Họa sĩ một chân đi đánh dậm và những bức tượng gây nhiều sửng sốt

Mười mấy năm mò cua bắt cá ở quê, đến khi vào Đại học, Nguyễn Như Ý mang nghề đánh dậm lên phố để tự nuôi mình ăn học. Trở thành hiện tượng của trường Mỹ thuật với không ít giai thoại, đang trong giai đoạn “tỏa sáng” về tài năng thì phải nghỉ học vì… không giống người thường. Ý “điên” trở lại giảng đường, tốt nghiệp, lại “tỏa sáng” rồi mất tích. Khi bạn bè “tìm thấy”, Ý “điên” chỉ còn một chân, sống bằng nghề đánh dậm ở quê và vẫn tiếp tục sáng tác nhờ chính cái nghề đánh dậm của mình.

Ý “điên” làm tượng như người ta chặt củi.

Bán tranh như bán cá

Mấy năm nay, người dân làng Thượng, xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội đã quen với hình ảnh người đàn ông cụt một chân ngồi giữa chợ, thường bán mớ tôm, cua, cá ốc vừa mới tát vét được. Và, nói chuyện với ai, bất kể thân sơ, bất kể người ít hơn mình đến hai chục tuổi, gã cũng xưng em. Cả làng, trừ người thân, không ai còn nhớ họ tên đầy đủ là Nguyễn Như Ý của gã, cả làng gọi gã là Ý “điên”. Sáng nào cũng như sáng nào, cứ khoảng 8 giờ là gã xách cái thùng nhựa từng dùng để đựng sơn ra đeo vào ghi đông xe đạp, bên kia đeo thêm cái gầu múc nước rồi ngồi lên xe, một chân bải bải cho xe chạy. Gã đi tát vét bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa, hè nắng vỡ đầu hay đông rét cắt cứa thịt da. Khắp các cánh đồng ở Sóc Sơn này, mương máng nào gã cũng biết. Thế nên nếu tìm gã vào giờ… tát vét thì chịu, chẳng ai biết gã đánh dậm ở cánh đồng nào mà tìm.

Sinh năm 1970, da đen cháy, đôi bàn tay rất to, dáng người vâm váp lực điền, có khi gã cởi trần, bận quần đùi, có khi khoác cái áo rách sờn, cái quần dài đã cắt cụt hai ống. Tôi lớn lên ở quê, hình ảnh những người đánh dậm không có gì xa lạ, thế mà nhìn Ý “điên”, thấy gã giống người… đánh dậm hơn tất cả những người đánh dậm mà tôi từng gặp, từng biết. Gã bảo Sóc Sơn quê gã từ xưa đã nghèo, gã lớn lên là đã mò cua bắt ốc kiếm miếng ăn, bán lấy tiền đong gạo giúp bố mẹ. Rồi lên phố học trường Mỹ thuật Yết Kiêu (ĐH Mỹ thuật nằm trên phố Yết Kiêu), gã cũng mò cua bắt ốc và đạp xích lô để lấy tiền nuôi thân. Gã đã đánh dậm khắp mọi ao hồ ở Hà Nội, có bận gã còn chui xuống cống bắt cá, người công nhân quen với gã từ lâu bèn đậy nắp cống lại, “người ta trêu thôi, nhưng mình thì bị nước đẩy, trôi tuột ra tận Hồ Tây, thế mà chả chết” - Ý hồn nhiên kể, ai tin thì tin, ai không tin thì mặc. Rồi gã bảo gã chui xuống cả những cái cống không ai dám chui, dưới đấy mới có những loài cá kỳ lạ. Có lúc gã lại kể mình đi tận Hòa Bình, Thanh Hóa để đánh dậm, vừa đi tìm hiểu cuộc sống loài cá ở khắp nơi, vừa tìm hiểu đời sống của bà con nước Việt mình để lấy vốn sống phục vụ sáng tác.

Gã không đạp xe được, mà đi quãng đường dài thì không thể bật nhảy một chân như lò xo. Gã sắm xe đạp, ngồi lên mà bải đi. Xe đạp dựng rìa đường, người cắm cúi dưới mương tát vét, bọn trộm vặt đã lấy mất của gã hai cái xe đạp. Cái xe “đồng nát” hiện giờ, gã mua với giá 60 nghìn đồng, để lỡ có bị trộm mất thì cũng đỡ tiếc. Gã cũng chưa bao giờ ế hàng, chỉ thi thoảng có mớ tép nhỏ gã “để dành” mang về cho bà hàng xóm nuôi vịt. Tiền bán cua cá, mỗi ngày gã cũng được đôi trăm. Nhưng cũng có hôm, “tát thăm dò đoạn mương ngoài đấy, vừa tát vừa đếm đến hai triệu gầu nước mà chỉ bắt được năm con cá, bắt xong lại thả”. Thi thoảng nổi hứng, gã lại căng vải giữa chợ, chấm quét mấy lọ sơn xanh đỏ vẽ tranh. Gã bán tranh cũng như bán cua, bán cá, ai thích mua thì mua, muốn trả bao nhiêu cũng được, gã không bao giờ nói giá. Tiền bán tranh, bán cá, Ý “điên” chỉ dùng vào hai việc: Mua vật liệu để vẽ tranh, làm tượng và uống rượu. Gã vào quán rượu, cứ hôm nào có nhiều tiền là gã xởi lởi mời cả quán. Từ ngày còn học trường Mỹ thuật, gã đã rất “giang hồ kiểu kiếm hiệp” như thế rồi.

Nhiều người Hà Nội “chơi” tượng của gã đánh dậm

Đến tận bây giờ, người làng Thượng vẫn nhắc về quá khứ của Ý “điên” với tâm thái rất tự hào, bởi “ngày trước Ý học rất giỏi, là tấm gương cho nhiều lớp đàn em”. Ý thi vào trường Mỹ thuật bằng hội họa, nhưng lại “theo học cái ngành mỗi năm nhà nước chỉ đào tạo ba người”: Điêu khắc. Cái máu lang bạt kỳ hồ của Ý hiển hiện trong cả đời sống và sáng tác, Ý làm tượng, vẽ tranh, làm đồ họa… song, nổi tiếng nhất khi nhắc đến Ý “điên” là tượng. Chuyện Ý “điên” sáng tác tượng từ hơn 20 năm trước vẫn còn sống động cho đến tận bây giờ: Những năm 1990 đến 1995, cứ góc nào phía cổng trường Mỹ thuật túm tụm lại là y như rằng ở góc đó Ý “điên” đang đục tượng. Đồ nghề ngày ấy cũng như bây giờ, chỉ là cái rìu, con dao rựa và vài cái đục. Nhìn bàn tay to bè của Ý thao tác, thấy giống như là gã đang “phạc” tượng chứ không phải là “đục”, “đẽo” hay “tạc” tượng. Bởi thế mà tượng của Ý rất ít bức nhẵn nhụi, bức nào cũng thô ram ráp như trẻ con chơi trò đẽo gọt. Thế nhưng bấy giờ, tượng của gã cứ làm xong là có người mua ngay, vẫn không nói giá, không mặc cả, muốn trả gã bao nhiêu thì tùy. Giai đoạn thăng hoa nhất, có tuần, Ý “phạc” được cả một xe bò tượng, mà làm đến đâu, người ta mua hết đến đó. Chẳng thế mà đến giờ, Ý có bốn cuộc triển lãm thì hai cuộc là người khác làm theo kiểu “sưu tập cá nhân”, và đều tổ chức ở nước ngoài. Hai cuộc mới đây thì do bạn bè tổ chức, một triển lãm tượng, một triển lãm cả tượng lẫn tranh. Cả hai lần, gã đến triển lãm của chính mình để “cảm ơn cả thế giới” rồi ra về nhanh như một buổi đi… tát vét cá.

Một người thầy mà Ý vô cùng kính trọng - nhà nghiên cứu Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng từng nói về Ý thế này: “Ý thích sống trong những cái tổ xây bằng củi hay đào hầm dưới đất, ăn những thứ mà người khác không ăn được, mặc áo bơi và đội mũ lặn đi nghênh ngang không kém gì Dalí (danh họa người Tây Ban Nha, nổi tiếng với những hình ảnh kỳ lạ, ấn tượng trong các tác phẩm siêu thực - PV), tạc tượng ở bất kỳ đâu, bán và cho với cái giá tương đương mớ rau. Tốt nghiệp một cách bất đắc dĩ từ trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, dưới góc độ giáo dục của nhà trường, Ý được coi là trường hợp rất khác thường, mặc dù nơi đây không ít sự khác thường như vậy, và người ta đành chiếu cố cho Ý ra trường mà thôi (Ý tự xóa bài tốt nghiệp, nhà trường chiếu cố cho Ý ra trường bằng mấy tác phẩm bé bằng ngón tay và vài mảnh giấy ghi chép - PV). Cả Hà Nội người ta chơi tượng của Ý, không phải vì nó quá rẻ mà vì nó có hồn cốt, có cái ngây thơ và kinh dị không ai nghĩ ra được. Về cả môi trường sinh thành lẫn nhà trường, không có gì tác động để hình thành một kiểu người như vậy. Ý “điên” gần gũi với tự nhiên như một con thú hoang, rất thân thiện khi làm nghệ thuật, một tính cách không ai dám như vậy. Người ta có thể lấy trường hợp tượng nhà mồ Tây Nguyên để giải thích trường hợp của Ý điên, dù không ổn lắm, và Ý cũng không từng biết Tây Nguyên là gì. Những người làm tượng nhà mồ ở Tây Nguyên đều không học ở đâu, hoàn toàn do truyền thừa và kinh nghiệm, do sự tiếp xúc với núi rừng và lòng xác tín nội tâm với thế giới kia. Ý điên không có những cái này, cũng không phải mục đích dành cho người chết, chỉ có những hình thù nửa người nửa ma là gần giống. Tượng của Ý điên thiên về kỹ thuật và hình thể bám theo một khối gỗ nguyên có phần hơi giống với điêu khắc Tây Nguyên, nhưng về tinh thần là khác hẳn. Và con đường của Ý điên cũng không học từ đâu, không ai học lại, nó là một thứ cánh cụt của đời sống nghệ thuật vốn đa dạng phức tạp, nhất định không đi chung đường với ai. Trường hợp của Ý điên làm cho người ta suy nghĩ về lối sống và tính cách nhiều hơn suy nghĩ về nghệ thuật”.

Mơ về một mái ấm

Nhiều người bảo Ý điên là do uống nhiều rượu. Không rõ có đúng không, chỉ biết gã uống nhiều. Bình thường, lúc không uống rượu, gã rất hồn nhiên, rất lành hiền, nhưng rượu vào, không vừa ý gì là gã chửi, chửi cả anh trai, chị dâu, chửi vung khắp xóm hệt như Chí Phèo chửi cả làng Vũ Đại. Lắm hôm say quá, còn tồng ngồng chạy rông khắp chợ. Và cũng chính vì rượu mà gã bị tai nạn, phải cưa mất một chân. Hôm bị tai nạn, đường vắng, gã nằm từ đêm hôm trước đến sáng hôm sau, mất rất nhiều máu “lấy máu của 6 người mới đủ để truyền cho chú ấy” - bà Oanh, chị dâu gã kể.

Nhiều người lại bảo gã điên từ hồi đang theo học trường Mỹ thuật là vì… yêu đương, dân gian hay gọi là điên tình. Gã có hai người vợ, cả hai đều không cưới xin gì, “chẳng biết ở với nhau ngoài Hà Nội từ bao giờ, chỉ thấy chú ấy dẫn về rồi bảo đây là vợ em”. Cô vợ thứ nhất, theo lời gã, chỉ nặng 25kg, ngày trước cũng nửa điên nửa tỉnh ngồi lẫn với đám đông ở cổng trường Mỹ thuật xem gã làm tượng. Ở với nhau 12 năm, hai lần sinh hai cậu con trai nhưng đều mất khi mới ra khỏi bụng mẹ, một đứa gã kịp đặt tên là Tượng, còn một đứa không kịp đặt tên. “Mẹ cô ấy lên bắt về, bảo bao giờ mày xây được nhà cửa thì mẹ mới cho nó lên. Em cũng chả đi tìm, đời rộng lớn thế này, biết tìm ở đâu”.

Cô vợ thứ hai phốp pháp, hơn tám mươi cân, cũng “không biết ở với nhau ngoài Hà Nội từ bao giờ, cũng không sống ở nhà ngày nào, chỉ về nhà chồng để đòi… chia đất. Đến khi chú ấy bị tai nạn, mất một chân là cô vợ cũng bỏ đi luôn, không một lần gặp lại. Ngày trước chú ấy vẫn làm thuê ở Hà Nội, thi thoảng về quê, từ hồi bị mất chân thì sống hẳn ở quê” - bà Oanh kể. Ý vẫn biết người ta gọi mình là “điên”, người bảo điên tình, người bảo điên do rượu. Gã không bực mình, không tự ái, mà cũng chẳng vui vẻ với những lời lẽ ấy, gã chỉ thẳng thắn bảo “đấy là nhận thức của mỗi người”. Gã cũng xem những đổ nát trong cuộc tình đầu tiên “chỉ là cuộc tập luyện trong cuộc sống”, còn tai nạn đến mức phải cưa chân “chỉ là chuyện không may”. Gã nói, không giống kẻ điên, mà cũng chẳng ra người tỉnh: “Sự đổ vỡ là sự thành công, người phụ nữ được quyền lựa chọn. Đàn ông cứ lao động và làm việc. Mình qua gian khổ, vất vả lại hạnh phúc thôi. Còn cuộc sống cứ sống, ngày tháng qua đi chỉ biết ngày nào cũng đẹp”.

Dăm năm nay, gã sống cùng gia đình anh trai Nguyễn Văn Sơn, ông Sơn là người “quản lý” số tiền nhận được từ các cuộc triển lãm của Ý, tiền đó, ông lại đi khắp nơi mua gỗ về cho em trai làm tượng. Ngày hai buổi, gã đi tát vét một, còn một dành cho sáng tác. Khắp nhà la liệt tượng, tượng xếp chồng ở mái chuồng bò, rúc vào nhau ở mái hiên, trong nhà. Tranh khổ lớn vẽ bằng sơn rẻ tiền căng trên mái nhà, căng trên tường rào ngăn cách với nhà hàng xóm… Gã bảo nhà nước đã cấp bằng tốt nghiệp đại học cho gã thì gã phải làm, phải sáng tác để trả công nhà nước và trường mỹ thuật chứ. Và “cũng là hoàn thành tâm nguyện của bố. Bố nuôi con để làm nhà họa sĩ, nhà điêu khắc, chả lẽ tốt nghiệp điêu khắc con lại không làm thì bất hiếu. Bố mẹ không còn, coi như là để tượng trưng lại những cái đã mất ở trong cuộc đời này”.

Tranh treo khắp nhà của Ý, phần nhiều là cảnh nam nữ giao hoan, có bức lại vẽ cảnh giao hoan của… hai con rồng, màu sắc xanh đỏ ma mị như tranh thờ trong tứ phủ. Tượng của Ý hầu hết là đàn bà, hỏi lý do thì gã bảo “đàn bà vất vả nhiều hơn nhưng mềm mại, đẹp, chứ đàn ông thô kệch, có gì mà vẽ”. Tôi lại hỏi sao toàn vẽ tranh sexy thế, gã cười khì khì: “Em phải vẽ từng bước một, từ bé mới đến lớn, vẽ cấu trúc hình thể xong em mới cho “mặc” áo, tranh mới “mặc” áo được chứ tượng thì chịu rồi, tượng không biết nói”. Đến khi hỏi có muốn lấy vợ nữa không, gã vừa cười vừa nói, có muốn chứ, nhưng phải tìm người muốn lấy mình, chứ không muốn là không nên, vì ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên. Gã cụt chân như thế, người ta lại bảo gã điên, thì tìm người muốn lấy nào có đơn giản. Câu chuyện của gã luôn đầy ắp tiếng cười, nhưng trong đôi mắt gã, nhiều lúc lại loang loáng nước. Lời nói, ánh nhìn của gã cứ nửa tỉnh nửa điên. Thầy gã thì bảo: “Nếu đọc nhật ký của Ý, người ta thấy rằng anh không điên, trái lại, nhận thức mọi việc hết sức tỉnh táo, trong đó cả nhận thức nghệ thuật. Ý viết rằng: Làm ra quái dị là lừa bịp. Cuộc sống chả có gì quái dị cả, chúng ta che đậy nó, chỉ dám phô bầy những cái đúng mức, thông thường, thông dụng, không dám sống thật với bản thân mình, nên những điều mập mờ ấy gọi là quái dị. Suốt ngày chúng ta nói dối, như một văn hào đã nói, người ta nói dối ngay cả khi ăn, khi mặc, khi ngủ, khi nằm mơ, khi không nói gì thì biểu hiện thái độ không thật”.

Tôi chưa được đọc nhật ký của Ý “điên”. Tôi chỉ dám nghe cảm nhận của mình khi tiếp xúc với gã: Nhiều lúc, tôi thấy gã rất tỉnh. Và vì cái điên như gã, tôi chưa từng thấy bao giờ, nên tôi chỉ dám nói: Gã đánh dậm này là một kẻ làm nghệ thuật bị giời đày.

Tâm Am

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/hoa-si-mot-chan-di-danh-dam-va-nhung-buc-tuong-gay-nhieu-sung-sot-614580.bld