Học phí đại học tăng tới 3 lần: Sinh viên chấp nhận đầu tư mạo hiểm?

PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội - cho rằng, sinh viên nên chấp nhận “cuộc chơi”, coi việc vào đại học (ĐH) như một phi vụ đầu tư cho tương lai.

Dù chấp nhận bỏ ra chi phí cao để học đại học, không ít bạn trẻ vẫn lo lắng về cơ hội việc làm sau khi ra trường. Ảnh: Hải Nguyễn

Bởi vì trước sau gì, 100% các trường ĐH sẽ được giao quyền tự chủ và áp dụng mức thu học phí mới.

Còn sinh viên băn khoăn, liệu tăng học phí có tỉ lệ thuận với tăng chất lượng giáo dục, giảm tình trạng cử nhân thất nghiệp, hay sinh viên chấp nhận đầu tư mạo hiểm, cứ đóng học phí cao, ra trường cơ hội việc làm ra sao.... thì phải chờ.

Các trường ĐH coi tự chủ là đích đến

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 của các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm diễn ra mới đây, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo là một trong những nhiệm vụ chủ yếu cần thực hiện trong năm học này.

Các trường ĐH phải coi tự chủ là đích đến để nâng cao chất lượng chứ không phải chỉ là vấn đề tài chính. Các trường phải tách ra khỏi cơ quan chủ quản, thực hiện tự chủ và tham gia cạnh tranh bằng chất lượng để tồn tại.

Ủng hộ quan điểm này, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội (trường đã được Chính phủ phê duyệt đề án tự chủ từ năm 2016) kiến nghị, cần đẩy nhanh xu hướng tự chủ ĐH, để tránh những bất hợp lý trong hệ thống giáo dục.

“Như hiện tại, trường tự chủ trước thì học phí cao, trường chưa tự chủ thì học phí thấp. Người học chẳng biết tự chủ là thế nào, chỉ biết tăng học phí thì sẽ kêu. Tôi cho rằng, giáo dục phổ thông càng bao cấp nhiều càng tốt, giáo dục ĐH thì càng tự chủ càng tốt. Để các trường cạnh tranh với nhau bằng chất lượng, nâng thu nhập cho giảng viên để giữ chân người tài” - PGS.TS Trần Văn Tớp chia sẻ.

Mức học phí chênh lệch giữa trường ĐH tự chủ và chưa tự chủ quy định trong NĐ 86/2015/NĐ-CP.

Tự chủ nhưng “quên” công khai học phí

Sau 2 năm thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ ở một số trường, điều người học quan tâm nhất vẫn là vấn đề tăng học phí, có trường tăng gấp 2-3 lần so với trước. Trong khi chất lượng chưa đo đếm được thì chi phí người học phải bỏ ra ngày càng tăng.

Tuy nhiên, gây bức xúc nhất vẫn là việc các trường úp mở học phí. Dù trong quy chế tuyển sinh quy định phải công khai mức học phí dự kiến ngay từ đầu năm, nhưng 2 năm qua, đến lúc thí sinh đã đăng ký xét tuyển xong xuôi, hoặc đến lúc nhập học mới “té ngửa” vì mình chọn phải trường đã tự chủ, có học phí cao.

Lãnh đạo một trường ĐH tiết lộ, không hẳn tất cả các trường tự chủ “quên” công khai học phí, mà nhiều khi cố tình úp mở. Vì hiện đang trong thời kỳ “quá độ”, chưa thực hiện cơ chế tự chủ với 100% trường ĐH, chỉ một số trường thí điểm tự chủ trước, nên sợ công khai học phí sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển sinh.

Trước khi bỏ tiền ra đầu tư học ĐH, sinh viên cũng băn khoăn liệu chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm có tương xứng với số tiền bỏ ra?

Muốn học trường tốt, học phí phải cao?

Trước việc các trường tự chủ “quên” công khai học phí cho thí sinh, PGS.TS Trần Văn Tớp bày tỏ quan điểm: “Để việc tự chủ được thành công, tôi nghĩ tất cả các trường ĐH cần tăng học phí có lộ trình, có trách nhiệm, công khai và minh bạch. Không thể khi cho tự chủ thì thích tăng bao nhiêu thì tăng".

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa cũng đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ trước câu chuyện trường ĐH tăng học phí: “Xét ở một khía cạnh nào đó, học ĐH cũng giống như đầu tư cho tương lai. Nếu muốn mọi thứ đều tốt thì đương nhiên số tiền bỏ ra đầu tư nó phải khác. Không thể không có tiền mà lại muốn sang học ngành của Harvard, trừ khi bạn đặc biệt xuất sắc, giành được học bổng. Vì vậy, từ phía người học phải ý thức rất tốt về vấn đề này. Khi chấp nhận bỏ tiền đầu tư, chúng ta phải chọn lĩnh vực, xác định ngành nghề cho đúng”.

Tuy nhiên, không ít sinh viên vẫn lo lắng, vì số cử nhân thấp nghiệp tăng lên mỗi năm. Với những gia đình khó khăn, việc đầu tư này chẳng khác một cuộc chơi mạo hiểm.

“Có lẽ sau này, mỗi sinh viên con nhà nghèo muốn học ĐH sẽ phải vừa học vừa đi làm thêm cật lực, hoặc đi vay nợ và khi ra trường sẽ ôm một cục nợ. Không biết ra trường, với đồng lương ít ỏi, cử nhân đi làm bao nhiêu năm mới trả được tiền đi học. Đấy là còn may mắn xin được việc, không mất tiền chạy chọt, chứ thất nghiệp thì đúng là… nợ chồng nợ” – Đỗ Thị Thảo, Đại học Điều dưỡng Nam Định, chia sẻ.

Cũng vì thế, năm nay mới có hiện tượng nhiều em đã từ chối cơ hội vào ĐH, để lựa chọn trường nghề. Nhiều trường ĐH, dù điểm chuẩn thấp vẫn “đói” sinh viên. Bởi với người học, tự chủ dù rất tốt cho sinh viên và nhà trường, nhưng quan trọng nhất vẫn là bao nhiêu phần trăm có việc làm ngay khi tốt nghiệp?

Đặng Chung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/hoc-phi-dai-hoc-tang-toi-3-lan-sinh-vien-chap-nhan-dau-tu-mao-hiem-549811.ldo