Họa sĩ Nguyễn Hải Anh: Nhiều họa sĩ đang che đi nỗi lo cơm áo

Nghệ sĩ ai cũng thích tự tung tự tác, vậy mà năm 2013, sau khi tham gia triển lãm Expression & Reflection tại Singapore, do Galerie Nguyen tổ chức, Nguyễn Hải Anh quyết định về làm họa sĩ độc quyền cho phòng tranh này trong 5 năm.

Họa sĩ Nguyễn Hải Anh

Họa sĩ Nguyễn Hải Anh

Nhiều người cho đây là quyết định vội vàng, vì con đường của họa sĩ này đang rộng mở phía trước. Nguyễn Hải Anh nói gì?

“Với tôi, một họa sĩ khó có thể giỏi tất cả các công việc, vừa giỏi chuyên môn lại giỏi cả kinh doanh, thêm nữa, thời gian có hạn nên một mình không thể nào làm hết, do vậy tôi lo tập trung cho chuyên môn còn công việc mua bán tôi nhường lại cho gallery.

Qua quá trình hợp tác tôi cũng nhận ra những điều trước giờ mình nghĩ đơn giản - như việc tổ chức sự kiện, triển lãm, quảng bá tác phẩm… và bán - thực ra rất khó khăn, gallery có những điểm mạnh, họ có hệ thống chuyên nghiệp để làm những việc đó” - Nguyễn Hải Anh cho biết.

* Anh từng nói “bôn ba thi cử, triển lãm với mong muốn thành danh thật là con đường nan giải và vất vả”. Vậy anh muốn được làm một họa sĩ như thế nào?

- Đã làm công việc sáng tác thi hầu hết các họa sĩ đều muốn giới thiệu tác phẩm của mình ra với công chúng, tìm cho mình một con đường cũng như một chỗ đứng trong giới. Ở Việt Nam hiện nay các họa sĩ trẻ hay tìm đến với các cuộc thi, đó là môi trường tốt để giới thiệu tác phẩm, sự cọ xát thực tế cùng những trải nghiệm từ cuộc thi là điều vô cùng quý, nó giúp mình trưởng thành hơn trên con đường nghệ thuật.

Tôi cũng đã từng tham gia các cuộc thi và có nhận giải, lúc đầu tâm trạng cũng rất vui và hưng phấn, sau đó những va chạm, tiếp xúc và đi sâu hơn tôi nhận thấy mình cần phải làm việc nhiều hơn để tự nâng cấp mình. Tôi dành hầu hết thời gian cho hội họa, tìm kiếm và thể nghiệm. Tôi muốn mình là một họa sĩ có chuyên môn tốt.

Tác phẩm Bán hàng rong (sơn dầu trên toan, 120cm x 220cm) của Nguyễn Hải Anh

* Tại sao anh không muốn bán tranh trực tiếp cho khách hàng, mà muốn thông qua phòng tranh?

- Việc không bán tranh trực tiếp cho người yêu tranh hay giới sưu tập là điều tôi đang làm. Qua quan sát tôi thấy khi bán tranh trực tiếp như vậy sẽ vướng mắc đến nhiều những hệ lụy, trước tiên đó là việc phá vỡ lòng tin, sau nữa ảnh hưởng đến tiến trình phát triển, gallery sẽ ngại đầu tư cũng như quảng bá giới thiệu.

Như hiện tại tôi đang độc quyền cho Galerie Nguyen trong khoảng 5 năm. Họ tạo những điều kiện cho tôi tham dự những sự kiện nghệ thuật hàng năm, tham quan hội chợ nghệ thuật ở nước ngoài, có mặt trong các sự kiện đấu giá trong và ngoài nước…, với những trải nghiệm đó, tôi nghĩ cá nhân không thể nào tự làm được.

Ngoài ra, họ giúp tôi tạo dựng thị trường cho mình, giá tranh của tôi tăng lên mỗi năm, lúc đầu giá khoảng 1.000 USD tới 1.500 USD, và giá hiện tại là 5.000 USD. Họ có những kế hoạch nâng giá trị tranh đồng nghĩa với việc họa sĩ nâng cấp tác phẩm và hạn chế số lượng tác phẩm.

* Thế nhưng, gallery tư nhân hoạt động trên nguyên tắc lợi nhuận là chủ đạo, vì họ không có nguồn tài chính tài trợ vô điều kiện để phiêu lưu. Cho nên họ luôn muốn họa sĩ vẽ những thứ bán được, mà nghệ thuật thì bao gồm cả bán được và không bán được. Anh làm việc độc quyền với Galerie Nguyen theo nguyên tắc nào?

- Tôi nghĩ gallery tư nhân mở ra ở Việt Nam hiện nay đa phần vì
mục đích kinh doanh, thông qua đó họ cũng góp phần quảng bá về mỹ thuật Việt Nam ra bên ngoài, còn thiên mạnh về kinh doanh hay thiên mạnh về hỗ trợ nghệ thuật lại là việc lựa chọn hướng đi của mỗi gallery khác nhau. Nên việc gallery hoạt động theo nguyên tắc lợi nhuận là điều không có gì ngạc nhiên. Họ cần vốn để duy trì cũng như phát triển thêm.

Tôi có biết một vài gallery hoạt động thiên mạnh về hỗ trợ nghệ thuật mà xem nhẹ việc trao đổi mua bán, họ cũng chỉ tồn tại một thời gian rất ngắn bởi không còn kinh phí hoạt động, khi những nguồn tài trợ không còn. Và có những gallery chỉ lo kinh doanh mà thiếu sự chọn lọc đầu tư, có nhiều khi có những khuất tất gian lận… gây ra những khủng hoảng cho thị trường nghệ thuật Việt Nam. Nghiêm trọng nhất là sự mất lòng tin của các nhà đầu tư sưu tập trong và ngoài nước.

Nghệ thuật bao gồm cả việc bán được và không bán được, tôi đồng ý, nhưng theo tôi biết, việc bán được hay không cũng có rất nhiều lý do. Tôi hay thấy có quan niệm tranh không bán được là tranh nặng về tính nghệ thuật còn tranh bán được là tranh thị trường và dường như bị xem nhẹ.

Trong thực tế việc này cũng chỉ đúng một phần chứ không phải là tất cả. Không chắc tranh không bán được đã nghệ thuật và tranh bán được kém nghệ thuật. Thế giới bây giờ quá mở nên cái đúng hay sai, thực hay hư người ta cũng nhanh biết, ta không thể che giấu.

Cá nhân tôi hợp tác với tâm thế thoải mái, tôi không bị gò bó trong sáng tác, nhiều khi nảy ra những ý tưởng hoặc có phác thảo cho một loạt tranh mới, tôi thường trao đổi và được khuyến khích phát triển nó. Sau đó lựa ra những tác phẩm tốt để giới thiệu.

* Anh có thể lý giải rõ hơn lý do vì sao làm họa sĩ độc quyền lại giúp anh vẽ phóng khoáng, tự do và chuyên sâu hơn?

- Như đã nói ở trên , thời gian luôn có những hạn định và một cá nhân thì khó có thể giỏi tất cả mọi việc. Nên tôi chọn sự hợp tác độc quyền để bớt đi những thời gian “bôn ba” kia, dành thời gian đó tôi tập trung sâu hơn cho công việc sáng tác. Khi bạn được thoải mái không còn nỗi lo cơm áo gạo tiền, thời gian chỉ tập trung cho nghệ thuật, thử hỏi còn hạnh phúc nào hơn.

Thông thường để tạo ra một loạt tranh mới, tôi mất khá nhiều thời gian cho việc tìm kiếm ý tưởng và làm phác thảo, có khi 6 tháng, khi 1 năm hoặc có thể dài hơn nữa. Trong thời gian đó, mặc dù không bán tranh, tôi nhận được sự hỗ trợ đủ để tiếp tục hoàn thiện những dự án của mình. Nỗi lo đời sống hàng ngày là điều họa sĩ luôn gặp phải, dường như được che đi.

* Anh quan niệm như thế nào về danh tiếng, khi mà có nhiều kênh khác có thể giúp mình nổi tiếng thêm, như Facebook chẳng hạn?

- Người đời vẫn nói “ai sống trên đời mà chẳng màng tới danh lợi”. Với tôi, quan trọng hơn vẫn là việc tạo ra danh lợi đó để làm gì. Thỏa mãn cái tôi bản ngã hay coi nó là một phương tiện để làm và hướng tới điều khác tốt đẹp hơn.

Trong bối cảnh mỹ thuật hiện nay, Facebook là kênh thông tin mà họa sĩ hay sử dụng để giới thiệu và quảng bá tác phẩm, có khi họa sĩ bán được tranh trên đó. Việc giới thiệu được tác phẩm và bán được để tái đầu tư là điều rất vui. Nhưng tôi không chọn giới thiệu trên Facebook, bởi thực tế rất là khó, rất ít khi có thể bán được tác phẩm, và thiếu sự ổn định lâu dài.

Hiện tại phía Galerie Nguyen vẫn đang làm rất tốt, họ có những chiến lược cũng như các kết nối trực tiếp tới các nhà sưu tập khắp nơi trên thế giới, do vậy tác phẩm của tôi được giới thiệu rộng rãi hơn ra bên ngoài.

* Với con đường này, anh hình dung về một họa sĩ Nguyễn Hải Anh trong tương lai như thế nào?

- Tôi luôn nhớ điều Đức Phật dạy: “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, an trú trong hiện tại”. Tôi nghĩ rằng cố gắng cho một hiện tại tốt thì ta sẽ có một quá khứ tốt và một tương lai tốt. Ở thời điểm này tôi thấy mình đang có một hiện tại khá tốt.

Tôi còn trẻ, có nhiều thời gian dành cho nghệ thuật, có một sự hợp tác tốt với gallery và sự tin tưởng những kế hoạch, định hướng phát triển dành cho mình, không phải gánh quá nhiều nỗi lo, thỏa chí với đam mê.

Nguyễn Hải Anh sinh năm 1984 tại Hà Nội, Tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM năm 2011. Từng tham gia nhiều triển lãm nhóm trong và ngoài nước; từng đoạt giải Nhì tại triển lãm họa sĩ trẻ khu vực Nam Trung bộ do Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức năm 2012.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/hoa-si-nguyen-hai-anh-nhieu-hoa-si-dang-che-di-noi-lo-com-ao-2633999-v.html