Hoàng tử Ethiopia làm tiêu tan kế hoạch của Đức trong Thế chiến I

Cách đây 10 năm, hoàng tử Ethiopia Lij Iyasu bị lật đổ sau khi nhà thờ Chính thống giáo sợ ông cải sang đạo Hồi. Động thái này cũng làm tiêu tan kế hoạch đưa Ethiopia tham gia vào Thế chiến I của Đức.

Tháng 1-1915, một chiếc thuyền lặng lẽ rời cảng Al-Wajh, chở theo nhóm người Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, dưới vỏ bọc các nhà thám hiểm Châu Phi. Được dẫn dắt bởi Leo Frobenius - nhà phiêu lưu mạo hiểm, nhà khảo cổ học và là người bạn của Hoàng đế Đức Kaiser Wilhelm II, mục đích chuyến đi là khuyến khích Ethiopia tham gia vào Thế chiến I. Đức tin rằng, kênh đào Suez là "huyết mạch" của Anh, cho phép nước này vận chuyển binh lính và hàng hóa từ Australia, New Zealand và Ấn Độ.

Kế hoạch chiến tranh

Năm 1915, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Đức mở cuộc tấn công vào kênh đào Suez nhưng thất bại. Ethiopia khi đó là quốc gia độc lập và là cường quốc trong khu vực, do đó nếu có thể thuyết phục Ethiopia tham chiến về phe mình, Đức tin rằng quân đội Anh và đồng minh sẽ phải rút khỏi kênh đào và các mặt trận khác.

Mục tiêu của Bộ Tổng tham mưu ở Berlin là buộc kẻ địch phải đưa lực lượng đến bảo vệ các thuộc địa ở vùng Sừng châu Phi, qua đó làm suy yếu mặt trận Châu Âu". Theo quan điểm của Berlin, cuộc tấn công của Ethiopia sẽ mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ, với sự hỗ trợ bởi của lực lượng viễn chinh Đức, giành lấy kênh đào Suez. Nếu Anh và các đồng minh để mất kênh đào Suez, họ không thể khôi phục.

Hoàng tử Ethiopia Lij Iyasu. Ảnh: BBC

Nhiệm vụ thất bại

Với mục tiêu này, Frobenius được phái tới Ethiopia. Tuy nhiên khi ông đến Eritrea, thuộc địa của Italia, thì bị bắt. Forbenius bị trục xuất trở lại Berlin, nhưng các chỉ huy cao cấp của Đức khẳng định, điều này sẽ không thể ngăn cản mục tiêu của họ. Một đoàn thám hiểm mới được phái đi vào tháng 6-1915, lần này do Salomon Hall, người xuất thân từ một gia đình Do Thái Ba Lan có các mối quan hệ lâu đời với Ethiopia. Một lần nữa ông bị chặn lại ở Eritrea. Mặc dù nhiệm vụ thất bại, các tài liệu ông mang theo đã đến được Ethiopia. Phái viên của Đức tại thủ đô Addis Ababa, Frederick Wilhelm von Syburg, được chỉ dẫn cách thuyết phục chính phủ Ethiopia tham chiến. Đức cam kết sẽ công nhận các vùng lãnh thổ Ethiopia chinh phục hoặc chiếm được từ các lực lượng Đồng Minh là tài sản hợp pháp và lâu dài của Ethiopia sau chiến tranh", tài liệu viết.

Kế hoạch của Đức tập trung vào Lij Iyasu, hoàng tử Ethiopia cai trị đất nước sau khi ông nội, Hoàng đế Menelik II, bị đột quỵ vào năm 1909 và qua đời năm 1913. Tháng 4-1911, Iyasu nhiếp chính, nhưng ông hầu như không sẵn sàng cho vị trí này. "Ông thiếu nhận thức chung về chính trị, và không có tầm nhìn lớn", sử gia Harold Marcus viết.

Đế chế Hồi giáo

Hoàng tử Iyasu lấy vợ là người Hồi giáo và ngay lập tức, tin đồn bắt đầu lan truyền rằng hoàng tử đã cải sang đạo Hồi. Vấn đề lên đến đỉnh điểm khi ông Iyasu công bố lá cờ Ethiopia với biểu tượng đạo Hồi và gửi kinh Koran cho quân đội.

Giới quý tộc Ethiopia và nhà thờ lo sợ cho tương lai của đất nước đã quyết định hành động. Người đứng đầu nhà thờ Chính thống giáo đã thuyết phục quân đội lật đổ Iyasu. Ngày 27 -9-1916, hoàng tử bị lật đổ và bị bắt năm 1921.

Anh, Pháp và Italia thở phào nhẹ nhõm khi Iyasu bị bắt. "Chính phủ Ethiopia hiện đang nằm trong tay của những người thân thiện với chúng ta. Mối đe dọa rằng Ethiopia có thể tham chiến đã chấm dứt", Đại sứ Anh tại Ethiopia cho biết.

Nỗ lực đưa Ethiopia vào cuộc chiến của Đức đã trở nên vô ích. Không có sự đổ bộ của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hay Đức nào từ Biển Đỏ. Tuy nhiên, nếu Iyasu không kém cõi, kết quả có thể đã khác, Anh và các đồng minh có thể phải hứng chịu thất bại thảm khốc.

An Bình
(Theo BBC)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_155671_hoa-ng-tu-ethiopia-la-m-tieu-tan-ke-hoa-ch-cu-a-du.aspx