Hoàn thiện hệ thống đánh giá tác động môi trường

Trong những năm qua, nước ta sử dụng tổng hợp các công cụ nhằm bảo đảm hài hòa sự phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, nhất là các công cụ đánh giá môi trường chiến lược (ÐMC), đánh giá tác động môi trường (ÐTM)... Hoạt động nói trên bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, cần tiếp tục hoàn thiện các công cụ này cho phù hợp thực tiễn và dự báo tốt hơn.

Đối với công tác ÐTM, các quy định pháp luật đã được ban hành, điều chỉnh, bổ sung phù hợp tình hình thực tế ở Việt Nam. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ÐTM đã được hoàn thiện với luật, nghị định và thông tư hướng dẫn lập báo cáo ÐTM đối với các loại hình dự án đầu tư khác nhau. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), UBND cấp tỉnh, các bộ, ngành và ban quản lý các khu công nghiệp cũng có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo ÐTM.

Theo kết quả điều tra chưa đầy đủ cho thấy: Kể từ khi Nghị định số 29/2011/NÐ-CP Quy định về ÐMC, ÐTM, cam kết bảo vệ môi trường (BVMT) có hiệu lực cho đến nay (đang áp dụng Nghị định số 18/2015/NÐ-CP), cả nước có khoảng 7.000 báo cáo ÐTM và 2.500 đề án BVMT chi tiết (áp dụng đối với dự án đã đi vào vận hành nhưng chưa có ÐTM) đã được thẩm định, phê duyệt. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm Bộ TN và MT thẩm định khoảng từ 200 đến 250 báo cáo ÐTM; ở cấp tỉnh, thành phố trung bình trên toàn quốc mỗi địa phương là từ 33 đến 35 báo cáo ÐTM...

Nhờ các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung cho nên các quy trình, thủ tục thẩm định ÐTM được quy định rõ ràng, minh bạch theo hướng cải cách hành chính, bảo đảm chất lượng của công tác thẩm định. Các nội dung và chất lượng của báo cáo ÐTM có những tiến bộ nhất định, nhiều dự án trước khi vận hành chính thức đã được xác nhận thực hiện các công trình BVMT theo yêu cầu của báo cáo ÐTM. Từ năm 2005 đến nay, hơn 100 dự án đầu tư các lĩnh vực khác nhau đã phải thay đổi địa điểm hoặc không được phê duyệt vì không bảo đảm các yêu cầu về BVMT. Do vậy, có thể khẳng định ÐTM trở thành công cụ hữu ích khi gắn trách nhiệm của chủ dự án đối với công tác BVMT ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện ÐTM tồn tại không ít khó khăn, bất cập như: việc tiếp cận, áp dụng các quy trình khoa học về ÐTM của thế giới vào Việt Nam chưa đạt hiệu quả cao, trong đó có các quy trình thực hiện ÐTM; xác định phạm vi ÐTM, tham vấn cộng đồng, sử dụng báo cáo ÐTM sau khi được phê duyệt. Chất lượng báo cáo ÐTM còn phụ thuộc vào chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, loại hình dự án, nguồn lực thực hiện, hội đồng thẩm định, cơ quan thẩm định... Nguyên nhân được xác định là do một số quy định trong hệ thống văn bản pháp luật về BVMT chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và khoa học, như việc quy định về đánh giá tác động sức khỏe cộng đồng, xã hội áp dụng cho tất cả các loại hình dự án là không phù hợp và khó khả thi. Ðến nay, chưa có quy định cụ thể về việc kiểm tra, giám sát công tác BVMT của dự án cho tất cả các công đoạn từ chuẩn bị, xây dựng, vận hành thử nghiệm, vận hành thương mại và đóng cửa dự án. Có không ít dự án vì sức ép tăng trưởng kinh tế, một số ngành, địa phương xem nhẹ vai trò ÐTM, vốn là công cụ quyết định các dự án đầu tư theo định hướng phát triển bền vững. Việc đầu tư ngân sách cho công tác ÐTM còn hạn chế, chưa có đủ kinh phí để xây dựng cơ sở dữ liệu về ÐTM; các thông tin dữ liệu về hiện trạng môi trường vật lý, các yếu tố kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn quốc còn tản mạn, không đầy đủ và thiếu hệ thống…

Nhằm bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và môi trường sống, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống ÐTM ở nước ta thời gian tới là hết sức cấp thiết. Các cấp có liên quan cần tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định về ÐTM cho cả ba cấp độ là luật, nghị định, thông tư như: sàng lọc, phân chia thành các nhóm dự án tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm, phức tạp về khía cạnh môi trường; từ đó, quy định rõ phạm vi, quy trình, các bước, khâu ÐTM và mức độ chi tiết của báo cáo ÐTM đối với từng nhóm dự án. Ðối với các dự án có quy mô lớn, nhạy cảm về môi trường, cần quy định hai bước thực hiện ÐTM: ÐTM sơ bộ để sàng lọc dự án (trên cơ sở vị trí, công suất, công nghệ đề xuất) và ÐTM chi tiết khi có thiết kế của dự án. Nâng cao chất lượng công tác tham vấn cộng đồng theo hướng công khai thông tin cho chính quyền, nhân dân địa phương, các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, các đơn vị, cá nhân quan tâm và lắng nghe, tiếp thu ý kiến của họ về dự án, về các vấn đề môi trường và xã hội trong quá trình ÐTM…

Bản chất ÐTM là dự báo, do vậy khó có một báo cáo ÐTM chi tiết đến mức dự báo được định lượng và nêu rõ các giải pháp giảm thiểu tất cả các tác động, rủi ro, sự cố về môi trường và xã hội có thể xảy ra trong suốt vòng đời của dự án. Ðối với các dự án phức tạp, nhạy cảm về môi trường, cần xem công tác giám sát môi trường sau khi thẩm định ÐTM là yếu tố quan trọng nhất trong quản lý môi trường của dự án. Ðiều quan trọng là chủ dự án, cơ quan tư vấn, cơ quan thẩm định, lãnh đạo các cấp cần nhận diện các vấn đề phức tạp về môi trường của dự án có thể nảy sinh để quyết định phải giám sát đến mức độ nào đối với dự án đó...

TS MAI THẾ TOẢN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/33195302-hoan-thien-he-thong-danh-gia-tac-dong-moi-truong.html