Hoạt động tín dụng chính sách: Cuộc sống mới đến với người nghèo

Với mục tiêu “Vì hạnh phúc của người nghèo, vì an sinh xã hội”, cùng với nhiều nỗ lực trong công tác triển khai hoạt động tín dụng chính sách, trong 14 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã thực hiện hiệu quả góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội, hàng triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã tự lực vươn lên ổn định sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Kênh tín dụng ưu đãi lớn nhất

Trải qua 14 năm xây dựng và phát triển, NHCSXH đã và đang lớn mạnh cả về chất và lượng. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay NHCSXH đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình tín dụng ưu đãi cùng nhiều chương trình từ nguồn vốn ủy thác của nước ngoài với tổng dư nợ đến hết năm 2016 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong quá trình hoạt động, NHCSXH luôn bám sát thực tế, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Quyết định phù hợp, kịp thời về tín dụng chính sách giúp các đối tượng chính sách có thêm cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Cùng với đó, NHCSXH đã theo sát diễn biến thị trường tiền tệ, từ đó kịp thời kiến nghị và đề xuất Chính phủ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng ưu đãi giúp người nghèo giảm chi phí vốn trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh thời gian thoát nghèo. Những chính sách mới này đã tiếp thêm sức mạnh để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Ảnh minh họa.

Hiệu quả có thể nhìn thấy rõ bằng định lượng khi số hộ vay vốn những năm đầu thành lập là hơn 3 triệu hộ đến nay là 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ tăng lên trong khi số hộ vay giảm biểu hiện hộ thoát nghèo và những hộ nghèo mới vay được nâng mức cho vay. Bình quân dư nợ/hộ (trừ chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở) đã tăng từ 20 lên 29 triệu đồng/hộ và tiến dần lên 50 triệu đồng/hộ.

Tín dụng chính sách của Chính phủ đã được “phủ” đến từng thôn, bản thông qua mạng lưới gần 190.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn và 11.000 Điểm giao dịch xã. Trong 14 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với trên 30 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách, giúp hơn 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,2 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 8,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL, gần 500 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách…

Giúp nhiều hộ thoát nghèo

Về thôn Mường Gum, xã Mường Gum (Bát Xát, Lào Cai), đến thăm gia đình anh La Văn Sinh, dân tộc Giáy ở anh cho biết: Năm 2009, gia đình được vay 20 triệu đồng vốn hộ nghèo để phát triển sản xuất và khi chính sách hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở được triển khai, năm 2009 gia đình được ngân hàng giải ngân 8 triệu đồng.

Nhờ những đồng vốn ưu đãi này mà đến nay gia đình anh Sinh đã ổn định cuộc sống với ngôi nhà khang trang và nguồn thu khá ổn định từ chăn nuôi trâu bò và lợn. “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện ít đất sản xuất, cộng với việc không có vốn làm ăn nên cái nghèo cứ đeo đẳng mãi.

Nhưng từ khi tôi vay được tiền Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), gia đình tập trung vào chăn nuôi, dần dần cũng có lãi. Ngoài ra tôi còn đi nhận làm gạch thuê, nhờ tích góp dần nên đã mở rộng thêm việc kinh doanh hoa quả ở chợ, có thêm điều kiện nuôi các con ăn học.”, anh La Văn Sinh chia sẻ.

Cùng địa chỉ với anh Sinh, còn có gia đình hộ Vùi Thị Ngài. Cuộc sống gia đình chị Ngài trước kia cũng khó khăn, vất vả, không có vốn để làm ăn nuôi gia đình. Được Hội Phụ nữ hướng dẫn năm 2010 chị tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn và được NHCSXH huyện Bát Xát giải ngân 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo để đầu tư nuôi trâu. Năm 2013, hộ chị Ngài cũng được vay thêm 8 triệu đồng theo chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn về nuôi lợn giống. Hiện cuộc sống gia đình đã thoát cảnh sống cơ cực trước đây”…

Hoạt động của NHCSXH đối với công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đang hứa hẹn những bứt phá mới trong giai đoạn 2016 - 2020. Như đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc nhìn nhận: Đảng và Nhà nước không những quan tâm mà ngày càng nâng cao chuẩn nghèo lên, cho thấy mức sống của người dân nói chung, của đất nước, thậm chí các hộ nghèo ngày càng tăng lên.

Tiêu chí hộ nghèo cũng từ đơn chiều tiến đến đa chiều là thách thức đối với giảm nghèo đòi hỏi Đảng, Chính phủ cùng hệ thống NHCSXH phải nỗ lực quyết tâm thì mới có thành tựu to lớn như thời gian qua. Đây cũng chính là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của NHCSXH và những hành động cũng như hiệu ứng đầu tiên đã có thể nhìn thấy trong bức tranh hoạt động của NHCSXH.

Cuộc hành trình của nguồn vốn tín dụng ưu đãi 14 năm qua vì an sinh xã hội ở nước ta thu được những thành tựu nổi bật là tập trung huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, đồng thời vừa mở rộng, vừa tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trìnhh tín dụng chính sách. Thành tựu này được các đại biểu Quốc hội nhận xét là một “điểm sáng” về thực hiện các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.

Linh Anh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/hoat-dong-tin-dung-chinh-sach-cuoc-song-moi-den-voi-nguoi-ngheo.html