Hoạt động xuất bản góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền tư tưởng, văn hóa của Đảng

Ngày 5/8, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư về 'Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản'. Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (ảnh:VL)

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (ảnh:VL)

Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Linh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã trình bày tóm tắt Dự thảo báo cáo tổng kết Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngành xuất bản đã phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, ổn định hệ thống tổ chức, có bước phát triển mới về năng lực hoạt động, thích ứng tốt hơn với cơ chế thị trường, bước đầu đáp ứng nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân, tiếp tục khẳng định vị thế là một lĩnh vực tư tưởng- văn hóa quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực của tình hình kinh tế, các chỉ số phát triển về đầu sách, bản sách vẫn cơ bản duy trì được tốc độ tăng trưởng (khoảng 4%/năm). Năm 2015, toàn ngành đã xuất bản 29.000 đầu sách, trên 369 triệu bản, đạt 4,1 bản sách/đầu người/năm.

Chất lượng sách được nâng cao. Sách lý luận chính trị phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm theo từng năm, các lễ kỷ niệm lớn của Đảng, dân tộc. Sách pháp luật đã góp phần tích cực vào phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho mọi đối tượng trong xã hội. Sách giáo khoa - công nghệ đã đi vào được một số lĩnh vực quan trọng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sách văn hóa, văn học, nghệ thuật tiếp tục có bước phát triển mới, mở rộng cả về phạm vi, thể loại. Sách cho thanh thiếu niên, nhi đồng có bước phát triển mạnh, phong phú về đề tài, hấp dẫn về nội dung, phù hợp với nhu cầu của nhiều lứa tuổi.

Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức các nhà xuất bản được giữ vững, ổn định. Số nhà xuất bản thuộc các trường đại học tăng nhanh, đáp ứng yêu cầu xuất bản sách, tài liệu phục vụ đào tạo. Lực lượng lao động tại các nhà xuất bản có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, tổng số lao động tại các nhà xuất bản khoảng 6.500 người.

Trong lĩnh vực in, cũng có sự chuyển biến nhanh về quy mô, số lượng. Tốc độ tăng trưởng bình quân 8-10%/năm. Năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm in được cải thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.

Về phát hành, trung bình mỗi năm, lực lượng phát hành sách đã phát hành khoảng 300 triệu bản sách, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ chính trị, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Các đơn vị phát hành sách Trung ương và địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các nhà xuất bản, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu đề ra.

Hoạt động phát hành sách đã được xã hội hóa cao, có sự phát triển mạnh về số lượng, từng bước mở rộng quy mô, năng lực hoạt động, xuất hiện xu hướng chuyển đổi mô hình hoạt động, thích ứng với đòi hỏi mới của kinh tế thị trường và yêu cầu của hội nhập quốc tế. Công tác quảng bá, hội chợ sách được quan tâm, đầu tư, thu hút độc giả thuộc mọi lứa tuổi, nâng cao hiệu quả kinh doanh, góp phần phát triển văn hóa đọc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất bản trong thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế. Đó là:

Chưa khắc phục được mâu thuẫn giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh doanh dẫn tới sự phát triển thiếu vững chắc, chưa có bước tiến mang tính đột phá. Bên cạnh đó, khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi ích kinh tế thuần túy tiếp tục tác động xấu đến hoạt động xuất bản. Đặc biệt, một số mảng sách chất lượng chưa cao. Sách thông tin đối ngoại, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, chống luận điệu xấu, sai trái của các thế lực thù địch chưa nhiều và chưa hiệu quả. Sách bằng tiếng dân tộc, sách viết về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao đời sống tinh thần, sự phát triển đa dạng các nền văn hóa của đồng bào dân tộc...

Lĩnh vực in phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững, có sự chênh lệch lớn về công nghệ và năng lực quản trị giữa các cơ sở in. Lực lượng phát hành sách tư nhân phát triển nhanh nhưng tiềm ẩn nhiều hạn chế, khó khăn, khó kiểm soát.

Chất lượng quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản trên một số mặt chưa hiệu quả, chưa bám sát đòi hỏi của thực tiễn. Việc thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng còn chậm, đặc biệt là trong xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp với tính đặc thù của xuất bản.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp để hoạt động xuất bản ngày càng phát huy hiệu quả trong thời gian tới. Các đại biểu cho rằng, cần rà soát, sắp xếp lại hệ thống các nhà xuất bản, đưa nhà xuất bản thuộc loại hình doanh nghiệp vào danh mục doanh nghiệp mang tính đặc thù, trên cơ sở đó xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi thuế, tài chính. Quy hoạch lại mạng lưới phát hành sách, có chính sách hỗ trợ phát triển phát hành sách cấp huyện, phát triển hệ thống nhà sách lưu động, điểm bưu điện văn hóa xã, ở địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Có chính sách hỗ trợ về giá, cước vận chuyển để tăng cường sách đến vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi xâm phạm bản quyền trong hoạt động xuất bản, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng in, phát hành sách lậu. Bổ sung chính sách hỗ trợ các đơn vị xuất bản phát triển loại hình xuất bản điện tử, đáp ứng yêu cầu hội nhập...

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Trong đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội, sách là một sản phẩm quan trọng, góp phần tích cực nâng cao dân trí, bồi dưỡng tâm hồn, xây dựng nhân cách, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Tổng kết 10 năm triển khai Chỉ thị 42-CT/TW “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” đã thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với lĩnh vực rất quan trọng này.

Ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của ngành xuất bản trong thời gian qua, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, hoạt động xuất bản 10 năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc khai thác các nguồn lực, tiến hành hợp tác, liên doanh, liên kết để tăng cường nguồn lực cho xuất bản, in và phát hành có bước phát triển mới, thích ứng với cơ chế thị trường, chủ động tham gia quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ. Các xuất bản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân.

Trong thời gian tới, trước những thuận lợi và thách thức đan xen, để xuất bản Việt Nam khẳng định vị thế là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng-văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì mục tiêu xây dựng một nền xuất bản độc lập, hiện đại là con đường phát triển tất yếu.

Đồng chí Võ Văn Thưởng chỉ rõ, trước hết, để các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị 42-CT/TW đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực thì các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan chủ quản và nhà xuất bản cần tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, nguyên tắc và những nhiệm vụ, giải pháp được khẳng định trong Chỉ thị 42-CT/TW và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác xuất bản.

Thứ hai, các đơn vị trong ngành xuất bản phải đặc biệt chú trọng mảng sách chính trị phổ thông, sách đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” , sách khoa học, kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sách về truyền thống dân tộc và cách mạng, về bản sắc văn hóa và tinh hoa văn hóa dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh mảng sách thông tin đối ngoại, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo; góp phần làm cho cộng đồng quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài hiểu rõ hơn về tình hình đất nước, về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Việt Nam.

Thứ ba, các cơ quan có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành hữu quan liên quan rà soát , kiến nghị hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động xuất bản như: Chính sách ưu đãi về thuế, nhà đất, đầu tư về vốn cho các nhà xuất bản; tạo điều kiện để phát triển loại hình xuất bản điện tử...

Thứ tư, nhanh chóng rà soát, sắp xếp lại hệ thống các nhà xuất bản hiện có, kiên quyết giải thể những nhà xuất bản hoạt động thiếu hiệu quả. Kiên quyết ngăn chặn nạn xuất bản, in, phát hành sách trái phép. Đặc biệt, cần nghiên cứu, khôi phục và phát triển mạng lưới phát hành sách ở vùng nông thôn, trước hết là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Triển khai các giải pháp phát triển hệ thống thư viện công cộng, điểm bưu điện văn hóa xã, câu lạc bộ sách, tăng cường hoạt động quảng bá, hội chợ sách..., là cơ sở phát triển văn hóa đọc./.

Nguồn: dangcongsan.vn

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/gio-thu-25/hoat-dong-xuat-ban-gop-phan-tich-cuc-vao-cong-tac-tuyen-truyen-tu-tuong-van-hoa-cua-dang-204970.html