Học tín chỉ ở Việt Nam có như ở Mỹ?

(Soha.vn) - Đến 2015, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường ĐH phải chuyển sang đào tạo tín chỉ. Ở Mỹ họ thực hiện tín như thế nào?

Đã 5 lần làm việc tại Mỹ và tham quan nhiều trường đại học nổi tiếng của Mỹ như: ĐH California (Berkeley), ĐH Johns Hopkins (Baltimore), ĐH Wayne State (Detroit), ĐH Washington (Seattle), GS.Nguyễn Hữu Việt Hưng (ĐH KHTN, ĐHQGHN) có nhiều trăn trở về thực trạng học tín chỉ ở Việt Nam hiện nay.

Ông đưa ra vài điểm khác biệt học tín chỉ ở Mỹ so với Việt Nam để trả lời câu hỏi: “Vì sao hệ thống đại học của Mỹ có thể đào tạo các sinh viên có trình độ ở đầu vào nói chung không cao thành những chuyên gia giỏi chỉ trong vòng 4 năm (đối với cử nhân) hoặc 8 năm (đối với tiến sĩ)?”.

Một giờ học của sinh viên đại học ở nước ngoài.Mỗi sinh viên có quyền quyết định môn theo học, đăng ký môn học...

Sinh viên tự quyết định các môn mình học theo kỳ

Đào tạo theo hình thức tín chỉ ở Mỹ, sinh viên có những quyền lợi như sau:

Sinh viên tự quyết định các môn mà mình sẽ theo học trong học kỳ đó nhằm thu được một số tín chỉ nhất định. Nếu học ít môn quá, thời gian học sẽ kéo dài, tăng phí tổn, và khó được nhận học bổng. Nếu học nhiều môn quá thì sinh viên không đủ sức lực và thời gian.

Sinh viên có quyền đăng ký môn với thời gian học phù hợp: Số sinh viên không vượt quá 40 hoặc 50 người và nếu đăng ký muộn thì không được xếp vào lớp mà anh ta mong muốn. Họ có quyền học thử vài buổi và có thể xin đổi lớp hoặc xin thôi học mà vẫn hoàn lại tiền học phí.

Tóm lại, trong đào tạo theo tín chỉ, không có khái niệm hai sinh viên học cùng một lớp, chỉ có hai sinh viên học cùng một môn học. Các khái niệm lớp trưởng và giáo viên chủ nhiệm cũng do đó mà trở nên vô nghĩa.

Sinh viên được quyền không công khai điểm số. Điểm là bí mật cá nhân của mỗi sinh viên, được giáo vụ chuyển vào chương mục riêng của sinh viên đó trong hệ thống internet của đại học. Giáo sư có thể thông báo điểm cho từng sinh viên, nhưng không được báo điểm của người này cho người khác.

Cuối cùng, mỗi sinh viên được phát một mẫu “đánh giá giảng dạy” cuối học kỳ, trước khi thi hết môn. Sinh viên được nhận xét về những điều bổ ích hay chưa bổ ích, ưu và nhược điểm của môn học, của người giảng dạy. Đây là một hình thức xả “stress” mà các đại học Mỹ dành cho sinh viên. Một số đại học thông báo lại cho giáo sư bản tổng hợp những đánh giá của sinh viên đối với bài giảng của giáo sư này.

Việc dạy, việc học khác biệt như thế nào?

Nếu ở Việt Nam, học tín chỉ vẫn phải căn cứ vào điểm chuyên cần (điểm danh) thì ở Mỹ nó trở nên vô nghĩa. Mỗi sinh viên không có nghĩa vụ phải đến lớp thường xuyên. Hàng tuần sinh viên nhận bài tập được giao trên mạng. Giáo sư chuyển các bài tập vào hòm thư của mình để người trợ lý tới lấy, chấm bài, lên điểm và chuyển lại vào hòm thư cho giáo sư.

Về điểm số môn học được quyết định dựa trên điểm bài tập về nhà, điểm của hai kỳ thi giữa học kỳ và điểm kỳ thi hết môn. Mỗi giáo sư được giao cho một trợ lý là sinh viên xuất sắc của khóa trên để phụ trách việc chấm bài tập và lên điểm. Giáo sư quyết định tỷ lệ phần trăm của những điểm thành phần nói trên trong điểm của môn học; về thời điểm thi chứ không phải nhà trường.

Giáo sư tự lên điểm và gửi bảng điểm cho giáo vụ của đại học một cách trực tiếp, hoặc qua hệ thống thư tín trong đại học, đôi khi cũng có thể gửi qua thư ký của khoa.

Đề cương môn học do khoa đó quy định và được đưa lên mạng trước khi học. Đề cương nêu rõ học theo sách nào, học những chương nào, những tiết nào bắt buộc, những tiết nào tùy chọn, mỗi chương và mỗi tiết chiếm thời lượng xấp xỉ bao nhiêu…và đề cương cũng bao gồm quy định riêng của giáo sư đó.

Ở Việt Nam, việc đào tạo theo hình thức tín chỉ còn nhiều bất cập và nhiều trường thì chỉ là hình thức (ảnh minh họa).

Đặc biệt, mỗi giáo sư có một phòng làm việc riêng và sẽ có 2- 3 buổi trong phòng làm việc để giải đáp thắc mắc, bài tập cho sinh viên. Giáo sư thông báo địa chỉ trang web cá nhân, nơi sinh viên nhận bài tập và những lời dặn mỗi tuần, thông báo thời gian nhận và trả bài tập về nhà hàng tuần.

Về ra đề, chấm thi: Không phải nhà trường quyết định mà do giáo sư tự ra đề, tự coi thi và tự chấm thi Phòng thi không cần tới 2 người coi, bài thi không cần dọc phách. Cũng có đại học quy định kỳ thi hết môn đối với các môn học ở năm học đầu do một hội đồng của khoa ra đề chung. Khi đó, điều kiện cần để hoàn thành môn học này là sinh viên phải đạt ít nhất 50% số điểm của kỳ thi hết môn.

Làm sao để thay đổi hệ thống đào tạo tín chỉ ở Việt Nam?

Theo GS Nguyễn Hữu Việt Hưng thì thứ nhất cần phải đòi hỏi có một đội ngũ quản lý và nhân viên hành chính rất chuyên nghiệp. ở Mỹ những người quản lý và nhân viên hành chính đều được đào tạo rất bài bản.

Thứ hai, giáo dục theo kiểu gì thì cũng cần đội ngũ giáo sư giỏi. Đó là yếu tố mấu chốt quyết định thành bại của nền giáo dục. Điều này có được chủ yếu là nhờ nước Mỹ có một đội ngũ giáo sư rất giỏi, rất chuyên nghiệp. Các giáo sư Mỹ được trả lương cao, tương xứng với lao động của họ.Chúng ta có trả được lương đủ sống cho các giáo sư hay không?

Thứ ba, mỗi giáo sư ở Mỹ đều có phòng làm việc riêng, còn ở nước ta thì…không thể. Để chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, ta có đủ sức cấp cho mỗi giáo sư một phòng làm việc không? Nếu ta chỉ học những cái có thể học được, và bỏ qua những cái ta không muốn học, thì trên thực tế ta không học gì cả.

Đó là những ý kiến của GS Nguyễn Hữu Việt Hưng (Hội Toán học Việt Nam) về thực trạng học tín chỉ ở nước ta, ở Mỹ. Một điều dễ nhận thấy, nếu không thay đổi cách thức dạy, học thì năm 2015 tất cả các trường đại học áp dụng hình thức đào tạo tín chỉ…cũng chỉ cho có.

Nguồn Soha: http://soha.vn/xa-hoi/hoc-tin-chi-o-viet-nam-co-nhu-o-my-2012112305582341.htm