Học “ảo” và học thật

ANTĐ - Tại hội thảo “Hệ thống môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015”, lần đầu tiên Bộ Giáo dục-Đào tạo đưa ra bản thiết kế khá cụ thể. Điểm nổi bật là sẽ ít môn học hơn, thời lượng học ít hơn, thi cử cũng được đổi mới theo hướng giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn tuyển sinh đại học sẽ để các trường tự chủ.

Một trong những định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông (GDPT) là thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm, đảm bảo cho học sinh kết thúc lớp 9 có tri thức phổ thông nền tảng và chuẩn bị phân hóa, các năm học THPT, học sinh phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn phổ thông có chất lượng, phát huy tiềm năng và năng khiếu của mỗi học sinh, từ đó định hướng nghề nghiệp.

Theo Vụ Giáo dục Trung học, nội dung chương trình sẽ được thiết kế theo hướng tích hợp cao ở các lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp trên. Giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học chủ đề và hoạt động giáo dục dành cho học sinh tự chọn. Chủ trương tích hợp được thực hiện ngay từ lớp 1, lớp 2 chỉ có 3 môn: Toán, tiếng Việt, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Ngoài ra còn có 4 hoạt động: thể dục, âm nhạc, mỹ thuật và hoạt động tập thể. Từ lớp 3, số môn học nhiều hơn, nhưng đến THCS chỉ có 7 môn bắt buộc, thay vì 11 môn như hiện nay. Đặc biệt, chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 sẽ đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ và tự học theo phương châm giảng ít, học nhiều. Dự kiến mỗi lớp học sẽ có các môn, các hoạt động, giáo dục bắt buộc và tự chọn.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, lớp 10 là lớp “bản lề”, giúp học sinh bước đầu định hướng nghề nghiệp. Lên lớp 11 và 12, chương trình được thiết kế theo hướng phân hóa. Tất cả học sinh bắt buộc 3 môn: Văn, Toán, Ngoại ngữ 1. Ngoài ra các em phải học 3 môn tự chọn bắt buộc. Chương trình phổ thông hiện nay nhiều kiến thức không phải là môn học này cần dạy gì, mà là cần lựa chọn dạy gì thiết thực nhất và dạy như thế nào.

Đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định, đổi mới chương trình GDPT phải tạo bước đột phá là chuyển từ trọng tâm trang bị kiến thức sang trọng tâm phát triển năng lực học sinh. Chú trọng dạy cái gì, dạy như thế nào, chứ không phải dạy được bao nhiêu; chuyển từ học “ảo” sang học thực.

Đan Thanh

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/van-de-hom-nay/hoc-ao-va-hoc-that/523981.antd