Hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Ngày 31-10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) và dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Trước đó, tại hội trường, QH đã nghe các tờ trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra về hai dự án luật này.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (QLSDTSNN) năm 2008 là văn bản pháp luật cao nhất được ban hành về QLSDTSNN. Qua hơn 7 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật QLSDTSNN và công tác QLSDTSNN đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Dự thảo Luật QLSDTSNN (sửa đổi) gồm 10 chương với 137 điều nhằm tạo lập cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công. Dự thảo luật cũng nhằm khai thác tài sản công hợp lý, hiệu quả gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác tài sản công để đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước...

Theo Tờ trình về dự án Luật QLSDTSNN (sửa đổi), việc khoán kinh phí sử dụng tài sản được áp dụng đối với nhà công vụ, xe ô tô phục vụ chức danh và xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan nhà nước; điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động... Khoán kinh phí cũng là phương thức được ưu tiên, chỉ khi không áp dụng được phương thức khoán mới áp dụng các phương thức khác. Dự thảo luật cũng quy định rõ trách nhiệm tuân thủ, giám sát, kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công trong toàn bộ quy trình đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công. Dự thảo luật cũng bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công như: Mua sắm tập trung; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP)...

Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật QLSDTSNN, có ý kiến cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung thêm những tài sản nhà nước ở dạng “vô hình” như tài sản trí tuệ, giá trị thương hiệu để nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ của tập thể, cá nhân. Tài sản nhà nước hình thành trong tương lai cũng nên có quy định. Nhiều ĐBQH ủng hộ quy định của dự thảo luật cho phép kinh doanh tài sản nhà nước được giao nhưng không sử dụng hết định mức. Tuy nhiên, các ĐB nhấn mạnh phải rà soát quy định chặt chẽ không sơ hở dẫn đến nảy sinh hiện tượng “chạy” để được giao vượt định mức. Các ĐBQH đề nghị phải xác định đấu giá tài sản là quy định bắt buộc khi thanh lý tài sản nhà nước gắn nguyên tắc công khai minh bạch. ĐBQH Đoàn Hà Nội đề nghị cần quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng trụ sở của các cơ quan công quyền, ưu tiên xây dựng trụ sở tập trung, đặc biệt là khắc phục việc các bộ, ngành đã có trụ sở mới, nhưng vẫn sử dụng trụ sở cũ, không thực hiện đúng Luật Thủ đô là giao lại cho Hà Nội phục vụ xây dựng các công trình phúc lợi...

Xác định đối tượng được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ

Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là những loại phương tiện đặc biệt, có liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Ngày 30-6-2011, Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tiếp đó, ngày 12-7-2013, Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thi hành pháp lệnh, công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, pháp lệnh đã bộc lộ 7 nhóm hạn chế, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Thực tiễn công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là rất rộng và phức tạp, trong khi Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý.

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương, 75 điều. Thảo luận tại tổ, nhiều ĐBQH đánh giá cao dự thảo luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Ban Soạn thảo cần rà soát kỹ hơn, tham khảo thêm các chuyên gia để hoàn thiện các định nghĩa thuật ngữ; thận trọng khi xác định các đối tượng được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ. Các đối tượng đã được giao vũ khí, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm được huấn luyện chuyên nghiệp, sử dụng hiệu quả phục vụ công tác, ngăn chặn tối đa những trường hợp sử dụng sai mục đích, sử dụng vượt quá giới hạn.

Nhiều quy định mới đáng chú ý

Cũng trong ngày làm việc thứ 9, QH đã nghe các tờ trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cảnh vệ, dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và dự án Luật Thủy lợi.

Dự án Luật Cảnh vệ nhằm thay thế Pháp lệnh Cảnh vệ, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm cho hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự của lực lượng Cảnh vệ được thuận lợi, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013. Dự thảo Luật Cảnh vệ gồm 6 chương, 36 điều. So với Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, dự thảo luật đã bổ sung 2 chương, 15 điều và đã lồng ghép vấn đề bình đẳng giới tại các điều 5, 6, 15, 19 và 34 dự thảo luật. Một trong những điểm mới đáng chú ý là dự thảo luật quy định cụ thể các trường hợp được nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ thay vì giao cho Chính phủ quy định như Pháp lệnh Cảnh vệ.

Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) thay thế Luật Đường sắt năm 2005 gồm 9 chương, 95 điều. Trong đó, 4/114 điều được giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung 65 điều, bãi bỏ 45 điều và bổ sung 26 điều. Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) được xây dựng nhằm phát triển giao thông vận tải đường sắt theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo bước đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; tạo lập môi trường hoạt động kinh doanh thông thoáng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Dự thảo luật cũng hướng tới nâng cao thị phần vận tải đường sắt, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải; tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư kinh doanh đường sắt. Đặc biệt, dự thảo luật cũng quy định tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Dự thảo Luật Thủy lợi gồm có 9 chương, 72 điều được xây dựng nhằm chuyển từ cơ chế “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi” để thay đổi nhận thức coi công tác thủy lợi mang tính phục vụ sang tính dịch vụ, đưa hoạt động thủy lợi tiếp cận với cơ chế thị trường. Qua đó, luật sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ thủy lợi, coi việc chi trả dịch vụ thủy lợi là một chi phí đầu vào trong sản xuất, góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả dịch vụ, đặc biệt việc sử dụng nước tiết kiệm...

Võ Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/853638/hoan-thien-he-thong-phap-luat-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc