Học sinh vùng cao thích thú với trải nghiệm nghề nghiệp mơ ước tại Hà Nội

Xuất phát từ cuộc thi viết thư kể về nghề mơ ước do Hội Đồng Đội tỉnh Điện Biên phối hợp cùng CTCP Hội tụ Nhân tài – TalentPool tổ chức, 12 em học sinh đã được lựa chọn về Hà Nội để trải nghiệm những công việc mơ ước.

Đây là những học sinh đã gây được ấn tượng lớn nhất với BTC thông qua những bài viết kể về mơ ước một cách rõ nét nhất, qua đó thể hiện quyết tâm để biến ước mơ đó trở thành kế hoạch nghề nghiệp cho tương lai.

Các em mong ước trở thành nhà báo, họa sỹ, bác sỹ, giáo viên, chủ tịch CLB thiện nguyện, công an, nhà thiết kế thời trang…., tất cả đều có một điểm chung là mong muốn đóng góp được nhiều nhất cho quê hương Điện Biên và cho đất nước.

Với những tình nguyện viên thuộc những ngành nghề khác nhau tương ứng với nghề các em mơ ước, các em được gặp người trong nghề và có những trải nghiệm thú vị với nghề. Lầu Thị Chứ, học sinh lớp 9 Trường THCS Thị Trấn, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, với ước mơ trở thành họa sỹ, em đã được đưa đi thăm quan một triển lãm tranh tại Hà Nội.

Bài viết về ước mơ của Chứ có đoạn: “Em được sinh ra và lướn lên ở vùng cao, ở đó có nhiều đồng bằng cao đẹp, có nhiều những dòng suối chảy và tháp nước chảy từ trên cao xuống. Giọt nước sạch sẽ, ngọt người dân vùng cao sống đông người mà cũng rất hạnh phúc trên vùng đồng bằng. Vì thế từ khi em còn nhỏ em đã đặt ra một ước mơ rất sáng suốt đó là em muốn trở thành một người họa sĩ vẽ tranh”.

Tuy nhiên, Chứ cho biết, để đạt được ước mơ này, mục tiêu trước mắt của em là buộc phải thi đỗ vào trường nội trú huyện hoặc tỉnh mới có thể tiếp tục con đường học tập.

PGS Chu Cẩm Thơ, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đang truyền cảm hứng cho hai học sinh có ước mơ trở thành giáo viên là Lò Linh Chi (giữa), THCS Quài Cang, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, và Lò Thị Ninh, PTDTBT THCS Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Trong bài viết của mình, Lò Thị Ninh viết: “Không biết từ bao giờ tôi đã ấp ủ trong mình ước mơ trở thành một cô giáo vùng cao được đi dạy trên quê hương của mình. Bạn và tôi, chúng ta nhìn thấy gì? Sau những chặng đường lầy lội mà các cô giáo trẻ đi qua để bám trường, bám lớp đó là những ánh mắt mong chờ của những em thơ, những đứa trẻ khát khao được đến trường, sự tươi vui rạng rỡ hiện rõ trên từng gương mặt”.

Các em được đưa đến một phòng khám nha khoa để tìm hiểu về nghề bác sỹ nha khoa và cũng để được khám răng miễn phí.

Với những em có ước mơ làm bác sỹ, các em còn được đến thăm Bệnh viện Quân y 108, và được tìm hiểu quy trình bào chế thuốc tại một công ty dược. Lê Hải Yến, học sinh Trường THCS Thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên cho biết: “Chứng kiến những cảnh tượng mẹ bác mỗi khi đau ốm nằm viện, em lại không nguôi ngoai nỗi buồn thương.

Càng nhớ lại tôi càng nung nấu cho em một ước mơ, hoài bão đó là trở thành một bác sĩ. Để xin được việc làm phải có tiền và có quan hệ, nhà em thì nghèo, ước mơ đó quá xa vời. Nhưng em nghĩ rằng xã hội rất công bằng, chỉ cần mình cố gắng. Không có gì là khó, là khổ chỉ cần mình có ước mơ và hoài bão.

Theo em, là một bác sĩ cần có lòng nhân đạo, lòng thương người biết đặt mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân, cảm nhận nỗi đau của họ mà chữa trị hết lòng”.

Các em được tìm hiểu về nghề báo và trở thành khách mời trường quay trong chương trình Café Sáng của VTV3.

Trong nỗ lực cập nhật những kiến thức về Index và STEM, các em được hướng dẫn cách chế tạo mô hình tên lửa từ phế liệu. Và thăm đại bản doanh của Panasonic Việt Nam.

Trước đó, các em được BTC đưa đi thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm các địa điểm nổi tiếng của Hà Nội như Văn miếu Quốc Tử Giám, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam…

Theo bà Đỗ Thùy Dương, Trưởng ban Tổ chức Chương trình “Hành trình mơ ước”, mục tiêu của chương trình không chỉ dừng lại ở việc định hướng nghề nghiệp cho các em mà còn để các em tận mắt chứng kiến về nghề, từ đó vươn lên trong học tập nuôi dưỡng những ước mơ về nghề nghiệp.

“Chúng tôi không mong muốn các em sau này về Hà Nội học để rồi ở lại thành phố làm việc. Chúng tôi mong muốn các em về Hà Nội học tập, sau đó quay trở về cống hiến cho quê hương, để các em học được những tiến bộ của Hà Nội rồi áp dụng cho quê hương mình. Qua 1 tuần trải nghiệm Hà Nội, các em cũng nhận ra rằng Hà Nội đang gặp phải một số vấn đề như: ô nhiễm không khí, ít cây xanh, ô nhiễm nguồn nước… từ đó các em tự hào về Điện Biên và mong muốn góp sức gìn giữ cho môi trường quê hương.” bà Đỗ Thùy Dương chia sẻ.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/hoc-sinh-vung-cao-thich-thu-voi-trai-nghiem-nghe-nghiep-mo-uoc-tai-ha-noi-post211644.info