Học sinh trường chuyên học giỏi nhưng chưa toàn diện

(HQ Online)- Bộ Giáo dục- Đào tạo cho biết: Hiện nay cả nước có 86 trường chuyên và khối chuyên, trong đó 70 trường chuyên thuộc sở GD-ĐT; 5 trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học; 2 khối chuyên thuộc trường đại học; 9 khối chuyên thuộc trường THPT.

Trường chuyên đào tạo được nhiều học sinh giỏi nhưng c. Ảnh Đ.H.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh có 2 trường chuyên trở lên như: Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh; Thái Nguyên; Nghệ An… Số lượng học sinh chuyên cũng được tăng lên theo các năm, như năm học 2010 -2011 cả nước có 56.654 học sinh đến năm học 2015-2016 cả nước có 69.554, tăng 12.900 học sinh (chiếm khoảng 2,1% số học sinh THPT).

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2016 do Bộ Giáo dục- Đào tạo Hà Nội tổ chức ngày 29-9, đại diện trường THPT chuyên Tuyên Quang (Tuyên Quang) cho biết: Hiện chương trình, sách giáo khoa hiện hành, nhà trường và giáo viên chưa có sự liên thông mạch lạc giữa các cấp học và giữa các môn học. Giữa các môn học và giữa các cấp học còn có sự trùng lặp và thiếu cân đối giữa các nội dung, giữa lý thuyết và thực hành. Một số nội dung dạy học còn nặng, khó, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số, miền núi và vùng còn khó khăn như Tuyên Quang.

Theo đại diện trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) nhiều học sinh thuộc hệ thống các trường chuyên thường học giỏi nhưng chưa toàn diện. Do sự đầu tư cao độ cho việc học chuyên để phục vụ các kỳ thi dẫn đến thiếu hụt thời gian dành cho các hoạt động giáo dục khác, khiến một bộ phận học sinh trường chuyên phát triển chưa toàn diện, trong đó có kĩ năng sống.

Ông Vũ Đức Thọ, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cũng khẳng định hiện này đội ngũ giáo viên một số môn còn thiếu so với yêu cầu như: môn Toán, tiếng Anh. Một số bộ phận giáo viên lâu năm có sức ì trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Trình độ ngoại ngữ của giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu việc dạy học các môn bằng tiếng Anh.

Theo ông Thọ, hiện có nhiều người đang hiểu sai về hệ thống đào tạo trường chuyên khi lấy một vài điển hình xấu để đưa ra cái nhìn tổng thể. “Những trường chuyên đào tạo ra học sinh giỏi, nhưng giỏi không phải chỉ một môn mà giỏi toàn diện”, ông Thọ cho biết.

Phát biểu tại Hội nghị Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng, cần phải thay đổi nhận của người dân đối với trường chuyên. Tức là mô hình các trường chuyên không chỉ đào tạo học sinh giỏi để đi thi mà mục đích chính nhằm phát hiện năng khiếu của mỗi học sinh để đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Đồng thời, các trường cần phải giáo dục toàn diện cho học sinh đảm bảo phát triển hài hòa các mặt dựa trên cơ sở phát triển năng khiếu của từng người.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hoc-sinh-truong-chuyen-hoc-gioi-nhung-chua-toan-dien.aspx