Học MasterChef Ngô Thanh Hòa làm bánh Trung thu cốm gom đủ phong vị của 2 miền

Vì chẳng có món ăn nào đậm sắc thu, lại thân thuộc và gắn liền với kí ức tuổi thơ nào như cốm nhỉ?

Mùa thu không chỉ có sắc đỏ của hồng hay vàng của bánh nướng, mà từ truyền thống xa xưa, nhắc đến thu Việt Nam là không thể không nhắc đến màu xanh của cốm. Cốm đại diện cho mùa thu như một món đặc sản chỉ thời gian này mới có. Hơn nữa, món cốm còn mang cái hương vị tao nhã ngọt ngào đặc trưng của không khí thu hơi se lạnh. Hiếm có thú vui nào vừa bình dân mà lãng mạn như ăn cốm: Nhón từng hạt cốm tươi bỏ vào miệng, tỉ mẩn nhai nhai, cảm nhận trọn vẹn lớp hương đầu hơi nhàn nhạt, khi trôi xuống họng thì để lại dư vị thơm phức, ngọt ngào.

Cách ăn cốm của người miền Bắc là thế, thường ăn không đã đủ ngon, hoặc không thì làm chè cốm hoặc cốm xào chút ít trên chảo. Nhưng ở miền Nam và miền Trung, vì chỉ có cốm khô, cách làm cũng khác đi và sinh ra nhiều công thức mới lạ khác.

ngô thanh hòa

Dù là ở vùng nào thì cốm cũng có cái ngon riêng của nó, gắn liền với kí ức tuổi thơ của mỗi người.

Đầu bếp Ngô Thanh Hòa - quán quân MasterChef Việt Nam mùa 1 - nhận thấy người miền Nam và Trung đã quá tài tình khi biến cốm khô trở nên hấp dẫn hơn: Miền Nam thì có trộn với dừa, miền Trung thì có rang lên làm hẳn thành bánh cốm.

Trung thu này, hãy cùng đầu bếp Ngô Thanh Hòa kết hợp cách chế biến cốm của Bắc và Nam, cho ra đời một mẻ "bánh trung thu" xanh mướt màu cốm, thơm phức mùi dừa. Áp dụng cách làm mềm hạt cốm của miền Nam, bên cạnh đó là kĩ thuật xào cốm từ miền Bắc, món bánh cốm này có độ dẻo cao và hương vị đậm đà, cùng gia đình quây quần ăn ngay khi còn nóng là tuyệt nhất!

Nguyên liệu:

- Cốm tươi

- Nước dừa tươi

- Nước cốt dừa

- Đường cát trắng

- Đường thốt nốt

- Dừa nạo

- Dầu dừa

Thực hiện:

Bước 1:

- Cho nước dừa tươi và đường vào nấu cho tan, khi đường vừa tan, sủi tăm thì thêm nước cốt dừa, khuấy đều.

Bước 2:

- Tách cốm tươi thành 2 phần, rưới 2-3 thìa nước dừa vừa nấu ở trên vào cốm, trộn đều và để sang một bên.

Bước 3:

- Nấu đường thốt nốt với nước cho tan, dùng nước đường xào với cơm dừa khoảng 1-2 phút đến khi phần nhân săn lại.

Bước 4:

- Cho cốm vào chảo, từ từ cho thêm phần nước dừa nấu ở trên còn dư vào.

- Xào một lúc, đến khi cốm nở và mềm thì thêm một chút dầu dừa giúp hạt cốm tơi mà không bị khô.

Bước 5:

- Cốm còn nóng, cho vào khuôn bánh trung thu, thêm nhân và tiếp tục một lớp cốm nữa lên trên.

Bước 6:

- Cuối cùng thì nặn thành hình bánh thôi!

So với bánh nướng thông thường, bánh cốm dễ làm hơn nhiều. Dọn ra ăn nóng cùng một chút dừa bào ở trên là bạn đã có ngay món bánh ngọt ngào đậm vị thu:

Kết hợp cả phong vị của miền Bắc và miền Nam, cộng với hương vị của cốm đặc trưng của mùa thu, sẽ làm mâm cỗ ngày rằm của bạn thêm mới lạ và ý nghĩa.

Theo Bích Liên, Ngọc Thi, Hoài Thiên, Sa Võ, Trà My / Trí Thức Trẻ

Nguồn Kênh 14: http://kenh14.vn/hoc-masterchef-ngo-thanh-hoa-lam-banh-trung-thu-com-gom-du-phong-vi-cua-2-mien-20160915000131612.chn