Họa sĩ Phạm Bình Chương: Phải theo đuổi đến cùng

Hà Nội đã đi vào nhiều tác phẩm hội họa, làm nên tên tuổi nhiều họa sĩ. Ý thức là người đi sau, họa sĩ Phạm Bình Chương chọn cho mình một lối đi riêng, không lẫn. Những bức tranh sống động như thật khiến người ta nhớ về Hà Nội một thời, về những góc phố thân thương đong đầy kỷ niệm.

Sớm mai Hà Nội.

PV: Anh đến với phong cách vẽ “như thật” này như thế nào?

Họa sĩ Phạm Bình Chương: Nó đến như một sự tình cờ. Trong khi đang “bế tắc”, chán nản với Trừu tượng thì tôi tham gia một bức tranh gửi triển lãm Thủ đô hàng năm. Muốn để thay đổi hoàn toàn, tôi đã vẽ một bức phố cổ theo phong cách hiện thực. Mới đầu chỉ định vẽ hiện thực bình thường, nhưng càng vẽ càng thấy thích thú và quyết định “đẩy” hết độ.

Bức tranh đầu tiên có ý nghĩa bước ngoặt ấy có tên là gì, thưa anh?

- Chính là bức “Phố Hàng Đường” tôi vẽ năm 1998.

Xem tranh anh, tôi cảm thấy phải có tình yêu sâu đậm lắm. Vậy xin hỏi, vì sao anh mê đắm với Hà Nội, với những góc phố cũ, mái nhà cũ, ô cửa cũ?

- Xin nói là trước “Phố Hàng Đường”, tôi đã vẽ nhiều về Hà Nội, nhưng chỉ là thử nghiệm. Còn về sự “mê đắm”, cũng không thể trả lời một cách chính xác, nhưng Hà Nội có một cái hồn, rất thân thương, trừu mến nhưng cũng rất lịch lãm, sang trọng. Những cái cũ nhuốm màu thời gian, nó gợi cho ta nhớ về quá khứ, và có một cái “chất” rất hội họa. Ánh sáng ở Hà Nội, đặc biệt ở khu phố cổ rất huyền ảo vì nó là ánh sáng gián tiếp, qua cây, qua sự phản chiếu, hoặc le lói do nhiều vật cản. Có lẽ do Hà Nội nhiều cây và phố nhỏ nên nó bí ẩn, quyến rũ và rất thân thương. Còn một lý do đơn giản hơn là tôi sinh ra ở phố Hàng Gà.

À, “trai phố cổ” thế thì yêu mê phố cổ cũng là phải thôi. Thế còn những cây bàng- lúc khẳng khiu, lúc rực lên vài chiếc lá đỏ- xuất hiện trong tranh của anh nhiều. Vì sao?

- Cây bàng gắn với Hà Nội từ xưa, và nó cũng gắn với văn thơ nhạc về Hà Nội. Tôi thích bàng bởi hình dáng cành lá rất điệu nghệ, nó uốn xuống vẽ một đường cong đẹp rồi mới đưa lên đưa lên tạo chùm lá. Cây bàng rất thú vị vì nhìn nó là biết đang là mùa gì: mùa xuân lá non nhú xanh lá mạ, mùa hạ lá to xanh biếc, mùa thu lá đỏ và mùa đông thì trụi lá. Mùa nào bàng cũng đẹp và tôi đã vẽ hết các mùa rồi mà không chán.

Đi tìm những góc phố như trong tranh anh bây giờ quả thật hơi khó?

- Vâng. Thực ta bạn có tìm cả ngày cũng không thấy đâu (cười), vì đó là Hà Nội trong tâm tưởng người họa sĩ. Cũng góc phố đó nhưng qua tay tôi nó là Hà Nội của tôi, của những ký ức thời thơ ấu cùng những xúc cảm thời nay, khi Hà Nội cũ đang tồn tại cùng thời đại mới.

Nhưng dòng tranh anh theo đuổi là “hiện thực” mà. Anh thường hoàn thành một bức tranh như thế nào? Ký họa trực tiếp rồi về vẽ hay khi bắt gặp, anh chụp ảnh rồi về vẽ?

- Nói là vẽ theo ký ức nhưng tôi lại vẽ theo phong cách hiện thực, vậy thì không bịa được rồi, mà phải cần tư liệu cụ thể. Tôi vẫn dùng 2 công đoạn: một là vẽ ký họa nhanh để nắm bắt bố cục. Sau đó là chụp ảnh để lấy chi tiết. Vì sao đã chụp ảnh rồi còn ký họa? Đó là bí mật nghề nghiệp. Chụp ảnh dễ bị ống kính áp chế nên vẽ theo ảnh là biết ngay, nhất là dân nhiếp ảnh sẽ đoán ra, và nó mất đi cảm giác vẽ trực tiếp. Tôi thường dựng ảnh lại theo ký họa cho đúng với mắt nhìn. Còn màu sắc thì hoàn toàn sáng tạo theo cảm xúc riêng, đó chính là ký ức.

Những ô cửa.

Hỏi thật, khi vẽ những bức tranh “như thật” khiến người xem “run rẩy nhớ” này, anh có cần đến sự trợ giúp của máy tính không?

- Có. Tôi là một trong những người mua máy ảnh số đầu tiên ở Hà Nội, và cũng là người bày tranh Digi Art đầu tiên ở Việt Nam, tức là tranh vẽ bằng máy tính. Tôi thích công nghệ. Máy tính giúp bạn nhiều thứ, khỏi mất thời gian, ví dụ thêm bớt hình ảnh, thay đổi màu sắc, sắc độ. Nói thật ra là để có một bức tranh tôi trải qua 4 công đoạn là: ký họa, chụp ảnh, lên bàn dựng và vẽ. Vậy đúng là góc phố không có thật.

Tôi nhớ không nhầm, anh từng có triển lãm ở Mỹ mang tựa đề “Hà Nội vàng”?

- Vâng. Triển lãm đó diễn ra vào năm 2012. Vàng có 2 ý, một là màu vàng của tường. Lạ nhất là người Hà Nội chỉ quét vôi vàng lên tường, không có màu gì khác. Ngày nay dù có sơn vôi đủ màu, vẫn màu vàng là chủ yếu. Đó có thể là màu đặc trưng của Hà Nội, dù không có quy định. Có thể phải có một bài nghiên cứu về nó chăng? Khi nắng chiều chiếu vào, cái màu vàng đó lại càng óng ả như được dát vàng. Đó là ý hai: chất vàng. Vậy nên tôi đặt tên cho triển lãm cá nhân tại New York tên là “Golden Place”, nó chính là Hà Nội Vàng Ròng.

Yêu Hà Nội thế, anh có định mở rộng đề tài để vẽ về những đô thị khác, như Hội An chẳng hạn?

- Tôi đã thử mở rộng đề tài bằng cách vào Hội An sống 1 tuần. Cũng ăn ở, dậy sớm đi ăn sáng như người bản địa. Buổi sáng Hội An thật quá đẹp, sạnh sẽ và con người rất cổ xưa. Kiến trúc thì khỏi nói, quá đẹp, và tường còn vàng nhiều hơn Hà Nội. Nhưng thật sự tôi không có một cảm xúc gì hết, dù chụp và ký họa thật nhiều. Có thể Hội An quá đẹp và quá xa lạ chăng? Và vẻ đẹp như được chăm sóc hàng ngày thật kỹ lưỡng, song nó thiếu chất “đời”.

Ngõ nhỏ.

Anh quan niệm thế nào khi chọn đi theo lối vẽ này?

- Có lẽ từ lâu ở Việt Nam không có người vẽ hiện thực (realism) một cách nghiêm chỉnh nên tôi bị vu cho là cực thực (hyperrealism). Tôi quan niệm họa sĩ phải nên chọn một con đường riêng, và bền. Ngoài ra nó phải khó, phải kỳ công. Khi tôi bắt đầu vẽ hiện thực phố thì chưa có ai trước đó vẽ cả, và tôi thích sự độc đáo đó. Khó thì không ai tranh, ta một mình một ngựa, chả phải rất thích thú sao? Ngoài ra tôi muốn khẳng định tay nghề của họa sĩ Việt Nam cũng rất tốt, không nên sợ hiện thực vì có quan niệm cho rằng Việt Nam không hợp với vẽ kỹ.

Còn, trước những bức tranh của anh, xuất hiện nhiều ý kiến. Người ta cho rằng vẽ tự nhiên, vẽ thế đã có nhiếp ảnh… Anh có chút băn khoăn?

- Tôi nghe nhiều lắm. Ngay cả trong triển lãm cá nhân đầu tiên cũng có nhiều ý kiến cho là khô cứng, chép ảnh vẽ thế thì máy ảnh có rồi. Tôi mặc, vì đúng là lúc đầu tay nghề còn non nên sự khô cứng là khó tránh khỏi. Cứ trau dồi kỹ năng, nuôi cảm xúc đi, bức tranh tự nó sẽ tỏa hương. Còn công nghệ, không tận dụng thì quá phí. Vermeer cũng đã dùng ống kính hỗ trợ từ thế kỷ 17. Tôi biết mình đang làm gì và phải theo đuổi đến cùng mới biết được. Cũng yên tâm, hãy đặt thử một tấm ảnh cạnh bức tranh của tôi đi, nó khác xa nhau nhiều lắm. Đã bao giờ bạn muốn bước chân vào một bức ảnh chưa? Chắc không, nhưng tranh thì có đấy.

Trân trọng cảm ơn anh!

Họa sĩ Phạm Bình Chương sinh năm 1973, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân: “Xuống phố” (2004), “Câu chuyện bên lề đường ” (2005), “Xuống phố 2” (2007), “Golden Place” (2012); tham gia nhiều triển lãm nhóm như: Triển lãm mỹ thuật toàn quốc (1995), “Mỹ thuật Việt Nam đương đại” (tại Trung Quốc, 1999), “Mười hai con giáp” (New York, 2010), “The Affordable Art Fair” (New York, 2012), “Chủ quyền Biển đảo Việt Nam” (2014)…, và mới đây là “Mở cửa”- Triển lãm tổng kết 30 năm Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.

Hoàng Thu Phố (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/hoa-si-pham-binh-chuong-phai-theo-duoi-den-cung/138731