Hoàng Rob: Tay ngang violin may mắn

Nổi tiếng sau một đêm và gia nhập guồng phong lưu từ cái đêm ấy là câu chuyện hoàn toàn có thật với Trương Nhật Hoàng, hiện tượng violin đương đại tay ngang lạ lùng nhất từ trước tới nay.

Mười tám tuổi Hoàng Rob mới từ Quảng Bình ra Hà Nội học đại học ngành Tài chính Kế toán, đó cũng là thời điểm cậu sinh viên thực hiện khát khao chôn dấu từ tuổi thơ là học đàn violon. Sau bảy năm, ở tuổi 25, Hoàng Rob là nghệ sĩ violon nhạc nhẹ đắt sô nhất của showbiz Việt cũng như sự kiện tại các thương hiệu cao cấp. Đối với số đông nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển, đây là một ví dụ về sự bất công. Hỏi về Hoàng nhiều người trong nghề nói “thằng đó thì đánh đấm gì”, “linh tinh ấy mà”. Hoàng thấy tổn thương nhưng nghĩ lại “Mọi người khổ luyện nhạc cổ điển cả đời, mỗi buổi tập của nhạc công dàn nhạc giao hưởng được bồi dưỡng 50 nghìn, buổi diễn chính thức được có 700 nghìn. Tôi mới tập đàn vài năm đã nhận được quá nhiều. Bị ghét là đúng”.

Vút lên sau một đêm

Ba tháng sau sự kiện Sơn Đoòng được truyền trực tiếp trong chương trình có nhiều người xem nhất ở Mỹ “Good Morning America”, cộng đồng mạng xôn xao về clip chàng trai kéo đàn violin trong Hang Én hùng vĩ. Toàn cảnh đẹp long lanh của Sơn Đoòng hiện lên trong nền nhạc du dương của bản hit “Say you do”(nhạc sĩ Tiên Tiên). Lượng view tăng vùn vụt, khán giả thắc mắc tìm kiếm xem chàng trai lạ hoắc đó là ai. Đó là chàng trai Quảng Bình, muốn quay một MV ngắn về cảnh đẹp gắn liền với ký ức tuổi thơ để tri ân quê hương.

Mặc dù Hoàng Rob đã giải thích nhiều lần nhưng đến giờ, sau hơn một năm MV xuất hiện, vẫn nhiều người cho rằng đằng sau Hoàng có một thế lực “khủng” thì anh mới đặt chân được vào tâm điểm kỳ quan để quay phim. Một kênh truyền hình tìm đến tận người gùi đồ thuê cho nhóm lên Hang Én để phỏng vấn, dư luận nghi ngờ hoặc hình ảnh Hoàng Rob chỉ là ghép hoặc có “ông lớn” du lịch nào đó tài trợ.

Tranh của Nguyễn Văn Hổ.

Tranh của Nguyễn Văn Hổ.

Hè năm 2015, về Đồng Hới, một nhóm bạn nói với Hoàng họ biết lối đi tắt lên Hang Én “mày có muốn làm một clip kéo đàn ở đó không?”. Hoàng tưởng mọi việc nhẹ nhàng như picnic ai ngờ đường đi cheo leo nguy hiểm, vất vả cả nửa ngày mới tới nơi. Do chuyến đi mệt mỏi nên lúc xem clip hoàn thiện chẳng thấy hứng thú, Hoàng nói với bạn: “tụi mày muốn làm gì với nó thì làm”. MV được tung lên youtube, sau một đêm cuộc sống của nghệ sĩ violin nghiệp dư đã cua gấp sang một ngã rẽ mới. Những cuộc hẹn phỏng vấn tới tấp, chuông điện thoại mời diễn dồn dập từ các sự kiện. Nửa đêm còn phải ôm đàn chạy ra sân bay, đi lại giữa Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hồng Kông, Singapore… có tháng bay tới 37 chuyến. Cát-sê cứ thế tăng vụt. “Số tiền kiếm được trong mấy tháng sôi sục đó đủ cho tôi làm dự án âm nhạc “Tự nguyện” cuối năm 2015 và cả Live Concert “Hừng Đông” sắp tới.

Hoàng Rob là một ca khó đoán, nhiều tương phản. Bạn bè bảo trông Hoàng ngoài đời lơ ngơ như cậu bé nhưng vào việc rất rành rọt, chín chắn.

Từ cột mốc “Say you do” trở về trước là nhịp sống của một nhạc công đánh quán. Hoàng Rob lập nhóm tứ tấu Gen 9 (Thế hệ 9X) từ năm 2013, sau đó tách ra đánh solo nhưng vẫn duy trì song song diễn cùng nhóm. Hồi đầu, 3 thành viên còn lại của Gen 9 là dân Nhạc viện tài sắc có chút xem thường anh chàng ngoại đạo, học violin “tại chức” nhưng đi diễn một thời gian tất cả đều nhận ra người được khán giả thích nhất luôn là Hoàng.

Hoàng không quá đẹp trai nhưng dễ thương, thần thái thu hút. Khán giả trẻ hay lớn tuổi cũng sẽ thích vẻ mặt say sưa ngây ngất và nụ cười thoảng nhẹ trong lúc anh chơi đàn.

Nhược điểm của dân chơi nhạc cổ điển là vẻ mặt họ luôn căng thẳng, thần thái tỏ ra nghiêm túc với âm nhạc. Các nghệ sĩ nhạc nhẹ dễ được thích hơn vì họ bày tỏ niềm vui trong lúc chơi đàn.

Gần đây có nhiều nhóm nhạc nhẹ muốn gây chú ý đã nhún nhảy quá đà trong lúc diễn nhưng hình như chẳng ăn thua khi họ không thực sự vui với âm nhạc.

Dự án “Tự nguyện” gồm 3 MV Tự nguyện (Trương Quốc Khánh), Cầu vồng đêm mưa (Đỗ Bảo) và Vùng đất lãng quên (SlimV) như Hoàng nói là “lời tri ân dành cho Huế, quê ngoại của tôi”. Cảnh đẹp thơ mộng của Huế trên nền nhạc bài “Tự nguyện” một lần nữa khiến khán giả dành thiện cảm cho violin đương đại. Nhóm quay phim ở Sơn Đoòng tiếp tục cộng tác với Hoàng Rob lần này. Họ cũng đã nổi như cồn và trở thành những tay máy đắt sô số 1 miền Trung.

Tư duy yểm trợ tài năng

Đỗ đại học, Hoàng ra Hà Nội. Là con nhà khá giả, bố mẹ mỗi người có riêng một công ty nhưng ra thủ đô Hoàng vẫn ở ký túc xá, mỗi tháng được phát 1 triệu tiêu pha, còn ít hơn bạn bè cùng phòng.

Việc đầu tiên là tìm thầy dạy đàn. Bớt tiền ăn để đóng học phí. Qua tìm hiểu Hoàng biết ở VN, nghệ sĩ Trần Anh Tú là tay violin hiếm hoi chơi hay cả cổ điển và nhạc nhẹ nên đăng ký học mỗi tuần một buổi. Trong thời gian học, thầy Tú thường xuyên mắng mỏ, “dìm hàng” khiến Hoàng mặc cảm lắm. Nghỉ học rồi thầy mới công khai khen cậu học trò. Học được gần 2 năm, Hoàng đi đánh quán. Chủ các quán thường không mặn mà với đàn dây lắm. Đánh 2 bài họ trả cho 50 nghìn, có khi phải chầu chực đợi đến lượt, chịu đựng thái độ coi thường. Tôi nghĩ nhạc công VN là nghề khổ hạnh - Hoàng Rob ngậm ngùi. Trong khi đa số nhạc công chọn bài quen thuộc như nhạc Trịnh hoặc “Yesterday” (của Beatles) thì Hoàng tìm giai điệu mới từ những ca khúc của Adele. Nhiều bản hit của của Sơn Tùng, Tóc Tiên… cũng được anh chuyển sang violin. Nhiều người lấy bản phối trên mạng về tập cho nhanh, Hoàng thì không. Anh muốn bản phối chỉ riêng mình có “đó có lẽ cũng là một lý do sau này tôi được mời nhiều”. Giá cát-sê nâng dần lên 70 rồi 100, 200 nghìn cho mỗi suất diễn.

Hoàng Rob- Nghệ sĩ đầu tiên kết hợp violin với các thể loại nghệ thuật khác. Ảnh: LEO.

Hoàng Rob là một ca khó đoán, nhiều tương phản. Bạn bè bảo trông Hoàng ngoài đời lơ ngơ như cậu bé nhưng vào việc rất rành rọt, chín chắn. Phải lòng violin đến thế nhưng anh vẫn thích mê những gì liên quan đến kinh tế, thương mại, marketing. Bận diễn sô vẫn cố bảo vệ thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh. Trong lúc bận rộn làm Album và Live Concert “Hừng Đông”, tối tập luyện, ban ngày anh vẫn là công chức bàn giấy ở Bộ Văn hóa. “Hồi mới vào làm ở Bộ, việc của tôi là đóng dấu bì thư. Họp nhiều lắm nhưng tôi nghĩ đấy cũng là một cách rèn luyện”. Lúc trước đồng nghiệp tỏ vẻ khó chịu vì trông “ma mới” như “không làm được việc gì”. Không khí thân thiện hơn sau lần Hoàng thổ lộ “ở ngoài đời em là nghệ sĩ violin, mong mọi người ủng hộ em”.

Tôi thấy kinh tế và nghệ thuật có tương phản đâu. Người làm kinh tế thành đạt và nghệ sĩ thành công có chung một điểm là tư duy tốt, Hoàng khẳng định. Trong showbiz Việt anh nể phục và ngưỡng mộ hai người. Hà Trần từng có giọng hát yếu nhưng tư duy giỏi nên chị ấy trở thành phiên bản độc nhất của âm nhạc. Hà Hồ giọng hơi khào nhưng rồi hay dần lên. Cách chị ấy sử dụng trang phục, trang điểm, vũ đạo hướng đến vẻ đẹp hoàn hảo. “Tôi rất mong có lần nào đó kết hợp với Hà Hồ”. Anh cũng tự nhận bản thân thành công 90% nhờ vào tư duy.

Hoàng là người chú trọng hình thức, đòi hỏi sự cầu toàn. Không chỉ cần kỹ thuật chơi đàn tốt mà mọi thứ quanh đêm diễn phải hài hòa duy mỹ. “Mình phải gợi lên cho khán giả nhiều vẻ đẹp khác ngoài âm nhạc”.

Sở thích ngoài violin của anh là trồng cây (ở ban công nhà chung cư) và nghiên cứu lịch sử thời trang đồ hiệu. “Tôi rất tò mò về bí mật thành công của các nhãn hàng danh tiếng. Có lẽ là do sẵn máu kinh doanh trong người”.

Thể loại world music, điện tử kết hợp pop mà Hoàng theo đuổi khi kết hợp với loại hình khác như ca, múa, mỗi bên vẫn có thể gây ấn tượng độc lập. Không khó hiểu khi cái tên Hoàng Rob có thể đứng bình đẳng bên cạnh các tên tuổi như Đỗ Bảo, Khắc Hưng, Trần Thu Hà, Thu Phương, Ca nương Kiều Anh, Linh Nga… Có nhiều người nghĩ Thu Phương chảnh và nguy hiểm nhưng Hoàng không thấy thế. Mới nghe Hoàng chơi đàn lần đầu, Thu Phương đã phăm phăm chạy đến bảo “em phải thề, hứa, đảm bảo rằng sẽ diễn với chị một lần gần đây nhé!”

Lần đầu gửi email làm quen xin phép đánh bài của nhạc sĩ Đỗ Bảo anh ấy đã dành cho Hoàng thiện cảm đặc biệt “Em có thể dùng bất kỳ bài nào của anh mà không cần phải xin phép”. Phiên bản violin “Cầu vồng trong mưa” đã thu hút rất nhiều lượt xem.

Khởi nghiệp từ cây đàn 30 USD

Năm 11 tuổi từ Quảng Bình ra Huế chơi, lần đầu tiên thấy ban nhạc Bond chơi trên TV, Hoàng như bị thôi miên. “Không biết tên nhạc cụ của họ là gì, họ chơi nhạc gì, chỉ thầm nghĩ cây đàn kỳ ảo kia nhất định sẽ gắn bó với đời mình”. Thần thái, cách chơi không nhìn vào đàn của bốn nữ nghệ sĩ Bond đã in sâu và truyền cảm hứng cho Hoàng mỗi ngày suốt ngần ấy năm qua. Thành lập và gắn bó với ban nhạc Gen 9 cũng là vì tình yêu với Bond. Nhờ Bond anh nhận ra việc xây dựng hình ảnh , hiệu ứng thị giác quan trọng thế nào với nghệ sĩ nhạc nhẹ.

Thời đầu những năm 2000, ước muốn chạm vào cây đàn đành treo vậy thôi vì cả tỉnh Quảng Bình chẳng có một nhạc công violin nào. Có một đợt Tết, gom hết tiền mừng tuổi được 700 nghìn, Hoàng giấu bố mẹ ra Huế tìm đến cửa hàng nhạc cụ có bày violin. Mặc dù ông chủ cửa hàng nói thật rằng cây đàn không đánh được, chỉ dùng để chụp ảnh cưới, cậu bé “mê man violin” vẫn cứ mua.

Hoàng tỏ ý muốn học đàn, bố mẹ không phản đối nhưng nói rõ quan điểm cũng là truyền thống dòng họ “muốn làm gì cũng được miễn là tự chủ, tự chi trả”.

Mười năm sau khi chạm vào chiếc violin đầu tiên giá 700 (30 USD) nghìn chỉ để trang trí, lúc này đây Hoàng đang chuẩn bị ra sân khấu Live Concert đầu tiên với cây đàn trị giá 7.000 USD (Sản xuất tại Đức).

Mẹ Hoàng nhắc con trai “Con diễn nốt show này, lên đỉnh vinh quang đi rồi trở về Bộ đi làm thật nghiêm chỉnh”. Hoàng vui vẻ bình luận: “Bố mẹ cứ nói thế thôi chứ vẫn thích thấy con lên TV và được hàng xóm hỏi thăm”.

Hoàng Hoa

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/hoang-rob-tay-ngang-violin-may-man-1085074.tpo