Hoàn thiện quy định minh bạch tài sản, thu nhập

Chính phủ tiếp tục xác định trong năm 2018, phòng chống tham nhũng (PCTN) là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện.

Chuyện pháp luật

Nhiệm vụ trọng tâm nữa là đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ, nhất là công khai, minh bạch trong đấu thầu, sửa đổi quy định về tặng quà và nhận quà tặng theo hướng tăng cường tính tự giác và có chế tài nghiêm khắc đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Hoàn thiện quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị về phòng ngừa, phát hiện và xử lý bước đầu hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Một vấn đề khác là khắc phục những hạn chế của việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng. Hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát chặt chẽ thu nhập và biến động tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tăng cường thực hiện Ðề án thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, rửa tiền…

Tại phiên họp vừa qua của Ủy ban Tư pháp của QH, Ủy ban cũng đã cho ý kiến về Luật PCTN (sửa đổi). Sửa đổi luật lần này sẽ làm rõ và khắc phục những vấn đề bất cập tồn tại lâu nay. Ðó là việc quy định về trách nhiệm giải trình, quy định rõ trình tự, thủ tục và nội dung thực hiện trách nhiệm giải trình, và phải gắn với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác. Ðiểm nhấn là luật yêu cầu về biện pháp công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Về xây dựng chế độ liêm chính, dự thảo luật nhấn mạnh đây là nội dung cơ bản, trụ cột trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, qua đó góp phần PCTN. Ðây là một nội dung mới được quy định trên cơ sở tập hợp và hệ thống hóa một số nhóm quy định của luật hiện hành, bao gồm: quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; quy định về quà tặng và nhận quà tặng, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh...

Ðể tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ làm công tác PCTN, lãng phí, dự thảo luật quy định tại Ðiều 23 về quy tắc ứng xử đối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, không bố trí những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng. Theo đó, quy định cụ thể những việc mà người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm; các trường hợp không bố trí là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị...

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN mới đây, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,11 triệu người, tỷ lệ kê khai và được công khai bản kê khai đạt hơn 99,8%. Trong đó có 77 người được xác minh tài sản, thu nhập, thuộc các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công thương, các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Yên Bái, Ðồng Nai. Qua đó, phát hiện và xử lý ba trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp...

Từ nghiên cứu thực tiễn, dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) lần này quy định thành một chương riêng với nhiều quy định mới, thực chất nhằm hướng tới việc kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số người có chức vụ, quyền hạn khác. Nội dung của chương này bao gồm quy định về kê khai tài sản, thu nhập; quản lý bản kê khai; theo dõi biến động; xác minh tài sản, thu nhập, xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình hợp lý. Dự thảo luật bổ sung quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gồm: Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước và cơ quan T.Ư của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước; TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước; thanh tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, đơn vị phụ trách công tác tổ chức - cán bộ tại nơi không có cơ quan thanh tra, thanh tra tỉnh (Ðiều 40).

Nhiều đại biểu QH và cử tri cho rằng, bên cạnh hoàn chỉnh dự án Luật PCTN (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi) trình QH khóa XIV giúp tạo cơ sở pháp lý vững chắc nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng; các cơ quan hữu quan cần tổng kết và sửa đổi Luật Thanh tra, hoàn thiện pháp luật về thanh tra. Tăng cường cơ chế phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, viện kiểm sát xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện trong quá trình thanh tra.

Vấn đề quan trọng nữa được nhiều người quan tâm là tích cực phát huy vai trò của báo chí trong phát hiện tham nhũng, phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu giúp cơ quan chức năng xử lý vụ việc tham nhũng mà báo chí đã phát hiện, đăng tải, đồng thời bảo đảm cơ chế bảo vệ nguồn tin, bảo vệ người tố cáo theo quy định của pháp luật.

THÁI TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/34021102-hoan-thien-quy-dinh-minh-bach-tai-san-thu-nhap.html