Học sinh yếu nhất là kỹ năng sống

Chuẩn bị bước vào năm học mới, ngày 12-8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tham dự Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị ngành giáo dục Thủ đô tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm năm học 2017-2018

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đánh giá cao những kết quả nổi bật ngành giáo dục Thủ đô đạt được trong năm học 2016-2017, đồng thời đưa ra định hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho năm học 2017-2018.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giáo dục Thủ đô cần tiếp tục phát huy như đầu tư đào tạo mũi nhọn, giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước, nâng cao tỷ lệ trường chất lượng cao, trường chuẩn quốc gia, sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học… Đề nghị ngành giáo dục khắc phục những hạn chế, bất cập,Chủ tịch UBND TP chỉ ra, học sinh Việt Nam nói chung còn yếu về một số kỹ năng như giao tiếp, kỹ năng sống, trình độ tiếng Anh...

Ông Nguyễn Đức Chung mong muốn các chuyên gia giáo dục, lãnh đạo ngành giáo dục, các thầy cô nghiên cứu, tham mưu thành phố thêm các chương trình giảng dạy liên quan đến Luật Giao thông và kỹ năng sống, cần sớm đưa bộ tài liệu “Giáo dục An toàn giao thông cho học sinh phổ thông Hà Nội” vào giảng dạy từ năm học 2017-2018; Triển khai xây dựng dự thảo bộ tài liệu “Phòng cháy chữa cháy cho học sinh phổ thông Hà Nội”, phấn đấu đưa vào giảng dạy từ năm học 2018-2019.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị chú trọng tới định hướng nghề nghiệp, mạnh dạn đưa chương trình định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 THPT, bởi ở một số nước trong khu vực, nhiều nơi đã định hướng nghề cho học sinh ngay từ cấp 1. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Cần tăng cường giờ giảng kỹ năng sống, đầu tư giảng dạy các môn thể dục thể thao, tăng cường tri thức, năng lực về văn thể mỹ, âm nhạc, mỹ thuật cho học sinh để phát triển toàn diện, góp phần đào tạo công dân có chất lượng trong thời kỳ hội nhập”.

Năm học mới, việc hội nhập quốc tế trong giáo dục Hà Nội sẽ được đẩy mạnh với việc triển khai chương trình đào tạo song bằng được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ rất ủng hộ. Ông Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp tục thực hiện hiệu quả việc thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A Level tại trường THPT Chu Văn An; Triển khai mở rộng chương trình giáo dục của Cambridge vào đào tạo tại một số trường như Hà Nội - Amsterdam và các trường khác.

Vào lớp 1, con cần chuẩn bị sẵn sàng tính tự lập

Mỗi dịp vào năm học mới, một trong những điều khiến các thầy cô vất vả nhất với tân học sinh lớp 1 chính là sự thiếu tự lập, tự giác trong thói quen sinh hoạt, học tập tại trường. Các bậc phụ huynh thường mới chỉ quan tâm tới việc dạy con viết chữ, làm toán nhưng lại coi nhẹ việc chuẩn bị những hoạt động cần thiết để con có thể hòa nhập với môi trường hoàn toàn mới.

Để học bán trú cả ngày ở trường, con cần rèn thói quen vệ sinh cơ thể tốt, biết rửa tay, đi vệ sinh đúng chỗ, đúng lúc. Thứ hai là các con chưa rèn được thói quen ăn ngủ, sinh hoạt, học tập đúng giờ. Trong giờ học có bạn mệt mỏi, ngủ quên hay tự do nói chuyện, đi lại trong lớp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập của con.

Nhiều học sinh mới vào lớp 1 chưa có thói quen tự lập trong ăn uống. Các em ăn rất chậm, không thích các món phải nhai, không thích ăn rau… Giáo viên chỉ có thể nhắc nhở các con chứ không thể quản lý, xúc ăn cho từng học sinh nên các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý tới thói quen ăn uống của các con cho thật khoa học.

Một điều nữa tôi muốn lưu ý phụ huynh là cần tập cho con thói quen quản lý tài sản cá nhân và tập thể. Các con thường xuyên gặp phải tình huống quên sách vở ở nhà hoặc ngược lại, bỏ quên, bỏ rơi ở trường, lớp bút, sách vở, cặp, quần áo… Có những bạn, bố mẹ tâm sự một tháng đi học phải mua hơn 10 chiếc bút mực vì mất và làm rơi liên tục. Như vậy vừa tốn kém cho gia đình, vừa không hình thành được thói quen cẩn thận, tiết kiệm cho con.

Phạm Thị Tâm, Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Lợi-Hà Đông

Quan tâm nhất là phòng chống dịch bệnh ngay đầu năm học

Một trong những vấn đề Sở GD-ĐT Hà Nội quan tâm nhất ngay khi bắt đầu năm học mới là việc tuyên truyền, nhận thức về dịch sốt xuất huyết đang diễn biến nguy hiểm trên địa bàn thành phố.

Số liệu đến thời điểm này Sở GD-ĐT Hà Nội nhận được là đã có hơn 14.000 lượt người bị sốt xuất huyết. Vì vậy phụ huynh, học sinh cần đặc biệt lưu ý tới việc bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho bản thân cũng như cộng đồng. Chúng tôi yêu cầu, tất cả các trường hợp học sinh, giáo viên khi bị sốt đều tự động nghỉ ở nhà và đến các cơ sở y tế để được khám chữa bệnh. Các trường hợp này cần được thông báo với nhà trường về kết quả khám chữa bệnh để đề phòng lây nhiễm sốt xuất huyết.

Phụ huynh, học sinh và nhà trường cần phối hợp giữ gìn vệ sinh trường lớp, phổ biến cho các con cách phòng chống muỗi đốt. Về phía nhà trường, ban giám hiệu và cán bộ giáo viên đều được hướng dẫn cụ thể về cách vệ sinh môi trường, bể nước, bể cá, cây cảnh… đảm bảo không để phát sinh ổ lăng quăng, bọ gậy. Nhà trường cũng sẽ được phun thuốc muỗi ít nhất 3 lần trước khi học sinh chính thức khai giảng năm học mới. Việc phòng chống dịch rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh và nhà trường cùng địa phương để đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người.

Ông Phạm Ngọc Tuấn Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Sở GD-ĐT Hà Nội

Vinh Hương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/hoc-sinh-yeu-nhat-la-ky-nang-song/737820.antd