Hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có dấu ấn sâu đậm trong nền kinh tế

Phát biểu tại Hội nghị Công tác Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) các tỉnh, thành phố năm 2016, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đánh giá: 'Hơn nửa thế kỷ phát triển hoạt động TCĐLCL đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước'.

 Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh

Hôm nay tại Nha Trang (Khánh Hòa) đã diễn ra Hội nghị công tác Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tỉnh, thành phố năm 2016. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị này.

Đánh giá về công tác TCĐLCL thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh cho rằng: Hơn nửa thế kỷ phát triển, hoạt động TCĐLCL đã có những bước đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hệ thống TCVN - Tiêu chuẩn Quốc gia và QCVN - Quy chuẩn Quốc gia đã tạo cơ sở quan trọng cho việc quản lý, đảm bảo an toàn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, tăng cường xuất khẩu cho các doanh nghiệp.

Lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL và Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai thực tế thiết bị đo lường chất lượng vàng

"Các chuẩn đo lường được công nhận, đảm bảo tính liên kết chuẩn của các trung tâm TCĐLCL khu vực, các chi cục TCĐLCL, các phòng hiệu chuẩn, các tổ chức kiểm định, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong cả nước với chuẩn đo lường quốc gia. Đây là cơ sở kỹ thuật quan trọng, đảm bảo tính thống nhất và chính xác của hoạt động đo lường trong phạm vi của cả nước và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở trong cả nước.

Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cũng được thực hiện rộng khắp cả nước, góp phần bảo đảm công bằng trong giao nhận, mua bán và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Hoạt động đánh giá sự phù hợp ngày càng đi vào nề nếp: Hoạt động chứng nhận hợp quy, công bố chuẩn hợp, công bố hợp quy được thực hiện rộng khắp cả nước; ngày càng nhiều phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn, tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận được công nhận phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh. Các cơ quan thuộc hệ thống TCĐLCL đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa trong sản xuất, trong lưu thông và trong xuất nhập khẩu. Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, xử lý và ngăn chặn nhiều vụ vi phạm quy định của pháp luật.

Phong trào năng suất, chất lượng được hình thành trong phạm vi cả nước, tác động tích cực đến nhận thức của toàn xã hội đối với vấn đề TCĐLCL, tạo động lực cho các doanh nghiệp phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam được cải thiện rõ rệt.

Hoạt động hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) đã rà soát hàng nghìn văn bản mà địa phương xây dựng thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định TBT cần thiết phải thông báo cho WTOvà xử lý thông báo của các nước thành viên WTO khác", Thứ trưởng Trần Việt Thanh phân tích.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, đóng góp vào những kết quả trên có vai trò hết sức quan trọng của các Chi cục TCĐLCL tỉnh thành phố - hệ thống TCĐLCL địa phương. Thông qua hoạt động TCĐLCL ở địa phương, các chính sách pháp luật về TCĐLCL đã đi vào cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương. Không những vậy, công tác TCĐLCLC ở địa phương cũng cung cấp những thông tin quý báu từ thực tiễn, giúp các cơ quan chức năng của Bộ KH&CN cũng như Tổng cục TCĐLCL tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về TCĐLCL. Chính vì thế, việc tổng kết, đánh giá hoạt động của các Chi cục TCĐLCL tỉnh, thành phố luôn là một hoạt động cần thiết để qua đó các cơ quan quản lý cấp trên thấy được những thành tựu đã đạt được như thấy được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động TCĐLCL tại địa phương.

Minh chứng điển hình cho vai trò của hoạt động TCĐLCL đối với phát triển kinh tế địa phương, bảo đảm chất lượng hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng, báo cáo của Chi cục TCĐLCL Đồng Nai nói về công tác quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường cho thấy, trong tháng 3/2016, các cán bộ của Chi cục này đã bí mật giả dạng khách mua vàng và đưa về Chi cục kiểm tra chất lượng nhằm xác định doanh nghiệp bán vàng có hàm lượng thấp hơn so với công bố và tem nhãn của từng món vàng trang sức.

Trên cơ sở kết quả đã được bí mật khảo sát, Chi cục lập kế hoạch trình lãnh đạo Sở KH&CN phê duyệt thực hiện với mục tiêu không chỉ kiểm tra, xử lý ngăn chặn hành vi gian lận trong kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn tạo môi trường kinh doanh vàng trang sức cạnh tranh lành mạnh.

Qua kiểm tra, Chi cục TCĐLCL Đồng Nai đã phát hiện 35/36 doanh nghiệp vi phạm về hàm lượng vàng khá nghiêm trọng. Điển hình từ 1/6 - 15/6/2016 có 12/15 doanh nghiệp được kiểm tra vi phạm với mức độ thấp nên chỉ xử phạt gần 200 triệu đồng. Từ 15/6 - 30/6, kiểm tra 32 doanh nghiệp với kết quả chỉ 1 doanh nghiệp vi phạm nhưng chỉ với món nữ trang có giá trị thấp nên đoàn kiểm tra chỉ nhắc nhở doanh nghiệp.

Bà Đỗ Thị Ngọc Phương - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Đồng Nai kiểm tra chất lượng vàng bằng thiết bị hiện đại

Từ quyết tâm và quyết liệt trong quá trình kiểm tra của Chi cục đã tạo hiệu ứng rõ nét cho hoạt động kinh doanh vàng ở địa phương. 200 doanh nghiệp có đơn xin được hỗ trợ đánh giá lại chính xác tuổi vàng để thực hiện công bố và ghi tem nhãn lại cho phù hợp với thực tế nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

Trong hai ngày 19 và 20/8, Hội nghị sẽ nghe Vụ Kế hoạch Tài chính - Tổng cục TCĐLCL báo cáo đánh giá tình hình hoạt động TCĐLCL địa phương năm 2015, 6 tháng năm 2016 và phương hướng hoạt động cho giai đoạn tiếp theo.

Vụ Đo lường hướng dẫn thực hiện quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

Vụ Đánh giá hợp chuẩn, hợp quy hướng dẫn thực hiện quy định về kinh doanh MBH cho người đi mô tô, xe máy; Hướng dẫn thực hiện quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; Hướng dẫn trình tự thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất oxy hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ và các chất ăn mòn bằng phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm Hàng hóa hướng dẫn thực hiện cơ chế một cửa quốc gia đối với thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN; Hướng dẫn phối hợp kiểm tra hàng hóa và thông quan hàng hóa nhập khẩu.

Hội nghị cũng sẽ nghe Báo cáo điển hình công tác quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức và mỹ nghệ lưu thông trên thị trường tại tỉnh Đồng Nai.

Nhân Hội nghị này, Lãnh đạo Bộ KH&CN trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho Chi cục TCĐLCLC tỉnh Đồng Nai.

Hồng Anh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/hoat-dong-tcdlcl-co-dau-an-sau-dam-trong-nen-kinh-te-d100470.html