ra sao?

Việc hàng trăm học viên liên tiếp bỏ trốn khỏi Trung tâm cai nghiện ở Xuân Lộc (Đồng Nai) chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng liệu có bị luật pháp chế tài, hay các học viên này được xem là con bệnh nên cần chữa trị là chính?

Đòi thực hiện yêu sách không được thì... phá và bỏ trốn

Theo báo cáo của Trung tâm cai nghiện Đồng Nai thì sáng nay (8.11), tình hình tại trung tâm đã ổn định trở lại, hơn 200 học viên của trung tâm đã được chuyển sang khu nhà mới vừa được sửa chữa, điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Riêng hơn 30 học viên trốn ra bên ngoài chỉ mới có vài học viên đã trở về trung tâm để tiếp tục cai nghiện.

Còn thông tin từ Công an huyện Xuân Lộc cho hay, từ tối 7.11 công an đã ra quyết định bắt khẩn cấp và tạm giữ 20 người cầm đầu trong vụ quá khích và đang củng cố hồ sơ để khởi tố. Trong đó đã xác định được 3 kẻ cầm đầu, kích động gây rối vào ngày 6.11, gồm: Trần Ngọc Dũng (26 tuổi), Lê Huy Hoàng (34 tuổi, cùng ngụ huyện Trảng Bom) và Nguyễn Minh Phước (23 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) để điều tra làm rõ hành vi. Đồng thời, công an cũng đang tiếp tục phối hợp với cơ sở điều trị cai nghiện truy bắt số học viên còn lại đã bỏ trốn ra ngoài.

Diễn biến trước đó, vào lúc 19 giờ 30 ngày 5.11, tại Trung tâm cai nghiện tỉnh Đồng Nai ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc đã có 58 học viên diện cai nghiện bắt buộc (có 28 học viên mắc bệnh trọng, 6 học viên bị bệnh lao và 24 học viên bị kỷ luật) ở khu D cơ sở cai nghiện quậy phá, đòi thực hiện quy định, học viên bị bệnh hiểm nghèo phải cho tạm hoãn thi hành quyết định điều trị bắt buộc.

Ngay sau đó, Giám đốc Trung tâm đã tổ chức đối thoại và giải thích sẽ báo cáo lên Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh việc đề nghị tòa án đình chỉ quyết định điều trị cai nghiện bắt buộc. Nhưng các học viên cai nghiện không đồng ý mà cố tình đập phá tài sản cơ sở điều trị, yêu cầu phải thả số 58 người ấy về ngay trong đêm 5.11.

Đến 9 giờ ngày 6.11, lãnh đạo Sở đã gặp, đối thoại, và xem xét, giải quyết cho 34 học viên có bệnh hiểm nghèo được Tòa án Nhân dân huyện Xuân Lộc giải quyết cho về. Nhưng 24 học viên còn lại bức xúc, đã kích động, đập phá tài sản của cơ sở, tạo phản ứng dây chuyền, lan sang các khu xã hội khác: khu E, A2, B và khu C.

Các học viên quá khích đã leo lên mái nhà hò reo, ném gạch đá, chống trả lực lượng chức năng, đập phá cổng phụ thoát ra khỏi phòng ở. Đến 14 giờ cùng ngày, đã có 133/1.362 học viên (đều là nam) la hét, đập phá các tài sản trong phòng rồi phá cửa xông ra khu vực sân trung tâm gây náo loạn, thoát ra khỏi cơ sở cai nghiện, sang xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.

Biện pháp chế tài thiếu tính răn đe

Theo anh Ngô Thanh Tùng, người đã nhiều năm làm quản lý tại cơ sở cái nghiện, nhiều học viên đến trung tâm cai nghiện chỉ đơn thuần là điều trị bệnh chứ không phải phạm pháp nên họ không biết sợ và đưa ra nhiều yêu sách với trung tâm. Khi xảy ra sự việc, các học viên cũng thừa hiểu rằng cơ quan chức năng không thể làm gì được họ vì đây không phải nơi giam giữ tội phạm nên họ rất bình thản và cho rằng việc mình “đòi quyền lợi” là chuyện bình thường.

Không những vậy, khi tập trung những người nghiện ma túy vào cùng một chỗ sẽ dễ tạo nên hiệu ứng domino, một người trốn trại được sẽ rủ rê, lôi kéo thêm nhiều người khác.

Anh Tùng chia sẻ thêm, những người nghiện ma túy dạng nhẹ thường họ sẽ vẫn giữ hình ảnh kìm nén bản năng của mình. Nhưng những người này bị đẩy vào trại cai nghiện chẳng khác nào khắc lên trán họ chữ “con nghiện” dễ dẫn đến bức xúc khiến họ hành động theo bản năng.

Trong khi đó Nghị định của Chính phủ quy định việc xử lý đối với các đối tượng cai nghiện bắt buộc bỏ trốn thì quá nhẹ. Chẳng hạn, trường hợp người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà bỏ trốn trước khi đưa vào cơ sở, thì cơ quan công an cấp huyện nơi tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ được quyền ra quyết định truy tìm.

Còn trường hợp người đang chấp hành tại cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn thì giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc ra quyết định truy tìm đối tượng. Cơ quan công an có trách nhiệm phối hợp với cơ sở cai nghiện bắt buộc trong việc truy tìm đối tượng để đưa người đó trở lại cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Nếu trường hợp tìm được người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn mà không tự nguyện chấp hành yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì người đó bị áp giải đưa trở lại cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định. Theo anh Ngô Thanh Tùng, "con nghiện" được xem là bệnh nhân nên việc chế tài đã quy định: “Thời gian bỏ trốn không được tính vào thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” nên tính răn đe với những người này rất yếu.

Quang Huy

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/hoc-vien-cai-nghien-ma-tuy-bo-tron-luat-che-tai-ra-sao-46981.html