Học ngoại ngữ bằng cách ra phố cổ nói chuyện với Tây balô

Theo cô Nguyễn Phương Thùy, việc thường xuyên nói chuyện với người nước ngoài giúp học viên quen với phản xạ và tư duy ngôn ngữ.

Chia sẻ về phương pháp học tiếng Anh tại hội thảo IELTS trong tầm tay được tổ chức tại Hà Nội, cô Nguyễn Phương Thùy (Thùy Oliver) cho biết từ một người nhút nhát, sợ nói tiếng Anh, cô đã trở thành giáo viên có kinh nghiệm dạy IELTS 9 năm.

Nữ giáo viên là thạc sĩ chương trình giảng dạy tiếng Anh TESOL tại Anh, hiện dạy tại Scots English.

Nên viết nhật ký, Facebook bằng tiếng Anh

Cô Thùy cho biết dù đạt 9 điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi đại học và đỗ vào khoa tiếng Anh của Đại học Hà Nội, cách học ở giảng đường khiến cô hoàn toàn bị “choáng ngợp” vì sự khác biệt so với thời phổ thông.

Cô Nguyễn Phương Thùy chia sẻ về cách học tiếng Anh.

Nhận ra sự quan trọng của việc nói tiếng Anh, từ năm 2004, cô Thùy thường xuyên ra khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để bắt chuyện với Tây balô. Các cuộc trao đổi thân mật thường có nội dung giới thiệu bản thân, đất nước và danh lam thắng cảnh của thủ đô. Sau một năm kiên trì nói tiếng Anh với Tây balô, khả năng nói của nữ sinh viên ngày ấy tăng lên đáng kể.

Hiện tại, với cương vị là giảng viên, cô Thùy gửi lời khuyên đến các bạn trẻ: Khu vực trung tâm thành phố Hà Nội ngày càng thu hút khách nước ngoài, đây chính là cơ hội cho các bạn phát triển việc học tiếng Anh. Nói chuyện với người nước ngoài sẽ giúp các bạn có phản xạ của tư duy và ngôn ngữ.

“Nếu còn nhút nhát, bạn hãy rủ thêm một người thân cùng nói chuyện với Tây balô. Nếu đi một nhóm quá đông, cơ hội giao tiếp sẽ bị hạn chế”, cô Thùy nói.

Tuy nhiên, theo nữ giáo viên, việc học tiếng Anh trên đường phố chỉ nên thực hiện khi bạn trẻ đã có trình độ cơ bản là IELTS 5.0.

Cô Thùy phân tích: “Khách du lịch không phải giáo viên nên không thể giúp sửa các lỗi sai. Vì vậy, sau mỗi cuộc trò chuyện, bạn phải tự trau dồi kiến thức, ngôn ngữ, phân tích xem mình đã dùng từ sai ở đâu để sửa chữa. Nếu không, thứ ngôn ngữ bạn có được chỉ là tiếng Anh bồi”.

Từ câu chuyện của bản thân, theo cô giáo Thùy, hiện tại, việc học tiếng Anh trong nhà trường còn nhiều lạc hậu khi phần lớn xoay quanh học viết, ít chú trọng kỹ năng nói và nghe. Học sinh không nên chờ đợi Bộ GD&ĐT thay đổi cách dạy, hãy tự mình học hỏi từ sách vở, thầy cô và bạn bè.

Để làm bài thi IELTS hiệu quả, cô Nguyễn Phương Thùy đưa ra lời khuyên mỗi học sinh cần có ít nhất 15 phút mỗi ngày tập trung nghe tiếng Anh để làm bài tập và lấy thông tin. Thời gian nghe nên tăng dần mỗi ngày để tránh bị... sốc và nản chí. Phương pháp "ngâm não" bằng cách nghe ngoại ngữ tràn lan để tạo môi trường học không mấy hiệu quả.

Học sinh cũng nên làm quen với nhiều giọng khác nhau như Anh - Anh, Anh - Mỹ. Ngoài ra, việc hình thành thói quen đọc và viết mỗi ngày cũng rất quan trọng. Người học có thể bắt đầu bằng việc đọc những mẩu ngắn theo sở thích, viết nhật ký hay Facebook bằng tiếng Anh, lập dàn ý trước khi viết. Đặc biệt, khi làm bài thi IELTS, học sinh cần phân bổ thời gian hợp lý, không bỏ trống bất kỳ câu hỏi nào.

Phương pháp 'mạng nhện'

Ông Mr David Whitehead, giáo viên dạy IELTS ở Việt Nam, đến từ Australia cho rằng việc học tiếng Anh cần có sự kết hợp giữa việc nghe, nói, đọc và viết.

“Các bạn học tiếng Anh cũng như tôi học tiếng Việt. Tôi thường dành thời gian để lắng nghe người Việt nói một cách chủ động. Vì thế, bạn đừng nghe tiếng Anh theo cách thụ động, để ngôn từ trôi qua tai, không mang lại hiệu quả. Đôi khi, bạn nên dừng lại đoạn băng nói tiếng Anh để tách ý nghĩa và nghĩ ngợi”, ông David Whitehead nói.

Theo giáo viên người nước ngoài này, để tăng vốn từ, học viên cần đọc và tra từ điển hàng ngày.

“Bạn có thể thực hiện phương pháp 'mạng nhện', nghĩa là từ một từ vựng trung âm, vẽ ra nhiều nhánh là các từ trái nghĩa, đồng nghĩa. Như vậy, thay vì học một từ, bạn đã học được 3 từ mới", ông David Whitehead khuyên.

Ông Mr David Whitehead (phải) là giáo viên dạy tại Scots English.

Trước lo ngại của nhiều bạn trẻ về việc ngoài thời gian học ở trường, đi làm, họ không biết học IELTS vào thời gian nào, cô Nguyễn Thị Đức - người có trên 20 năm kinh nghiệm trong giảng dạy ngoại ngữ - nhận định: Học sinh học liên tục 3 tháng trong môi trường bản ngữ mới có thể tăng một band điểm.

"Nếu làm quá nhiều việc sẽ không thực sự hiệu quả, bạn nên ưu tiên những việc làm quan trọng trước", cô Đức đưa ra lời khuyên.

Thạc sĩ Nguyễn Diệu Linh có chứng chỉ giảng dạy TESOL tại Anh, khẳng định IELTS là kỹ năng chứ không phải kiến thức. Bạn trẻ cần nâng cao liên tục khả năng để đạt hiệu quả. Khi bận rộn, bạn có thể học mọi lúc, mọi nơi, học khi nấu cơm, trên đường đi làm.

Quyên Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hoc-ngoai-ngu-bang-cach-ra-pho-co-noi-chuyen-voi-tay-balo-post748550.html