Hoạt động sản xuất của con người đang tác động mạnh tới động vật hoang dã

Cảnh báo trên dựa vào vào kết quả giám sát dài hạn đối với hơn 3.700 loài động vật có xương sống khác nhau, từ loài ếch có kích cỡ bằng hạt đậu, tới loài cá voi dài 30 mét.

Số lượng động vật có xương sống (bao gồm các loài có vú, chim, cá, bò sát và lưỡng cư) trên thế giới đã giảm tới 58% trong thời gian 1970-2012, chủ yếu do hoạt động của con người tác động mạnh tới môi trường tự nhiên.

Nếu đà suy giảm hiện nay tiếp diễn, con số này sẽ là 67% vào năm 2020. Đây là cảnh báo được Quỹ Bảo vệ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) đưa ra trong “Báo cáo Hành tinh Sống 2016" do WWF phối hợp với tổ chức Xã hội động vật học của London thực hiện và công bố ngày 27/10.

Cảnh báo trên dựa vào vào kết quả giám sát dài hạn đối với hơn 3.700 loài động vật có xương sống khác nhau, từ loài ếch có kích cỡ bằng hạt đậu, tới loài cá voi dài 30 mét.

Báo cáo ghi nhận với đà giảm trung bình 2%/năm, số lượng động vật có xương sống hoang dã trên toàn cầu đang suy giảm nhanh hơn so với 2 năm trước, thời điểm WWF đưa ra mức giảm 52% tới năm 2010.

Tổng Giám đốc WWF Marco Lambertini nhấn mạnh các loài động vật hoang dã đang "biến mất" với một tốc độ chưa từng thấy.

Theo báo cáo, dân số thế giới gia tăng chính là mối đe dọa đối với cuộc sống hoang dã, bởi con người buộc phải gia tăng hoạt động xâm lấn tự nhiên như chiếm đất để xây dựng nông trại và đô thị.

Thêm vào đó, các yếu tố ô nhiễm, hoạt động săn bắn và biến đổi khí hậu cũng góp phần làm số lượng động vật giảm sút.

Báo cáo này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tác động tiêu cực của con người đối với môi trường tự nhiên.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, cơ hội bảo tồn các loài động vật hoang dã vẫn đang ở phía trước bởi tuy có giảm về số lượng, song các loài vẫn chưa bị tuyệt chủng và trên thực tế, một số loài đang phục hồi về số lượng.

Đặc biệt, sau khi có hiệu lực, Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu có thể hỗ trợ bảo vệ các khu rừng nhiệt đới, làm chậm tốc độ sa mạc hóa, kiềm chế tình trạng axít hóa trong đại dương..., qua đó tác động tích cực tới môi trường thiên nhiên hoang dã.

Thêm vào đó, năm 2015, Liên hợp quốc đã công bố các mục tiêu phát triển bền vững cho đến năm 2030, trong đó có mục tiêu giảm đói nghèo kèm theo các chính sách bảo vệ môi trường.

Trong một diễn biến có liên quan, 24 nước trên thế giới ngày 28/10 đã nhất trí xây dựng công viên hải dương lớn nhất thế giới tại Nam Băng Dương, bao phủ 1,55 triệu km vuông bề mặt biển, có tên Ross Sea.

Theo đó, các cá nhân và tổ chức sẽ không được phép đánh bắt cá trong khu vực này trong vòng 35 năm. Ross Sea được coi là một trong những vùng biển có ý nghĩa sinh thái quan trọng nhất thế giới, là nơi trú ngụ của hơn 10.000 loài động vật và gồm phần lớn số chim cánh cụt, cá voi, chim biển, mực lớn..., của thế giới./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/hoat-dong-san-xuat-cua-con-nguoi-dang-tac-dong-manh-toi-dong-vat-hoang-da/27572.html