Hoài Đức, Hà Nội: Hệ lụy lâu dài từ những trạm trộn bê tông không phép

Bụi bẩn, tiếng ồn, xe siêu trường siêu trọng phá nát đường… là những điều có thể mắt thấy, tai nghe hằng ngày, hằng giờ tại những trạm trộn bê tông hoạt động tại khu vực các xã An Khánh, Lại Yên, Vân Côn… của huyện Hoài Đức.

Những chiếc xe siêu trường, siêu trọng chở xi măng vào các trạm trộn ở xã An Khánh và Lại Yên

Người dân bức xúc, chính quyền ngó lơ

Tại khu vực cầu vượt An Khánh bắc qua đại lộ Thăng Long, số lượng trạm trộn bê tông với mật độ dày đặc đang hoạt động tấp nập ngay bên đường. Hàng đoàn xe trộn bê tông xếp hàng dài đợi “ăn” hàng, cho thấy tần suất hoạt động của các trạm trộn này rất lớn. Đoạn đường gom đại lộ Thăng Long gần đó luôn trong tình trạng bụi bặm, xi măng, cát đá vương vãi. Ngày nắng, đoạn đường bụi mù trời; ngày mưa đường trơn trượt, nhầy nhụa. Những trạm trộn này hoạt động suốt ngày đêm nên bụi bay khắp nơi, chỉ cần qua một đêm thì sân, nhà của các hộ gần đó phủ kín bụi bẩn.

Cách đó không xa, cụm công nghiệp Lại Yên cũng chìm trong tầng tầng lớp lớp bụi. Tuyến đường từ đại lộ Thăng Long vào xã đã bị phá hủy gần như hoàn toàn bởi hàng đoàn xe tải trọng lớn.

Bà Nguyễn Thị Vân, xã Lại Yên bức xúc: “Nhà tôi lúc nào cũng phải đóng cửa suốt ngày. Cứ hễ mở cửa ra là bụi bay khắp nhà, bám đầy các vật dụng. Gia đình tôi có con nhỏ mà suốt ngày ho, viêm phổi… Chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng giúp dân di dời cái trạm trộn bê tông này đi nơi khác…”

Bụi bẩn, đường sá không còn hình thù vì xe quá tải quần thảo suốt ngày đêm

Người dân ở xóm 1, xã Lại Yên cho biết, khu vực này chưa được cấp nước sạch, toàn bộ dân cư đang sử dụng nước giếng khoan cho sinh hoạt. Trước đây, chỉ khoan sâu chừng 40m đã có nước, nhưng gần đây phải khoan sâu từ 60 đến 70m vì các trạm trộn bê tông khoan giếng sâu, hút hết nước ngầm… Người dân cũng phản ánh, họ đã nhiều lần có ý kiến lên chính quyền xã, phản ánh qua các kỳ tiếp xúc cử tri, nhưng đến nay “đâu vẫn đóng đấy” nếu không nói là tình hình càng tồi tệ hơn.

Trao đổi với PV, đại diện của UBND huyện Hoài Đức cho biết, qua thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện có 25 cơ sở trạm trộn bê tông nằm ở 7 xã, trong đó nhiều nhất là xã Lại Yên có 10 trạm, An Khánh có 6 trạm. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, tháng 5/2016, UBND huyện Hoài Đức đã tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm của các trạm trộn bê tông trên địa bàn huyện.

Dù không phép nhưng trạm trộn này vẫn khá “hoành tráng”

Kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết các trạm trộn đều không có Giấy phép xây dựng, hồ sơ dự án hết sức sơ sài, không có báo cáo tác động môi trường, không có giấy phép khai thác nước ngầm, không có giấy phép xả thải… Đáng chú ý, có 7 dây chuyền trộn bê tông xây dựng trên đất nông nghiệp của các Công ty: Linh Đan, Bê tông An Khánh, Việt Đức, Vạn Phúc và Cty 136.

Tuy không có giấy phép khai thác nước ngầm nhưng 23/25 cơ sở đều tự khoan giếng lấy nước với công suất khai thác 10-30 m3/ngày đêm. Nước thải thì xả toàn bộ ra tự nhiên hoặc xả vào kênh thủy lợi T24 mà không qua xử lý.

Vị đại diện UBND huyện thừa nhận, tất các các cơ sở trạm trộn bê tông ở Hoài Đức đều vi phạm các quy định về xây dựng, đất đai, môi trường nhưng việc kiểm tra, xử lý của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng lại rất qua quýt và thiếu chế tài thực hiện. Ngay cả những vi phạm được cho là nghiêm trọng nhất (xây dựng trạm trộn trên đất nông nghiệp) thì cũng chỉ có Công ty Linh Đan bị UBND xã Song Phương ra quyết định xử phạt 1,5 triệu đồng.

Chính quyền cơ sở cũng chỉ ban hành được quyết định đình chỉ thi công, đình chỉ hoạt động đối với một vài đơn vị nhưng sau đó các đơn vị này vẫn hoàn thiện công trình và ngang nhiên đi vào hoạt động như không có chuyện gì xảy ra. Việc kiểm tra, xử lý cũng chỉ được thực hiện khi UBND TP Hà Nội chỉ đạo (từ tháng 4/2016), vậy nên có nhiều cơ sở từ lúc xây dựng đến khi đi vào hoạt động không hề thấy một biên bản xử lý nào của chính quyền cũng như cơ quan chức năng.

Một công ty thừa nhận lái xe của đơn vị có hành vi gian lận, đó là đổ bùn bẩn vào bê tông để ăn gian thể tích. Hành vi này có thể dẫn đến hậu quả khôn lường

Đại diện UBND huyện Hoài Đức cho biết, sau khi kiểm tra, rà soát, tổ công tác liên ngành của huyện đã thiết lập 12 hồ sơ vi phạm hành chính, tham mưu trình cấp có thẩm quyền, lập mới 12 hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, ban hành 7 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, vị này cũng thành thật cho biết, chỉ có 3 đơn vị chấp hành nộp phạt, sau quyết định xử phạt đó, các trạm trộn vẫn hoạt động bình thường.

Hệ lụy không nhỏ

Ngoài những vấn đề nhức nhối mà ai cũng nhìn thấy là bụi bặm, tiếng ồn, tai nạn giao thông… thì hoạt động của những trạm trộn này đã gây nên những hậu quả xấu trong thời gian dài.

Mới đây đã xảy ra mâu thuẫn trầm trọng giữa 32 hộ dân ở thôn Mộc Hoàn Giáo, xã Vân Côn với Công ty cổ phần Bê tông Readymix Concrete Việt Nam. Lý do, sau thời gian gần 10 năm hoạt động trên đất thuê của các hộ dân,khi hết hạn hợp đồng, mặt bằng công ty này trả lại cho người dân là những đống phế thải, những khối bê tông trơ trơ. 6.000m2 đất nông nghiệp màu mỡ trước đây trở thành “đất chết”, không thể tiếp tục sản xuất nông nghiệp được nữa. Tương lai này cũng hiển hiện đối với hàng vạn m2 đất nông nghiệp, kể cả khi chính quyền có vào cuộc, di dời thành công các trạm trộn không phép ngay bây giờ.

Không chỉ hủy hoại đất đai tại những nơi các đơn vị này xây dựng trạm trộn, hiện nay, các cơ sở này đã không còn chỗ chứa những chất phế thải rắn. Vậy nên, cách giải quyết của họ là lợi dụng đêm tối để đi đổ trộm tại các khu vực vắng vẻ, các cung đường quốc lộ trên địa bàn. Người dân các xã xung quanh rất bức xúc vì nhiều khi sáng ra, ngủ dậy gần nhà bỗng lù lù một đống xà bần, phế thải bị đổ vào đêm trước.

Nước thải lẫn bùn xi măng không qua xử lý đổ thẳng ra môi trường

Bên cạnh đó, lượng nước thải các cơ sở này thải ra không qua xử lý đổ thẳng ra xung quanh hoặc xả vào hệ thống thủy lợi nên phạm vi ảnh hưởng là rất lớn. Thế nhưng mức độ nguy hại, ảnh hưởng đến sản xuất, nguy cơ có thể gây ra của nguồn nước thải này đối với sức khỏe con người vẫn là những vấn đề còn bỏ ngỏ.

Được biết, huyện Hoài Đức không được quy hoạch là vùng sản xuất vật liệu xây dựng, phần lớn địa bàn huyện nằm trong vùng phát triển đô thị. Vì vậy, không có lý do gì để tồn tại các trạm trộn bê tông không phép, gây quá nhiều bất an cho nhân dân và gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Phía huyện Hoài Đức cũng hứa hẹn sẽ xử lý nghiêm, kiên quyết cưỡng chế, giải tỏa những cơ sở bê tông không phép này trong trong tháng 10/2016, tuy nhiên dư luận cho rằng, rất khó để xử lý nghiêm túc, triệt để những vi phạm này.

PV

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/hoai-duc-ha-noi-he-luy-lau-dai-tu-nhung-tram-tron-be-tong-khong-phep/