Hoán đổi nợ thành cổ phần - không phải dễ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo góp vốn, mua cổ phần của các ngân hàng thương mại, trong đó có quy định hoán đổi nợ thành vốn cổ phần (gọi chung hoán đổi). Giao dịch hoán đổi là một sản phẩm tài chính cấu trúc rất phức tạp nên phải được thiết kế rất tinh tế và công phu, minh bạch, nếu không sẽ mang lại nhiều hệ lụy khôn lường cho nền kinh tế. Xác định được các mối rủi ro sẽ giúp dự thảo này mang tính khả thi hơn.

Nguyên tắc đầu tiên cần phải ghi nhớ là ngân hàng tuyệt đối không được tự đứng ra thiết kế các giao dịch hoán đổi. Không đời nào ngân hàng thiết kế một giao dịch hoán đổi mà phần thắng không thuộc về phía họ. Ảnh: TUỆ DOANH

1. Rủi ro thiết kế hoán đổi

Về mặt lý thuyết, giống như bất kỳ công cụ tài chính nào, nếu được thiết kế đúng, hoán đổi có tác dụng trung tính. Tức là không có bên nào giữa ngân hàng và doanh nghiệp (mắc nợ) bị xấu đi thêm. Ở đâu cũng vậy, hệ thống ngân hàng tuy tham lam nhưng cũng rất thông minh. Vì vậy nguyên tắc đầu tiên cần phải ghi nhớ là ngân hàng tuyệt đối không được tự đứng ra thiết kế các giao dịch hoán đổi. Không đời nào ngân hàng thiết kế một giao dịch hoán đổi mà phần thắng không thuộc về phía họ. Luật pháp phải quy định rõ một tổ chức chuyên biệt đứng ra làm nhiệm vụ thiết kế hoán đổi. Các rủi ro nghiêm trọng tiếp theo sau đó chủ yếu đến từ quá trình thực hiện hoán đổi. Phần tiếp theo chủ yếu sẽ làm rõ các rủi ro này.

2. Rủi ro tạo ra ảo ảnh tài chính

Một chương trình hoán đổi chỉ bảo đảm thành công ban đầu nếu như nhận diện chính xác tổng số nợ của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là nợ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), và mức độ sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Theo những số liệu ước đoán hiện nay, nợ trong hệ thống ngân hàng hiện nay phần lớn là từ các DNNN. Sau khi hoán đổi, các DNNN sẽ ngừng nghĩa vụ trả lãi và nợ gốc cho ngân hàng, thậm chí họ cũng không có động lực trả cổ tức cho cổ đông ngân hàng. Tình trạng tài chính của họ bỗng nhiên trở nên lành mạnh nhưng không thật. Do đó Chính phủ sẽ không thể nhận diện chính xác đâu là DNNN tốt, xấu thực sự để thực hiện các kế hoạch giải thể, hợp nhất và cổ phần hóa. Hoán đổi vì vậy sẽ làm khó thêm cho kế hoạch tái cấu trúc DNNN.

3. Hoán đổi chỉ là một cách trì hoãn

Để hoán đổi nợ thành vốn cổ phần thành công ở Việt Nam, cần phải có một cam kết chính trị mạnh mẽ nhất về việc Nhà nước không can thiệp vào các tiến trình này mà hãy để cho thị trường và luật pháp tự thực hiện các sứ mệnh của mình.

Hoán đổi chỉ hướng đến nợ thuộc nhóm 5, tức nợ hầu như không có khả năng thu hồi. Quy định này áp đặt những rủi ro quá lớn cho hệ thống tài chính. Hoán đổi theo cách này chỉ là cách trì hoãn về mặt thời gian để cho các doanh nghiệp yếu kém tồn tại dai dẳng và tiếp tục gây hại về sau cho nền kinh tế.

Nếu gọi chính xác, đây là việc hoán đổi nợ xấu thành cổ phần xấu. Gọi đúng như thế thì các ngân hàng hầu như sẽ không chấp nhận một hoán đổi kiểu này, trừ phi Nhà nước ép buộc hoặc để hợp pháp hóa một thương vụ sở hữu chéo. Nếu không để cho thị trường tự quyết định mà chỉ bằng mệnh lệnh từ trên ép xuống thì mọi điều vẫn không thay đổi thậm chí còn xấu thêm.

Để loại trừ khả năng này cần tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc. Họ đã đưa ra định nghĩa rất rõ, chỉ cho phép hoán đổi đối với các công ty “khó khăn tạm thời” nhưng “có triển vọng và là công ty có chất lượng cao”, hoàn toàn nghiêm cấm các doanh nghiệp xác sống tham gia hoán đổi.

4. Rủi ro danh mục đầu tư của ngân hàng tăng lên sau hoán đổi

Sau khi hoán đổi, từ tư cách chủ nợ trước đây giờ trở thành cổ đông, ngân hàng chỉ nhận được phần tài sản còn lại sau cùng nếu như doanh nghiệp phá sản. Rủi ro còn đến từ vấn đề bất cân xứng thông tin vì ngân hàng không hiểu nhiều về hoạt động doanh nghiệp. Luật cũng không cho phép ngân hàng nắm giữ cổ phần chi phối hoặc thậm chí nghiêm cấm nên ngân hàng không thể nào tác động vào quản trị doanh nghiệp của doanh nghiệp mình góp vốn.

Dự thảo hoàn toàn không đề cập đến các rủi ro này khi tính hệ số an toàn vốn ngân hàng CAR. Vậy phải chăng các khoản đầu tư của ngân hàng vào cổ phần doanh nghiệp là tài sản phi rủi ro? Khi hoán đổi nợ sang đầu tư vốn cổ phần, trong một đề xuất mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đề nghị tính trọng số tài sản có rủi ro khi tính hệ số CAR của ngân hàng phải lên đến 400%.

5. Rủi ro giám sát và quản lý sau hoán đổi

Nếu không lường hết các kịch bản sau hoán đổi, chỉ bằng vài thủ thuật tài chính và kế toán không phức tạp lắm, các khoản cổ phần và nợ sau hoán đổi sẽ dễ dàng dịch chuyển sang các ngân hàng hoặc công ty khác. Các “ảo thuật” tài chính này càng làm cho NHNN khó khăn hơn trong việc đánh giá rủi ro của hệ thống ngân hàng.

6. Rủi ro do Nhà nước tự thiết kế chính sách và tự thực hiện mà không có sự tham gia của khu vực tư

Sau hoán đổi, bảng cân đối kế toán hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp về bản chất vẫn y nguyên như trước đây. Chỉ có một thứ duy nhất thay đổi là hợp đồng chủ nợ giờ đây biến thành khế ước cổ đông. Nếu phương thức quản trị doanh nghiệp vẫn không thay đổi thì nợ xấu sẽ mãi trở thành cổ phần xấu. Vì vậy cần phải tận dụng mọi nguồn lực bằng cách cho phép các quỹ đầu tư tư nhân tham gia hoán đổi để cải tiến quản trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp có nợ xấu. Giải pháp này sẽ là một mũi tên bắn trúng... bốn đích: giảm nợ xấu ngân hàng, giảm tỷ lệ nợ quá cao hiện nay ở khu vực DNNN (mà suy cho cùng là góp phần làm giảm nợ công), nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và cải thiện hiệu quả chung của nền kinh tế.

7. Cần nghiêm cấm hình thức ngân hàng đầu tư cổ phần ở các doanh nghiệp

Dự thảo cho phép các ngân hàng tham gia đầu tư thương mại vào các doanh nghiệp khác. Mặc dù quy định tỏ ra chặt chẽ, như ngân hàng chỉ được góp vốn không quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp (nhưng 11% của 100 tỉ khác với 11% của 1.000 tỉ nên sẽ rất nguy hiểm nếu ngân hàng góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước hay các doanh nghiệp sân sau), hoặc quy định doanh nghiệp phải có lãi ba năm liên tục... Đây đích thị là một giao dịch hoán đổi nợ xấu thành cổ phần trên thực tế.

Vì nếu doanh nghiệp tốt như thế sao không vay nợ ngân hàng hoặc phát hành cổ phiếu trên thị trường để tăng vốn? Trước mắt khi vẫn còn duy trì hình thức đầu tư kiểu này thì cần phải quy định áp dụng một trọng số rủi ro thích hợp khi tính hệ số CAR. Cách tốt nhất là cấm hình thức đầu tư này của các ngân hàng.

8. Thiếu các chiến lược thoái vốn

Về mặt kỹ thuật, dự thảo đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp của ngân hàng và hoán đổi còn thiếu quá nhiều các thiết kế cơ bản mà một đề án tầm cỡ cần phải có. Chẳng hạn như, nguyên tắc nào “định giá hoán đổi” nếu tính đến xác suất công ty có khả năng phá sản (phòng ngừa trường hợp ngân hàng định giá tài sản quá cao hoặc quá thấp để trục lợi); tiến trình nào trong nội bộ ngân hàng để đồng ý hay bác bỏ hoán đổi; cổ phần sau hoán đổi được quản lý ra sao, có được bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC); hoặc nếu bán cho VAMC mà họ không quan tâm cứ để nằm chết ở đó thì xử lý ra sao; một nguyên tắc của hoán đổi là phải có thời hạn vậy thời hạn của hoán đổi trong dự thảo là bao lâu...

Để chương trình hoán đổi thực hiện thành công, cần phải khẳng định rõ ràng: mục đích của hoán đổi là hướng đến làm giảm tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao trong toàn bộ nền kinh tế chứ không đơn thuần nhằm mục đích xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Nợ xấu ngân hàng sẽ luôn tiềm ẩn phát sinh cao trong tương lai nếu như tỷ lệ nợ khu vực doanh nghiệp vẫn còn cao. Chương trình hoán đổi trước mắt cần thực hiện ngay ở vài khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời nhưng về lâu dài các lĩnh vực này có sức lan tỏa lớn đến nền kinh tế.

Mặt khác, đối tượng hoán đổi không thể là nợ thuộc nhóm 5. Chúng cần phải bị thanh lý hoặc phá sản thay vì cho phép hoán đổi như dự thảo.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153090/hoan-doi-no-thanh-co-phan---khong-phai-de.html/