Hoa quả ngoại nhập tràn lan: Người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình

Khi được hỏi về xuất xứ các loại quả, thì người bán quảng cáo đây là các loại quả đến một địa phương nào đó trong nước, nhhưng sự thật liệu có đúng như vậy.

Người mua lo ngại về nguồn gốc

Dọc các tuyến phố của Hà Nội như Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Xiển, Giải Phóng, Lê Văn Lương… Tại đây tập trung hàng chục xe hoa quả bán rong, đứng rải rác đưới lòng đường. Một điểm khá độc đáo là hầu hết hoa quả bán tại đây đều có giá rất rẻ. Cụ thể, củ đậu được bán với giá 7.000 đồng/kg, nho Ninh Thuận chỉ còn 30.000 đồng/kg, dưa hấu Sài Gòn thì 8.000 đồng/kg, cam, quýt từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg … đều có giá thấp hơn một nửa hoặc chỉ bằng 1/3 so với mức giá trong siêu thị hoặc những nơi khác. Tuy nhiên mức giá quá rẻ khiến phần lớn họ đều tỏ ra lo ngại về nguồn gốc của các mặt hàng.

Khi hỏi người bán về nguồn gốc nho Ninh Thuận thì được biết, đây hoàn toàn là hàng xịn nhập từ vườn nho ở Ninh Thuận, năm nay được mùa nên giá bán rẻ như thế này. Nếu chưa bàn tới vấn đề giá cả mà chỉ nhìn vào việc bày bán chúng la liệt lòng đường như thế đã thấy nhiều bất cập. Việc hoa quả bán rong không được bảo quản đúng cách, bám đầy bụi bặm từ xe cộ qua lại gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, bên cạnh đó còn gây mất an toàn giao thông do bày bán dưới lòng đường và nhiều người dân dừng đỗ xe để mua hàng.

Theo khảo sát, mùa hoa quả năm nay khá phong khú. Tại một số điểm hay tập kết giao bán nhiều hoa quả như chợ Đại Từ, Chợ Long Biên, Chợ Vồi- Thường Tín, chợ Nghĩa Tân, chợ Ngã Tư sở, chợ Trương Định, Chợ Định Công…nhiều loại hoa quả được bày bán. Tại chợ Long Biên, cam đỏ Trung Quốc được đổ buôn cho các sạp giá 15-17 nghìn đồng/kg, quýt 120 nghìn đồng/thùng 10kg, dâu tây 50-60 nghìn đồng/kg, nho đen 100 nghìn đồng/kg, nho đỏ 130 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, một lái buôn lâu năm tại chợ Long Biên “bật mí”: “Các loại hoa quả ở đây chủ yếu là nhập từ Trung Quốc, ngoại trừ một số mặt hàng trong Nam đang vào mùa như chôm chôm, sầu riêng, thanh long và dưa hấu, vải ở miền Bắc… Nhưng so với các năm, năm nay hàng bán ế hơn nhiều vì người dân giờ họ sợ mua hàng Tàu. Ví dụ như nho đen chúng tôi nhập về giá đã là 60-70 nghìn đồng/ kg rồi, bán ra chỉ khoảng 90-100 nghìn đồng/ kg nhưng hàng cũng khó chạy”.

Tuy vậy, những loại hoa quả nói trên đều là những loại hoa quả nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Việc vận chuyển tiểu ngạch qua các đường mòn lối mở tại các vùng biên giới gây khó khăn cho công tác kiểm dịch. Khi hàng đã về đến Việt Nam thì tập trung chủ yếu ở các chợ đầu mối của các địa phương. Chính vì vậy, việc kiểm soát ngay tại địa phương số lượng hàng này là “lá chắn” mạnh mẽ nhất để bảo vệ người tiêu dùng.

Đang đi chợ cho bữa ăn trưa của gia đình trong hôm nay, Bác Nguyễn Thị An sống tại quận Long Biên, chia sẻ : “Ngày trước cứ đi chợ thấy các cô bán hàng hoa quả chào mua hàng, giới thiệu này nọ rất nhiều, nào là hàng ngon, rồi hàng từ trong Nam chuyển ra đây bán, tôi cứ nghe và mua về ăn thử xem thế nào…Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghe báo, đài nói nhiều về các loại rau, quả không có nguồn gốc xuất xứ, nên khi đi chợ là tôi phải định hình trong đầu là mình phải mua gì trước. Nếu hàng không tem, dãn mác thì tôi tuyệt đối không mua và phải xem xem loại quả đó là quả gì và có ở trồng ở Việt Nam được hay không tôi mới mua về dùng”

Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trong tháng 10 năm 2016, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh đã kiểm tra, xử lý, thu giữ và bán phát mại trên 79 tấn hoa quả nhập lậu các loại. Ông Tín cho biết, đối với hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng hóa có nhãn ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc, lực lượng quản lý thị trường sẽ xử lý, tùy mức độ nhưng trong trường hợp có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dọc theo tuyến đường Nguyễn Xiển hướng, hàng ngày có hàng chục chiếc xe hoa quả bán rong rải rác dưới lòng đường.

Người trồng, người bán điêu đứng

Chị Nguyễn Giang, chủ một sạp hàng hoa quả ở chợ Hàng Da, bức xúc: “Bán giá cao thì người dân chê lên chê xuống là đắt không ăn hoặc ăn ít đi, bán giá rẻ thì bị nghĩ là hàng nhập từ Trung Quốc. Giá hoa quả năm nay rẻ quá nên thành ế ẩm, không mấy người mua, buôn bán cũng chán. Vì người dân họ nghĩ là hàng Trung Quốc nên mới có giá rẻ như vậy, họ không mua. Tình hình cứ thế này, các cơ quan quản lý mà không quản lý được tình trạng hàng ngoại nhập tràn lan, với “vớt vát” lại được uy tín của hàng Việt, như bơm tiêm thuốc cho hoa quả... thì hàng Việt “xịn” chỉ có nước… ngắc ngoải. Bọn tôi toàn dân buôn bán nhiều năm cũng… chết lây”.

Đây không phải là nỗi lo của riêng các thương lái, mà còn là nỗi trăn trở lớn của rất nhiều nông dân trồng rau quả. Chị Hoa - một nông dân trồng quýt tại Hà Giang, buồn bã : “Năm nay quýt được mùa nhưng bán không ăn thua. Chúng tôi đã phải bán giá rẻ lắm rồi nhưng do người buôn họ mua về không bán được nên cũng khó mà bán ra.

Đến mùa thu hoạch, nếu không bán được hết cho lái buôn thì tôi đành mang ra chợ bán, được đồng nào hay đồng đấy. Thường thì bán buôn năm nay, giá quýt khoảng 30.000-45.000 đồng/kg, loại không ngon thì bán khoảng 50.000- 65.000 đồng/kg. Trừ tiền thuốc trừ sâu, giống trồng và công chăm sóc ra thì người trồng rau quả chúng tôi chính xác là … làm không công”.

Để kiểm soát tốt tình hình, ngay từ đầu năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 1630/KH-BCT về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo, giám sát, đôn đốc lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm đối với các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế-xã hội, đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo trong trường hợp cần thiết, người tiêu dùng khi mua hoa quả nhập khẩu cần yêu cầu nơi bán xuất trình một số giấy tờ như sau: Giấy chứng nhận kiểm dịch của lô hàng; tờ khai hải quan và giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ do nước xuất khẩu cấp... Khi nghi ngờ các cơ sở kinh doanh hoa quả nhập khẩu có hành vi lừa dối khách hàng, người dân nên báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xác minh, xử lý.

Đây chính là “cây gậy quyền lực” người tiêu dùng được trao để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Còn nếu tiếp tục “dễ dãi” với việc truy xuất nguồn gốc thì những hoa quả trôi nổi thì thị trường Việt Nam vẫn luôn là “mảnh đất màu mỡ” cho hoa quả kém chất lượng mặc sức tung hoành.

Nguyễn Khuê - Phương Tâm

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/hoa-qua-ngoai-nhap-tran-lan-nguoi-tieu-dung-phai-biet-tu-bao-ve-minh-94922/